Trong bối cảnh như vậy, tỉnh đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp; trong đó, thành lập 4 đoàn công tác, quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời đề cao trách nhiệm của người đứng đầu nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.
Năm 2023, tổng nguồn vốn phân bổ từ nguồn ngân sách nhà nước của tỉnh Bạc Liêu hơn 3.900 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/5, tỉnh giải ngân hơn 790 tỷ, đạt 20,26% so kế hoạch vốn phân bổ, thấp hơn 5% so với cùng kỳ năm 2022.
Cụ thể, nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung trong nước giải ngân được hơn 138 tỷ đồng, đạt gần 30% kế hoạch; vốn đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết giải ngân được hơn 290 tỷ đồng, đạt hơn 18% kế hoạch; đối với nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi chỉ giải ngân được hơn 10 % so với kế hoạch đã phân bổ.
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bạc Liêu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả thấp; trong đó, chủ yếu là do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Qua thống kê, tỉnh Bạc Liêu có đến 18 dự án đang gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; trong đó, Ban Quản lý dự án Dân dụng 5 dự án; Ban Quản lý giao thông 5 dự án; Ban Quản lý Nông nghiệp 6 dự án; UBND thành phố Bạc Liêu 1 dự án; UBND huyện Vĩnh Lợi 1 dự án với tổng số trên 178 hộ chưa bàn giao mặt bằng.
Ông Võ Văn Thái, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Bạc Liêu cho biết, năm 2023, Ban được giao 538 tỷ đồng, đến nay chỉ mới giải ngân đạt 107 tỷ đồng, đạt 20,05%. Theo ông Thái do những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng nên tiến độ thực hiện môt số dự án không đảm bảo mục tiêu đề ra.
Lấy ví dụ về dự án xây tuyến đường Ninh Quới - Ngan Dừa qua địa bàn huyện Hồng Dân, ông Võ Văn Thái cho biết, phần đường cơ bản đã xong, nhưng còn vướng mắc ở phần xây dựng cầu. Dự án xây dựng tất cả 8 cây cầu, đến nay nhà thầu đã cơ bản xây dựng được 4 cây cầu, còn lại 4 cây cầu do còn vướng mặt bằng nên chưa thể triển khai thi công nhanh được.
Liên quan đến vấn đề giải phóng mặt bằng dự án này, ông Nguyễn Văn Thới, Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân cho biết, hiện vẫn còn 6 hộ ở 4 cây cầu chưa chịu bàn giao mặt bằng, do trong quá trình thi công ảnh hưởng đến tài sản người dân, các hộ dân yêu cầu hỗ trợ, khắc phục tài sản.
Hai dự án khác cũng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Bạc Liêu làm chủ đầu tư là dự án xây dựng đường và cầu Kinh Tư 2 - cầu Châu Điền, thuộc địa bàn huyện Đông Hải; tuyến đường Giồng Nhãn - Gành Hào kéo dài nhiều năm, hiện các nhà thầu đang chờ có mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ.
Ông Võ Văn Thái cho biết, nếu mặt bằng được bàn giao, trong năm 2023, hai dự án này sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần tạo thuận lợi cho việc đi lại và lưu thông hàng hóa của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Bên cạnh những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm còn do những nguyên nhân khác như: chương trình mục tiêu Quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và vốn bội chi ngân sách địa phương (vốn tỉnh vay lại để bố trí các dự án ODA) mới phân bổ cuối tháng 4, nên khối lượng thanh toán chưa nhiều.
Cùng với đó, khả năng dự báo của một số đơn vị tư vấn chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong quá trình khảo sát, lập dự án dẫn đến có một số dự án khi triển khai thiết kế bản vẽ thi công phải trình điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, trong đó có nhiều nhất là giá đền bù giải phóng mặt bằng tăng nhiều so với dự kiến ban đầu.
Ngoài ra, đối với các dự án mua sắm trang thiết bị thuộc lĩnh vực y tế không giải ngân được vốn là do chậm triển khai bước lựa chọn đơn vị tư vấn thẩm định giá, hồ sơ mời thầu (không lựa chọn các đơn vị tư vấn có đủ năng lực để thực hiện)…
Để đảm bảo đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 từ 95% trở lên, tỉnh Bạc Liêu đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp; trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều quyết định thành lập 4 đoàn kiểm tra tiến độ giải phân vốn đầu tư công.
Cụ thể, đoàn công tác số 1 do Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn kiểm tra tiến độ thi công các dự án đường giao thông và các dự án đầu tư trên địa bàn huyện Phước Long, huyện Hồng Dân. Đoàn số 2 do Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Tấn Cận làm trưởng đoàn kiểm tra các dự án nông nghiệp, nông thôn và các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố Bạc Liêu và huyện Hòa Bình. Đoàn số 3 cho Phó Chủ tịch Huỳnh Chí Nguyện làm trưởng đoàn kiểm tra các dự án lĩnh vực dân dụng, công nghệ thông tin và dự án đầu tư trên địa bàn huyện Vĩnh Lợi. Đoàn số 4 do Phó Chủ tịch Phan Thanh Duy làm trưởng đoàn kiểm tra tiến độ thi công các công trình y tế, giáo dục và các dự án đầu tư trên địa bàn thị xã Giá Rai và huyện Đông Hải.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu các sở, ngành, địa phương đề cao tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Theo đó, các chủ đầu tư phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư. Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh, trong quá trình lập thẩm định, phê duyệt, quản lý, giám sát, thanh quyết toán, nghiệm thu… phải làm nhanh, phải ưu tiên, phải quyết liệt.
Đối với những khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, thủ tục đầu tư, ông Phạm Văn Thiều yêu cầu cần tháo gỡ nhanh chóng, đồng thời rà soát để kịp thời đề xuất điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh tham mưu thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát thực tế tiến độ thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND các địa phương lập các đoàn kiểm tra, giám sát tiến độ các công trình, dự án trên địa bàn do mình quyết định đầu tư, quản lý chi. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quản lý công trình xây dựng chuyên ngành trong phạm vi nhiệm vụ được giao cần chủ động, tích cực hỗ trợ các chủ đầu tư trong việc đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian tối đa để thực hiện các thủ tục liên quan đến công tác giải ngân.