Hội nghị nhằm lắng nghe người trong cuộc, tiếng nói từ thực tiễn để làm cơ sở tổng hợp xây dựng kế hoạch, chính sách khi thực hiện chủ trương lớn là di dời khu công nghiệp.
Tại hội nghị, người lao động đã đặt các câu hỏi về chính sách cho người lao động khi phải di dời đến nơi làm việc mới như nhà ở, chỗ học tập của con em, việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, mua nhà ở xã hội để an cư... Nhiều doanh nghiệp quan tâm đến lộ trình di dời, các tiêu chí di dời, các chính sách ưu đãi về cho thuê đất, chính sách hỗ trợ khi di dời.
Trả lời người lao động và các doanh nghiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Hà cho biết, Đề án 3210 đưa ra lộ trình di dời của 5 địa phương, trong đó thành phố Thuận An đến năm 2028; thành phố Tân Uyên năm 2029, còn lại là năm 2030.
Sở Công Thương đã dự thảo 5 tiêu chí, đang lấy ý kiến của sở, ban, ngành, các hiệp hội ngành hàng, Liên đoàn doanh nghiệp về các nội dung như môi trường, phòng cháy, chữa cháy, quy hoạch, công nghệ tiên tiến, chấp hành pháp luật. Sau đó, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ký ban hành làm cơ sở cho các địa phương căn cứ vào nhiều tiêu chí để triển khai thực hiện.
Hiện nay, hơn 3.000 doanh nghiệp có thay đổi, do nhiều doanh nghiệp giải thể, di dời... Như vậy, khi doanh nghiệp đang tồn tại trong khung thời gian di dời, phải căn cứ tiêu chí ban hành để di dời theo lộ trình, quy định của đề án. Sở Công Thương đang phối hợp với các ngành xây dựng một số chính sách trên cơ sở rà soát theo quy định pháp luật. Ngoài ra, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh Bình Dương một số chính sách đặc thù để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động di dời.
Sở cũng đã xây dựng phương án di dời trên cơ sở tích hợp quy hoạch của tỉnh gồm 23 khu, cụm công nghiệp, đồng thời phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp dành quỹ đất để phục vụ công tác di dời (khu công nghiệp là 5%, cụm công nghiệp là 50% dành cho ngành gỗ, gốm sứ, da giày...)
Về nơi ở và nhu cầu thiết yếu, Sở sẽ phối hợp với địa phương để chuẩn bị các hạ tầng kỹ thuật như: chợ, siêu thị, điện nước, nhà ở xã hội, trường học... để phục vụ công tác di dời theo chủ trương của tỉnh.
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương Trương Hải Thanh, hiện Sở đã xây dựng dự thảo Đề án “Nâng cấp đào tạo công tác giáo dục theo lộ trình đến năm 2030” và đang trình UBND tỉnh. Lộ trình đến năm 2030 sẽ xây dựng 45 trường học. Hiện nay, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ dành cho trẻ mầm non với mức 160.000 đồng/trẻ/tháng, thời gian hỗ trợ tối đa 9 tháng/năm.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Văn Tuyên cho rằng, hiện nay, vấn đề khó nhất trong việc di dời người lao động là phải kèm theo cả hệ sinh thái như trường học, trạm y tế, chợ... Về thời gian di dời dẫn đến ngừng việc sẽ thực hiện theo quy định tại Điều 99 Bộ luật Lao động năm 2019 về tiền lương ngừng việc. Ngoài ra, hiện các sở, ngành đang tham mưu UBND tỉnh một số chính sách đặc thù để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động.