Bảo đảm an toàn cho người dân từ vùng dịch trở về quê

Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh và Bình Dương khiến lượng người đổ về Tây Nguyên qua Chốt kiểm soát giao thông và phòng, chống dịch COVID-19 số 2, trên đường ĐT741, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú (Bình Phước) trở nên quá tải.

Chú thích ảnh
Chốt phụ tại ấp 2, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú kiểm tra, khai báo y tế với người dân vào tỉnh Bình Phước. Ảnh: K GỬIH/TTXVN

Mỗi ngày có hàng nghìn lượt người và xe máy tập trung tại chốt làm thủ tục lưu thông, để giải quyết tình trạng này và đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn, lực lượng chức năng phải cho xe chuyên dụng áp tải chuyển người cùng với phương tiện đi qua địa bàn tỉnh Bình Phước, lên Tây Nguyên.

Ghi nhận từ đêm 22/7 đến sáng 23/7, lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Bình Phước đã dùng các xe chuyên dụng dẫn dắt hàng ngàn xe ô tô, xe máy từ chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên đường ĐT741 giáp ranh giữa Bình Phước - Bình Dương đến chốt kiểm soát dịch trên Quốc lộ 14, giáp ranh với tỉnh Đắk Nông trên tinh thần không để các phương tiện dừng, đỗ trên địa bàn tỉnh Bình Phước. 

Trong 3 ngày thực hiện giãn cách xã hội, mỗi ngày Bình Phước dẫn dắt hàng ngàn phương tiện đi qua địa bàn tỉnh về Tây Nguyên. Đây là giải pháp tình thế nhằm tránh ùn tắc giao thông và không để lây nhiễm chéo trong cộng đồng. Hiện tình hình dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là 19 tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng, nhất là cho chính người thân trong gia đình là rất cao nếu người dân liên tục di chuyển về các địa bàn chưa có dịch.

* Chiều 23/7, tại Cảng Hàng không Pleiku, 192/1.000 công dân Gia Lai từ vùng dịch TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương đợt đầu tiên đã trở về địa phương an toàn. Toàn bộ công dân trên sẽ được cách ly tập trung, theo dõi y tế tại Khu cách ly cộng đồng Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú Đông Gia Lai và Trung đoàn 991 Gia Lai.

Chú thích ảnh
192/1000 công dân Gia Lai từ vùng dịch được tỉnh Gia Lai hỗ trợ đón về địa phương an toàn. Ảnh: Quang Thái/TTXVN

Theo thứ tự ưu tiên, các công dân được tỉnh Gia Lai hỗ trợ đón về đợt này gồm người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh hiểm nghèo, lao động tự do là hộ nghèo, dân tộc thiểu số hiện đang tạm trú tại vùng tâm dịch. Việc đưa đón bằng phương tiện máy bay, ô tô và bằng kinh phí từ nguồn xã hội hóa và 1 phần ngân sách nhà nước.

Toàn bộ công dân được đón đợt đầu tiên sau khi đăng ký nhu cầu, được sàng lọc yếu tố dịch tễ lần 1 và được xét nghiệm bằng test nhanh. Sau đó, những công dân này được Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai bố trí phương tiện máy bay đón về cách ly tại các khu cách ly tập trung.

Chú thích ảnh
Công dân Gia Lai từ vùng dịch được tỉnh Gia Lai hỗ trợ đón về địa phương an toàn. Ảnh: Quang Thái/TTXVN

Theo thống kê, hiện có trên 35.000 công dân Gia Lai đang lao động, học tập tại các tỉnh, thành phía Nam, trong đó tại TP Hồ Chí Minh có gần 21.000 người. Theo khảo sát, có gần 7.000 trường hợp có nguyện vọng về Gia Lai.

Phóng viên TTXVN tại các địa phương
Chuyến tàu chuyên biệt đầu tiên đưa 3.000 người dân Hà Tĩnh từ phía Nam về quê
Chuyến tàu chuyên biệt đầu tiên đưa 3.000 người dân Hà Tĩnh từ phía Nam về quê

Sáng 24/7, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) sẽ tổ chức chạy chuyến tàu chuyên biệt đầu tiên đưa 700 hành khách là công dân Hà Tĩnh đang sinh sống, làm việc tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về quê, nhằm giảm tải áp lực cách ly cho các tỉnh phía Nam trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN