Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước yêu cầu chủ nuôi chó, mèo có trách nhiệm đăng ký, khai báo nuôi chó, mèo với chính quyền cấp xã; chó, mèo khi đưa ra khỏi nhà phải được xích, rọ mõm và có người dắt đề phòng cắn người; nếu để chó, mèo thả rông cắn người thì phải chi trả những chi phí liên quan theo quy định; áp dụng việc đánh dấu (đeo vòng cổ) để nhận diện chó, mèo đã được tiêm vaccine phòng dại.
Yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức quản lý, lập danh sách hộ nuôi hoặc sổ quản lý chó, mèo; thành lập mỗi xã 1 tổ xử lý bắt chó thả rông, chó không đeo rọ mõm.
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước yêu cầu các đơn vị, địa phương ngăn chặn, tiêu hủy chó, mèo và các sản phẩm từ chó, mèo nhập khẩu, vận chuyển trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam; xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển chó, mèo bất hợp pháp qua biên giới theo quy định; tổ chức lấy mẫu giám sát lưu hành virus dại đối với chó, mèo được vận chuyển; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về tính chất nguy hiểm của bệnh dại và các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở người.
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do virus dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người. Bệnh dại đã được ghi nhận ở hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trung bình mỗi năm có 59.000 người tử vong vì bệnh dại ở trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, 99% trường hợp người tử vong do nhiễm virus dại từ chó; 40% là trẻ em dưới 15 tuổi; 95% ca tử vong ở châu Á và châu Phi.
Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 29 triệu người bị phơi nhiễm với bệnh dại và phải điều trị dự phòng, gây tổn thất kinh tế ước tính khoảng 8,6 tỷ USD.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ 2017 đến cuối năm 2021, nước ta ghi nhận 378 người tử vong vì bệnh dại tại 52/63 tỉnh, thành phố; trung bình mỗi năm có 76 người tử vong vì bệnh dại.
Hiện nay có 3 giải pháp chính để loại trừ bệnh dại trên người, trong đó quan trọng nhất là tiêm phòng cho đàn chó mèo. Tiếp đến là tiêm vaccine phòng bệnh cho người có nguy cơ cao nhiễm bệnh dại; và tiêm huyết thanh kháng bệnh dại cho người bị chó mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh dại cắn.