Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh đề nghị Sở Công Thương hướng dẫn cụ thể cho các địa phương về việc cung cấp sản phẩm, hàng hóa, hoạt động của các chợ đầu mối, chợ truyền thống, đảm bảo các chợ được phép hoạt động phải thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải đảm bảo hàng hóa được luân chuyển kịp thời.
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quyết định, chịu trách nhiệm trong việc sắp xếp, bố trí cán bộ làm việc tại cơ quan đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao và các quy định về phòng, chống dịch. Sở Giao thông vận tải hướng dẫn chặt chẽ, dễ hiểu cho các chốt kiểm soát dịch COVID-19 về “luồng xanh” trên địa bàn tỉnh, đảm bảo không để ùn tắc giao thông, nhận diện xe liên tỉnh, nội tỉnh để quản lý chặt chẽ.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu, Sở Y tế chuẩn bị kịch bản chuyển tình huống trong phong tỏa, cách ly, điều trị cho từng tình trạng bệnh nhân; chuẩn bị vật tư y tế, trang bị, thiết bị, nguồn nhân lực. Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục thực hiện lắp đặt camera tại các khu cách ly tập trung; triển khai cổng thông tin của tỉnh về công tác phòng, chống dịch để người dân được tiếp cận thông tin kịp thời, chính xác. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai hỗ trợ nhanh chóng, đúng đối tượng theo Nghị quyết 68/NQ-CP.
Thông tin về tình hình cung ứng hàng hóa trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 trên địa bàn tỉnh, ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang cho biết, sau khi có thông tin các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 đã xảy ra tình trạng sốt hàng cục bộ vào chiều, tối 17/7. Sáng 18/7, tình hình ổn định trở lại nhưng người dân vẫn đi mua hàng hóa để tích trữ. Do đó, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về tình hình cung ứng hàng hóa, hoạt động của các chợ truyền thống.
Qua kiểm tra vào rạng sáng 18/7, hàng hóa tại các chợ, siêu thị trên địa bàn tỉnh vẫn được cung ứng, bổ sung đầy đủ. Sở đã triển khai kế hoạch chuẩn bị hàng hóa xuống các địa phương theo 3 tình huống và làm việc với siêu thị Co.opmart chuẩn bị 10 điểm bán hàng bình ổn trên địa bàn tỉnh để phục vụ người dân, Giám đốc Sở Công Thương thông tin thêm.
Tính đến 6 giờ, ngày 18/7, tỉnh Hậu Giang có 28 ca COVID-19 được Bộ Y tế công bố. Tỉnh thiết lập lại 34 chốt kiểm soát dịch COVID-19 tại các tuyến giao thông cửa ngõ vào tỉnh; tổ chức 8 cơ sở cách ly tập trung, 9 cơ sở cách ly y tế, đang thiết lập mới, khảo sát, mở rộng thêm một số khu cách ly; trang bị đủ cho 3 nguyên đơn điều trị (60 giường), đang xây dựng kế hoạch thành lập nguyên đơn Hồi sức tích cực tại Bệnh viện Phổi và dự kiến điều trị lên đến 1.000 giường tại trung tâm y tế các huyện Vị Thủy, Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp và Bệnh viện Đại học Võ Trường Toản.
Bình Phước: Kêu gọi toàn dân cùng quyết tâm chống dịch
Bắt đầu từ 0 giờ ngày 19/7 toàn tỉnh Bình Phước sẽ thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. “Trong điều kiện vaccine COVID-19 có hạn, chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêm chủng rộng rãi cho nhân dân, thì ngay lúc này đây vaccine tốt nhất, hiệu quả nhất chính là sự đoàn kết, ý thức tự giác, trách nhiệm của mỗi người dân”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, bà Trần Tuệ Hiền gửi thư kêu gọi toàn dân cùng quyết tâm chống dịch.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và các lực lượng vũ trang tiếp tục đoàn kết, thống nhất trong ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả quy định phòng, chống dịch. Mọi người dân ở nhà, chỉ ra khỏi nhà khi thật sự cần thiết và thực hiện nghiêm 5K; hạn chế tối đa việc ra khỏi tỉnh và trở về tỉnh từ lúc này; hãy bình tĩnh, yên tâm, tin tưởng vào cấp ủy, chính quyền các cấp đang nỗ lực chăm lo cho sự bình an của mỗi gia đình và xã hội.
“Thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của mỗi người dân, doanh nghiệp. Hãy chấp nhận hy sinh lợi ích trước mắt, vì lợi ích to lớn của cộng đồng xã hội, của tỉnh và đất nước. Việc cung ứng hàng hóa, các mặt hàng thiết yếu sẽ được các cấp chính quyền, cơ quan chức năng điều phối, đảm bảo cung cấp kịp thời, đầy đủ. Với tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy ý chí và nghị lực kiên cường, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh, tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, trở lại cuộc sống bình thường mới”, bà Trần Tuệ Hiền chia sẻ.
UBND tỉnh Bình Phước, cho biết dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp, khó lường. Từ ngày 30/6/2021, khi có ca nhiễm đầu tiên tại địa bàn, đến 10 giờ ngày 18/7/2021 toàn tỉnh đã có 86 ca dương tính phải đi điều trị, hàng chục nghìn lượt F1, F2 phải cách ly và dự báo số ca mắc mới ngày càng tăng lên.
Hiện Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đã yêu cầu tất cả các doanh nghiệp trong khu công nghiệp trên địa bàn phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo phương châm "3 tại chỗ"; đối với những doanh nghiệp không đáp ứng các điều kiện này buộc tạm dừng hoạt động từ ngày 16/7.
Trên tuyến biên giới, tỉnh Bình Phước đang bố trí 65 chốt cố định và 11 tổ cơ động với hàng trăm cán bộ, chiến sỹ đang kiểm soát phòng, chống dịch; lập hàng chục tổ, chốt kiểm dịch trên các tuyến đường dẫn vào địa bàn để kiểm soát người và phương tiện, nhằm ngăn ngừa mầm bệnh xâm nhập vào địa phương.
Bến Tre: Tạo điều kiện cho người dân an tâm thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16
Ngày 18/7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bến Tre tổ chức họp triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để chuẩn bị hiệu quả thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, bắt đầu áp dụng kể từ 0 giờ 00 phút ngày 19/7/2021 trên phạm vi toàn tỉnh Bến Tre.
Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ đề nghị, trong tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch, các cấp, các ngành cần xác định đặt lợi ích chăm lo sức khỏe, tính mạng cho người dân lên trên hết; thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" (làm việc tại chỗ, ăn tại chỗ, ở tại chỗ, phòng, chống dịch tại chỗ). Cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt và huy động sự tham gia tích cực của người dân từ tỉnh đến huyện, ấp, khu phố; công tác tác xử lý vi phạm phải thật sự nghiêm minh đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm…
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam nhấn mạnh, các nhiệm vụ trước mắt được đặt ra là: Tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế; thực hiện tốt "4 tại chỗ", lấy cơ sở làm pháo đài trong công tác phòng, chống dịch; thực hiện tốt phương châm quản lý "ngoài chặt, trong cũng chặt". Bên cạnh đó, công tác đặc biệt quan trọng và xuyên suốt trong thời gian tới là tuyên truyền nội dung Chỉ thị 16, làm cho toàn dân hiểu, an tâm, tin tưởng chấp hành thực hiện, động viên, khuyến khích bà con thực hiện tốt đợt giãn cách này.
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre thống nhất đề xuất số F1 cách ly tại nhà nhiều hơn nếu có đủ điều kiện; tập trung tách F0 nhanh đi điều trị, theo dõi, truy vết F1, F2. Các trường hợp cách ly tại nhà theo dõi chặt chẽ, theo dõi người ngoài tỉnh về. Ngoài ra, Chủ tịch Trần Ngọc Tam yêu cầu các ngành chức năng, các tiểu ban trong ban chỉ đạo, trong thời gian giãn cách, dừng tất cả các cuộc họp, trừ họp Ban Chỉ đạo, họp tiểu ban và các cuộc họp đột xuất khác; tiểu ban hậu cần nhanh chóng vận hành có phương án để đảm bảo lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho người dân. Ngành chức năng quan tâm vấn đề tiêu thụ hàng hóa cho người dân; kịp thời phát hàng hóa cứu trợ cho người nghèo, khó khăn; phát huy vai trò đơn vị, doanh nghiệp xung phong bình ổn giá.
Theo thông tin Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, đến 6 giờ sáng 18/7, tỉnh ghi nhận thêm 2 ca dương tính mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn tỉnh là 172 ca.