Bắc Giang chuẩn bị các điều kiện cần thiết, nhất là hạ tầng, nguồn nhân lực, mặt bằng để chủ động đón đầu dòng dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài; đặc biệt, là các nguồn vốn chất lượng với công nghệ tiên tiến, sản xuất chất bán dẫn trên cơ sở đáp ứng quy định suất đầu tư và số lao động sử dụng đối với các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách.
Tỉnh nghiên cứu tiềm năng, thị trường, xu hướng đầu tư, nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, tập đoàn đã và đang đầu tư trong các khu công nghiệp trên địa bàn; ưu tiên kêu gọi các nhà đầu tư là thành viên cùng tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam trong các ngành nghề tập trung và công nghệ kỹ thuật số, kinh tế số, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ, thương mại.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; chủ động hỗ trợ, giải quyết những đề xuất, kiến nghị nhất là về vốn, thị trường tiêu thụ, lao động, chi phí nguyên vật liệu… nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp ổn định sản xuất, thúc đẩy phục hồi chuỗi cung ứng, tạo năng lực sản xuất mới.
Từ nay đến hết năm 2024, Bắc Giang đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp sớm đưa vào hoạt động, thu hút đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới; trong đó, tập trung bồi thường giải phóng mặt bằng diện tích còn lại của các khu công nghiệp như Yên Lư, Hoà Phú mở rộng và các khu công nghiệp mới như Phúc Sơn, Việt Hàn mở rộng. Cùng với đó, hướng dẫn, đôn đốc các nhà đầu tư đề xuất thành lập mới và mở rộng 12 khu công nghiệp đã nộp hồ sơ tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các khu công nghiệp khác khi có nhà đầu tư đề xuất cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định...
Sáu tháng qua, tỉnh Bắc Giang đã chú trọng phát triển hạ tầng công nghiệp; tập trung hỗ trợ giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư.
Đến nay, tỉnh đã có 9 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích đất khoảng 2.238 ha; đang thực hiện các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư 12 khu công nghiệp; đã phê duyệt quy hoạch xây dựng 14 khu công nghiệp ưu tiên thực hiện giai đoạn 2022-2025; đang lập đồ án quy hoạch phân khu xây dựng 6 khu công nghiệp và lập nhiệm vụ quy hoạch xây dựng đối với 1 khu công nghiệp. Theo đó, bao gồm các khu công nghiệp như Yên Sơn, Mỹ Thái - Xuân Hương - Tân Dĩnh, Minh Đức - Thượng Lan - Ngọc Thiện, Ngọc Thiện, Thượng Lan, Thái Đào - Tân An và khu công nghiệp Ngọc Lý.
Toàn tỉnh hiện có 426 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại các khu công nghiệp; tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt khoảng 70%. Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh có 1 cụm công nghiệp được thành lập mới, nâng tổng số cụm công nghiệp được thành lập đến nay là 55 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.329 ha; trong đó có 35/55 cụm công nghiệp đã được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đi vào hoạt động với diện tích 1.245 ha.
Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp trong 6 tháng qua của tỉnh Bắc Giang ước tính tăng 19,11% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 12,41 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh kế. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong 6 tháng của tỉnh tăng khá cao so cùng kỳ, ước tăng 26,45%.
Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá hiện hành) ước đạt 315.145 tỷ đồng, bằng 47,3% kế hoạch, tăng 28% so cùng kỳ; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 311.986,8 tỷ đồng, tăng 28,14%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước 1.769 tỷ đồng, tăng 14,9%; công nghiệp khai thác 1.076,7 tỷ đồng, tăng 12,18%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải 312,6 tỷ đồng, tăng 8,19%.
Sản xuất công nghiệp tại 10/10 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đều có tăng trưởng, trong đó một số địa phương có mức tăng cao như: thị xã Việt Yên tăng 27,23%, huyện Yên Dũng tăng 18,36%, huyện Hiệp Hòa tăng 17,27%, thành phố Bắc Giang tăng 16,3%…