Mặc dù trước những khó khăn, áp lực rất lớn trong xuất khẩu, giá vải thiều đầu và cuối vụ năm nay của Bắc Giang vẫn ở mức cao, giữa vụ được duy trì ổn định, giá bán vải thiều bình quân của cả vụ 2022 ước đạt 22.100 đồng/kg.
Tổng doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ vụ 2022 của tỉnh Bắc Giang ước đạt 6.785 tỷ đồng; trong đó, doanh thu từ vải thiều đạt khoảng 4.411 tỷ đồng (cao hơn so với năm 2021 là 137 tỷ đồng), doanh thu từ các hoạt động, dịch vụ phụ trợ đạt khoảng 2.374 tỷ đồng.
Vải thiều Bắc Giang tiếp tục được mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa đạt trên 123.500 tấn ,chiếm khoảng 61,9% tổng sản lượng tiêu thụ. Vải thiều Bắc Giang được tiêu thụ khắp cả nước, với những địa phương tiêu thụ số lượng lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, Huế...
Hơn nữa, vải thiều Bắc Giang có mặt tại hầu hết các siêu thị GO, Mega Market, Saigon Co.op, Hapro, Aeon, Lotte, Vinmart…, Trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối và chợ truyền thống thông qua các thương nhân, doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ.... và trên các sàn thương mại điện tử lớn trong nước và quốc tế như Voso, Sendo, Tiki, Shopee, Lazada, Postmart, Alibaba, Amazon…; bán trực tuyến trên nền tảng online, mạng xã hội Facebook, Zalo, Youtube …
Vải thiều Bắc Giang đã khẳng định được thương hiệu, định vị được giá trị tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với tổng sản lượng xuất khẩu vụ năm nay đạt trên 75.900 tấn, chiếm 38,1% tổng sản lượng tiêu thụ.
Đặc biệt, vải thiều Bắc Giang được xuất khẩu chủ yếu sang thị trường truyền thống Trung Quốc và các quốc gia, khu vực như: EU, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Lào, Campuchia, một số nước Đông Nam Á, UAE và một số nước khu vực Trung Đông…; trong đó thị trường Nhật Bản, EU (Đức, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Italy…) đã được mở rộng về quy mô và sản lượng xuất khẩu, với sản lượng xuất khẩu và tỷ trọng tăng trưởng ấn tượng.
Giá vải thiều Bắc Giang xuất khẩu ổn định ở mức cao, dao động từ 30.000 - 55.000 đồng/kg, giá bán vải thiều tại một số thị trường nước ngoài như Nhật Bản, Mỹ, Australia và một số nước EU (Pháp, Đức, Italy, Bỉ, Hà Lan…) có giá bán rất cao và được tiêu thụ thuận lợi, dao động từ 350.000 - 550.000 đồng/kg tùy từng thị trường.
Vụ vải năm 2022, Bắc Giang đã đa dạng hóa, linh hoạt thị trường tiêu thụ vải thiều; sớm chủ động, linh hoạt điều phối cơ cấu, phân bổ thị trường tiêu thụ hợp lý. Bắc Giang cũng đa dạng hóa các kênh phân phối, hình thức trao đổi, mua bán vải thiều cả phương thức truyền thống và hiện đại.
Theo UBND tỉnh Bắc Giang, vụ sản xuất năm 2023 Bắc Giang tiếp tục duy trì ổn định diện tích sản xuất vải thiều với phương châm xuyên suốt là lấy chất lượng vượt trội của trái vải Bắc Giang làm yếu tố “cốt lõi, sống còn”; tăng diện tích vùng trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ.
Cùng với đó, Bắc Giang sớm nghiên cứu, đánh giá và nhân rộng mô hình trồng vải không hạt. Ở những diện tích đã được cấp mã vùng, tỉnh tiếp tục nghiên cứu nhân rộng mô hình sản xuất vải hữu cơ, coi đây là định hướng cho quả vải cho những năm tiếp theo.
Vụ sản xuất vải thiều tới, Bắc Giang sẽ chủ động mở rộng các kênh tiêu thụ trong nước và phát triển tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử và trên môi trường số, phù hợp theo xu hướng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp phát triển theo hướng kinh tế nông nghiệp và kinh tế số; đảm bảo năm 2023 tỷ trọng tiêu thụ vải thiều nội địa ổn định và ở mức chiếm khoảng 60% tổng sản lượng mùa vụ.
Đối với thị trường xuất khẩu, Bắc Giang sẽ tổ chức các chương trình xúc tiến tiêu thụ, tìm kiếm, mở rộng, phát triển thị trường tiêu thụ tại thị trường truyền thống Trung Quốc và các thị trường mới, tiềm năng; ưu tiên các thị trường mà vải thiều đã được xuất khẩu chính ngạch và được bảo hộ thương hiệu tại các nước.
Bắc Giang tiếp tục giữ vững ổn định tại thị trường xuất khẩu truyền thống Trung Quốc; thúc đẩy tăng dần sản lượng vải thiều xuất khẩu sang thị trường tiềm năng như: Nhật Bản, EU, Mỹ, khu vực Đông Nam Á, khu vực Trung Đông...
Đáng chú ý, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh sẽ chủ trì phối hợp với UBND huyện Lục Ngạn và các huyện vùng trồng vải sớm của tỉnh Bắc Giang xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp gắn với quảng bá, tiêu thụ vải thiều; phát huy tốt tiềm năng lợi thế vùng trồng vải và các danh lam, thắng cảnh của địa phương; xây dựng các sản phẩm tour du lịch trải nghiệm, du lịch vườn đồi, du lịch nghỉ dưỡng gắn với du lịch tâm linh, văn hóa, du lịch liên vùng…