Bảo đảm nước sinh hoạt khi đóng kênh chính Bara Đô Lương

Trong thời gian đóng kênh chính Bara Đô Lương từ ngày 22/8 đến ngày 13/9 để phục vụ thi công hợp phần một, dự án Khôi phục, nâng cấp hệ thống Thủy lợi Bắc Nghệ An, nguy cơ ảnh hưởng lớn đến nguồn nước sinh hoạt của nhiều địa phương, tỉnh Nghệ An đã chủ động thực hiện các giải pháp để hạn chế mức thấp nhất đối với nhu cầu nước sinh hoạt của người dân.

Chú thích ảnh
Đầu nguồn Kênh Đào lấy nước từ sông Lam cung cấp nước sạch cho 8.000 hộ dân huyện Đô Lương sẽ bị ảnh hưởng khi đóng kênh chính. 

Hệ thống Thủy lợi Bắc Nghệ An dài hơn 50 km trải qua các huyện: Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai. Nguồn nước lấy trực tiếp từ sông Lam qua đập bara Đô Lương chảy vào Kênh Đào.

Khi kênh chính Bara Đô Lương đóng lại, nguồn cung cấp nước nông nghiệp và sinh hoạt của các huyện này sẽ bị ảnh hưởng. Đặc biệt, nguồn nước máy sử dụng cho sinh hoạt phải có những phương án hợp lý để ít bị ảnh hưởng trong thời gian đóng kênh chính Bara Đô Lương trong thời gian 21 ngày.

Huyện Đô Lương có 8.000 hộ dân sử dụng nguồn nước nước từ Trạm cấp nước Đô Lương. Thế nhưng, dù nằm ngay đầu nguồn Kênh Đào lấy nước từ đập Bara Đô Lương, Trạm cấp nước Đô Lương lại không có hồ chứa nước dự trữ nên chỉ cần đóng kênh chính là không có nước đầu vào để sản xuất nước sạch. Mỗi ngày, trạm cấp nước này sản xuất 5.000 m3 nước sinh hoạt.

Để có nước sinh hoạt lại cho bà con, chiều 24/8, đập Bara Đô Lương đã phải mở cửa để lấy nước từ sông Lam chảy vào Kênh Đào, lấy nước cho Trạm cấp nước Đô Lương sản xuất nước sạch. Ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho biết, sau khi cắt nước thì bà con phản ánh và Trạm cấp nước Đô Lương đã cấp nước trở lại.

Để đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn huyện trong thời gian đóng kênh chính Bara Đô Lương, Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An đã lắp đặt tuyến đường ống lấy nước trực tiếp từ sông Lam về thẳng Trạm cấp nước Đô Lương để sản xuất nước sinh hoạt mà không cần phải bơm nước từ Kênh Đào như trước đây. Khoảng 3 ngày nữa là thi công xong. Còn thời điểm này, nhu cầu sử dụng nước của bà con như thế nào công ty vẫn bơm bình thường.

Để nguồn nước sinh hoạt của các địa phương đảm bảo khi đóng kênh chính Bara Đô Lương trong vòng 21 ngày, UBND tỉnh Nghệ An đã cùng với các đơn vị liên quan, các huyện bị ảnh hưởng lên phương án chủ động nguồn nước đầu vào. Các trạm cấp nước trên toàn tuyến hệ thống Thủy lợi Bắc tích trữ nước, điều tiết việc cấp nước sinh hoạt hợp lý. Các địa phương thông báo, tuyên truyền người dân sử dụng nước tiếp kiệm, việc cắt nước luân phiên sao cho ảnh hưởng ít nhất đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Chú thích ảnh
Nhân viên vận hành tại Trạm cấp nước Đô Lương.

Trên hệ thống Thủy lợi Bắc Nghệ An có hơn 20 trạm cấp nước sinh hoạt. Các trạm này đều có hồ chứa nước dự trữ nước đầu vào, chỉ duy nhất Trạm cấp nước Đô Lương là không có hồ dự trữ.

Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Nghệ An đang quản lý 2 trạm cấp nước là Trạm cấp nước Diễn Yên (huyện Diễn Châu) và Trạm cấp nước Long Thành (huyện Yên Thành). Cả hai trạm này đều có các hồ chứa dự trữ nước để sản xuất nước sinh hoạt phục vụ người dân. Riêng trạm cấp nước Long Thành đang vận hành với công suất hơn 3.000 m3/ngày đêm cung cấp cho hơn 5.500 hộ dân. Trạm cấp nước này có hồ chứa nước thô lên đến 50.000 m3 nước, đủ cho việc dự trữ lên tới 20 ngày. Tương tự, Trạm cấp nước Diễn Yên cũng có hồ chứa dự trữ gần 50.000 m3 nước đủ dùng cho 20 ngày.

Ông Phạm Duy Kỷ, Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Nghệ An cho biết, ngay sau khi tỉnh có kế hoạch đóng kênh chính, trung tâm đã thực hiện tích trữ nước thô ở hai trạm cấp nước do trung tâm quản lý; gửi văn bản tới các chính quyền địa phương có hộ dân sử dụng nước sạch để người dân biết chủ động trong phương án nước.

Đồng thời, tăng cường tích trữ nước, tăng cường bơm để có điều kiện sử dụng trong trường hợp nguồn nước thô bị cắt. Việc đóng nước thô ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến người dân nhưng trung tâm cố gắng hạn chế mức thấp nhất. Người dân nên sử dụng nước tiết kiệm và ưu tiên cho mục đích sinh hoạt trong thời gian bị cắt nước.

Cả huyện Yên Thành đang vận hành hơn 10 trạm cấp nước sinh hoạt lấy nước đầu vào từ hệ thống Thủy lợi Bắc Nghệ An. Ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết, các trạm cấp nước trên địa bàn huyện cũng đã có phương án để cấp nước sinh hoạt trong thời gian đóng đóng kênh chính Bara Đô Lương 21 ngày.

Nguồn nước sinh hoạt dự trữ tại các trạm cấp nước của huyện cung cấp đủ khoảng được 15 ngày. Trong thời gian trên, việc cắt nước luân phiên ở các khu vực nhưng phải đảm bảo làm sao không ảnh hưởng nhiều đến việc sử dụng nước của người dân một cách ít nhất.

Ông Nguyễn Trường Thành, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An cho biết, đối với hệ thống Thủy lợi Bắc, hàng năm vào dịp cuối năm có đợt đóng nước kéo dài từ 20 đến 30 ngày. Vì vậy, các trạm cấp nước đều phải có thiết kế hồ chứa để dự trữ trong thời gian đóng nước sửa chữa công trình.

Tại thời điểm này đang là mùa mưa, lúa sắp thu hoạch nên nhu cầu dùng nước cho nông nghiệp không bị ảnh hưởng nhiều. Việc đóng kênh chính Bara Đô Lương trong vòng 21 ngày để thi công hợp phần 1, dự án Khôi phục, nâng cấp hệ thống Thủy lợi Bắc Nghệ An, các địa phương chủ động tích trữ, điều tiết đảm bảo nguồn nước tưới tiêu và sinh hoạt cho người dân.

Bài và ảnh: Nguyễn Oanh (TTXVN)
Trên 40 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa các công trình cấp nước sinh hoạt
Trên 40 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa các công trình cấp nước sinh hoạt

Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi Yên Bái, tỉnh Yên Bái có 352 công trình cấp nước tập trung, 97.000 công trình cấp nước nhỏ lẻ đang hoạt động, cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho trên 600.000 người dân nông thôn, chiếm tỷ lệ 90%. Dự kiến đến hết năm 2020, sẽ tăng lên thành 91% dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN