Bến Tre huy động trên 80 tỷ đồng cho phát triển rừng

Theo UBND tỉnh Bến Tre, từ năm 2012-2020, toàn tỉnh đã huy động tổng số vốn đầu tư cho các hoạt động lâm nghiệp là 80,335 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách 23,048 tỷ đồng, vốn vay ODA (Dự án SP-RCC) 47,045 tỷ đồng, vốn các tổ chức phi chính phủ 10,242 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Lực lượng kiểm lâm phối hợp với lực lượng Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Ba Tri tổ chức đi tuần tra bảo vệ diện tích rừng ngập mặn tại xã An Thủy, huyện Ba Tri. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Ông Nguyễn Minh Cảnh-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, sau khi Nghị quyết số 03/2013/NQ-HĐND về việc thông qua Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bến Tre giai đoạn 2012-2020 được ban hành, UBND tỉnh chỉ đạo và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức triển khai quy hoạch cho các xã, huyện có rừng và các ban ngành có liên quan ở địa phương biết để phối hợp tổ chức thực hiện.

Theo đó, trong giai đoạn này toàn tỉnh trồng mới và khoanh nuôi tái sinh thêm 516,03 ha rừng. Bình quân mỗi năm trồng 57 ha, đạt 60,1% so với Nghị quyết số 03/2013/NQ-HĐND.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Bến Tre, diện tích rừng hàng năm có tăng nhưng không nhiều, chưa đạt mục tiêu đã đề ra; rừng trồng cũng như rừng tự nhiên năng suất và chất lượng thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu cho phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Ngoài ra, tăng trưởng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh còn chậm, đóng góp của lâm nghiệp trong cơ cấu chung của toàn tỉnh đạt rất thấp; tiềm năng tài nguyên rừng chưa được khai thác tổng hợp và hợp lý, nhất là tiềm năng phát triển du lịch sinh thái.

Nguyên nhân là do quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng chưa sát thực tế, diện tích đất quy hoạch trồng phát triển rừng của tỉnh chủ yếu là các bãi bồi ven biển, nhưng do tác động của sóng biển, dòng chảy làm hạn chế sự bồi tụ của đất hoặc gây xói lở nên không thể trồng rừng được. Mặt khác, xói lở còn gây thiệt hại giảm cả diện tích rừng hiện có của tỉnh. Rừng của tỉnh Bến Tre trồng chủ yếu vì mục đích phòng hộ bảo vệ môi trường là chính nên việc ứng dụng các tiến bộ khoa học, nâng cao chất lượng giống cây lâm nghiệp còn hạn chế.

Theo thống kê, tỉnh Bến Tre có tổng diện tích đất quy hoạch 3 loại rừng là 7.833 ha; trong đó, rừng phòng hộ 3.803 ha, rừng đặc dụng 2.584 ha và rừng sản xuất 1.446 ha. Đến nay, tổng diện tích đất có rừng đạt 4.361,78 ha (tăng 197,88 ha so năm 2012), tỷ lệ che phủ 1,77%. Ngành chức năng tỉnh đã đo đạc, cắm 335 cột mốc phân định ranh giới 3 loại rừng cụ thể trên bản đồ và ngoài thực địa. Qua đó, giúp cho quản lý và sử dụng 7.833 ha đất lâm nghiệp đúng mục đích.

Ngoài ra, tỉnh rà soát, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân và hộ gia đình đúng theo quy định. Đến nay, tỉnh đã đo đạc và cấp giấy chứng nhận cho Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng gần 3.150 ha, đạt 45,45% diện tích được giao. Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tiến hành giao khoán trên 2.940 ha, cho 507 cá nhân và hộ gia đình để quản lý, bảo vệ rừng theo Nghị định số 168/2016/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh thường xuyên phối hợp với các lực lượng có liên quan tuần tra, kiểm tra rừng nhằm kịp thời ngăn chặn các vụ việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng và xử lý nghiêm khi có vi phạm. Từ năm 2012- 2020, qua tuần tra, ngành chức năng tỉnh đã phát hiện và xử lý vi phạm 274 vụ (bình quân khoảng 30 vụ/năm), tổng diện tích rừng thiệt hại là 6,17 ha.

Theo UBND tỉnh Bến Tre, theo Luật Quy hoạch năm 2017, hiện nay không còn quy hoạch 3 loại rừng ở cấp tỉnh mà nội dung này sẽ được tích hợp vào quy hoạch tỉnh và quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia. Do vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ chỉ đạo ngành chức năng tỉnh tiến hành rà soát đất đai 3 loại rừng cho phù hợp với thực tế để tích hợp vào quy hoạch tỉnh và quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia trong thời gian tới.

Công Trí (TTXVN)
Nhiều hộ dân ở Bến Tre phải sử dụng nước sạch giá hơn 51.000 đồng/m3
Nhiều hộ dân ở Bến Tre phải sử dụng nước sạch giá hơn 51.000 đồng/m3

Từ đầu tháng 3/2021, hơn 16.000 hộ dân tại huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre phải sử dụng nước sạch (nước máy) với giá hơn 51.000 đồng/m3, cao hơn 5 lần so với giá trước đây. Do nguồn nước tại khu vực Nhà máy nước Lương Quới (Giồng Trôm) độ mặn hơn 3 phần nghìn, nhà máy nước thuê sà lan vận chuyển nước từ thượng nguồn về để cho người dân sử dụng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN