Bình Trung là xã thuần nông của huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn, đất trồng lúa ít nên trồng rừng là kế sinh nhai chính của người dân nơi đây. Hiện xã có khoảng 1.500ha rừng trồng, chủ yếu là cây mỡ, quế, keo, bồ đề. Trước đây, gỗ rừng trồng chủ yếu bán theo khối cho tư thương ở tỉnh khác đến mua. Nhưng vài năm gần đây, trên địa bàn xã đã có nhiều nhà máy, cơ sở chế biến gỗ. Trong đó phải kể đến nhà máy sản xuất giấy Bình Trung, nhà máy chế biến gỗ đũa xuất khẩu.
Theo ông Hoàng Văn Hỷ, Chủ tịch UBND xã Bình Trung, toàn xã có 5 doanh nghiệp chế biến gỗ lớn đóng trên địa bàn và hàng chục cơ sở chế biến quy mô hộ gia đình. Xã Bình Trung rất quan tâm tới vấn đề kêu gọi nhà đầu tư đến địa phương để xây dựng cơ sở chế biến, trong thời gian vừa qua, nhờ việc kêu gọi đầu tư và có nhiều nhà đầu tư đến địa phương đã giúp kinh tế của địa phương tăng trưởng hiệu quả.
Riêng tại huyện Chợ Đồn, toàn huyện trên 76.000ha đất có rừng, trong đó diện tích rừng trồng là gần 17.600ha. Với diện tích này, Chợ Đồn đang là một trong những địa phương đi đầu của tỉnh Bắc Kạn về phát triển lâm nghiệp và công nghiệp chế biến gỗ. Đến nay, huyện có 29 đơn vị là doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình tham gia chế biến gỗ. Sản lượng khai thác gỗ hàng năm đạt trên 47.000m3.
Bà Ma Thị Na, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Chợ Đồn cho biết, huyện có cơ chế thu hút các nhà đầu tư mở nhà máy chế biến sâu sản phẩm từ gỗ rừng trồng để khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Hiện địa phương có các nhà máy sản xuất giấy đế xuất khẩu sang Đài Loan, đũa xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và hàng chục cơ sở chế biến ván bóc xuất khẩu sang Trung Quốc. gỗ rừng trồng để khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Không chỉ có tại Chợ Đồn, khu công nghiệp Thanh Bình ở huyện Chợ Mới cũng được coi là thủ phủ chế biến gỗ của tỉnh Bắc Kạn. Hiện khu công nghiệp này có nhiều nhà máy chế biến gỗ thành những sản phẩm xuất khẩu. Điển hình như công ty Cổ phần Đầu tư Govina xây dựng Nhà máy chế biến gỗ công suất 120.000m3/năm tại khu công nghiệp này từ năm 2017. Nhà máy chuyên sản xuất các sản phẩm ván dán xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU.
Sau nhiều năm hoạt động, Công ty tiếp tục thực hiện dự án trồng rừng để làm vùng nguyên liệu lâu dài. Thời gian gần đây, hoạt động xuất khẩu ván dán sang thị trường Mỹ gặp khó khăn, tuy nhiên công ty vẫn duy trì hoạt động ổn định, đảm bảo thu nhập cho người lao động.
Theo thống kê của Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn, hiện toàn tỉnh có 243 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ, quy mô sản xuất ván dán trên 300.000 m3/năm, ván sàn 300.000 m2/năm và hơn 30 triệu chi tiết sản phẩm dao, thìa gỗ. Hầu hết các sản phẩm này đều xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Malaysia. Do một số nhà máy mở rộng quy mô nên năm 2024, tỉnh Bắc Kạn phấn đấu sản xuất 500.000 m2 ván sàn, tăng 250.000m2, các sản phẩm dùng một lần từ gỗ tăng 20 triệu sản phẩm so với năm 2023.
Để tiếp tục thu hút đầu tư các dự án chế biến gỗ, hiện nay tỉnh Bắc Kạn đang tập trung hoàn thiện các cụm công nghiệp đã được quy hoạch. Trong đó đáng chú ý là các cụm công nghiệp Quảng Chu, Thanh Mai, Thanh Vận ở huyện Chợ Mới; Cụm công nghiệp Ngọc Phái ở huyện Chợ Đồn; Cụm công nghiệp Huyền Tụng 2 ở thành phố Bắc Kạn. Khi hoàn thiện các cụm công nghiệp này sẽ cung cấp mặt bằng sạch để thu hút các nhà đầu tư.
Trong chương trình xúc tiến đầu tư năm 2024, tỉnh Bắc Kạn cũng đang thu hút một loạt dự án chế biến lâm sản trên địa bàn gắn với vùng nguyên liệu tại chỗ. Tại chương trình này, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam nhận định, mặc dù là tỉnh miền núi nhưng Bắc Kạn gần với các trung tâm công nghiệp của vùng. Nếu cải thiện hệ thống giao thông, sẽ có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm đến đầu tư ở địa phương, trong đó có lĩnh vực nông, lâm nghiệp và chế biến gỗ.
Phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh, tỉnh Bắc Kạn đã ban hành nhiều chính sách thu hút đầu tư trọng điểm vào ngành nông nghiệp, trong đó có công nghiệp chế biến lâm sản. Địa phương này kỳ vọng, ngành công nghiệp chế biến gỗ sẽ tạo ra những sản phẩm chất lượng cao phụ vụ xuất khẩu. Phấn đấu trong thời gian ngắn biến Bắc Kạn trở thành thủ phủ công nghiệp chế biến gỗ của khu vực./.