Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho hay, trên cơ sở dự báo của Trung ương, tỉnh rất chủ động trong việc phòng, chống hạn mặn mùa khô năm 2023-2024 ngay từ giữa năm 2023. Đặc biệt, việc phát động phong trào trữ nước mưa, trữ nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất trong dân mang lại hiệu quả cao thời gian qua.
Tại Bến Tre, thời gian qua, bên cạnh các giải pháp công trình do nhà nước đầu tư, người dân đã có ý thức và chủ động trữ nước phục vụ sản xuất trong mùa hạn mặn. Việc trữ nước được thực hiện linh động bằng nhiều hình thức khác nhau như: ống hồ, bồn chứa, túi chứa, trữ nước trong mương vườn, đào hố trải bạt đắp các công trình tạm để trữ nước trong các kênh rạch tự nhiên.
Ông Nguyễn Thành Tấn, ấp Hòa Thạnh, xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách chia sẻ, gia đình ông có 4.000m2 vườn trồng sầu riêng đang cho thu hoạch. Để chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất, ông đã đầu tư xây dựng ao chứa nước ngọt có thể tích chứa khoảng 500 m3, đảm bảo phục vụ cho vườn sầu riêng của gia đình từ 1 - 2 tháng. Mặt khác, ông cũng lắp đặt hệ thống tưới tự động, tưới nhỏ giọt, tưới phun sương tiết kiệm nước và trồng cỏ để giữ ẩm cho cây trong mùa khô.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, đến thời điểm này, thiệt hại do hạn mặn đối với vật nuôi, cây trồng, vùng sản xuất cây ăn trái, hoa kiểng, cây giống trên địa bàn tỉnh không nhiều. Ngoài ra, tỉnh cũng đảm bảo cơ bản về nước cung cấp cho sinh hoạt, sản xuất và kinh doanh, nhất là việc đảm bảo nguồn nước ngọt cho hai nhà máy nước lớn của tỉnh và các khu công nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre thông tin, thời gian còn lại của mùa hạn năm nay, tỉnh tiếp tục chỉ đạo kết nối các nhà máy nước có nguồn nước ngọt qua các nhà máy có nguồn nước mặn xâm nhập. Riêng nơi nào không chủ động được, tỉnh chỉ đạo dùng sà lan chở nước ngọt về cung cấp. Nơi nào bị nhiễm mặn không thể có nguồn nước ngọt, địa phương sẽ dùng xe bồn để chở nước cung cấp cho dân ở các vùng nhà máy nước bị nhiễm mặn để đảm bảo cho sinh hoạt của người dân.
Không những vậy, tỉnh cũng tận dụng các hệ thống RO hiện có, đồng thời khơi lại các giếng làng, giếng ngọc mà trong thời quan tỉnh làm rất nhiều giếng ngọc trong từng làng, xóm để có nước ngọt cung cấp cho dân. Địa phương vận động các nhà máy nước giảm thu tiền nước cho dân khoảng 10%, người dân tiết kiệm nước sinh hoạt.
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre nhấn mạnh, với tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết liệt, đồng bộ với các giải pháp cụ thể, Bến Tre sẽ vượt qua mùa hạn mặn 2023-2024.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, xâm nhập mặn trên các sông chính trên địa bàn tăng dần từ ngày 4 đến các ngày 9 và ngày 11/4. Các địa phương cách cửa sông từ 61-73 km trở xuống nên theo dõi và kiểm tra độ mặn khi vận hành cống và sử dụng nước sông trực tiếp; thường xuyên theo dõi kiểm tra độ mặn để trữ ngọt và xả mặn hợp lý.
Do vậy, thời gian tới, ngoài việc triển khai thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương, các kế hoạch, phương án ứng phó hạn mặn mùa khô năm 2023-2024 của tỉnh đã ban hành, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục rà soát, triển khai các phương án, giải pháp phòng chống, ứng phó với tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp địa phương tiếp tục triển khai nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh về công tác phòng, chống xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 -2024. Đồng thời, đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến, tình hình xâm nhập mặn, kịp thời thông tin đến người dân cũng như tham mưu, đề xuất giải pháp phòng chống, ứng phó phù hợp.
Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên theo dõi và có báo cáo kết quả quan trắc, đánh giá diễn biến chất lượng nước mặt tại một số khu vực lấy nước trên địa bàn tỉnh Bến Tre trong thời gian hạn mặn diễn ra. Qua đó, kịp thời khuyến nghị các đơn vị cung cấp nước sạch kiểm soát chặt chẽ chất lượng nước đầu vào, phòng tránh ô nhiễm nguồn nước, tăng cường các biện pháp xử lý nhằm đảm bảo chất lượng nước đầu ra,...
Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị cấp nước thuộc phạm vi quản lý tiếp tục triển khai kế hoạch, phương án bảo đảm cung cấp nước sạch, không nhiễm mặn phục vụ nhu cầu sinh hoạt tối thiểu cho người dân; tiếp tục theo dõi, thực hiện báo cáo định kỳ về phòng chống, ứng phó xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh, nhất là việc theo dõi, giám sát độ mặn nguồn nước sau xử lý của các đơn vị cung cấp nước.
Công ty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy lợi tiếp tục theo dõi diễn biến xâm nhập mặn, chủ động phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức vận hành các công trình thủy lợi được giao quản lý nhằm tích trữ tối đa nguồn nước ngọt, tháo rửa ô nhiễm, bảo đảm linh hoạt, phù hợp với diễn biến tình hình thực tế xâm nhập mặn, đáp ứng nhu cầu dùng nước phục vụ sản xuất của từng địa phương.
Các đơn vị cấp nước tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch, phương án để cung cấp nước sạch, không nhiễm mặn mặn (tăng cường cấp nước qua hệ thống RO, đấu nối với các nhà máy nước không nhiễm mặn hoặc có độ mặn thấp, vận chuyển nước ngọt, vận hành cấp nước hợp lý theo diễn biến xâm nhập mặn,...) để cung cấp phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất cho nhân dân, doanh nghiệp.
Theo ghi nhận của các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh, xâm nhập mặn hiện đang ảnh ưởng đến một số lĩnh vực. Cụ thể, đối với sản xuất nông nghiệp, thiếu nước phục vụ sản xuất cây giống, cây ăn trái khoảng 4.000 ha đất thuộc huyện Chợ Lách.
Đối với lĩnh vực cấp nước, trên địa bàn toàn tỉnh có 67 nhà máy cấp nước sạch đang hoạt động, với tổng công suất 10.500 m3/giờ (khoảng 250.000 m3/ngày đêm), chủ yếu khai thác từ nguồn nước mặt tại chỗ để xử lý, cung cấp nước cho khoảng 400.000 hộ dân trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, thời gian qua mặn xâm nhập mặn lấn sâu vào nội đồng nên ảnh hưởng đến nguồn lấy nước của các nhà máy và gây thiếu nước cho khoảng 25.000 hộ dân trên địa bàn tỉnh.