50 năm Đồng Xoài rực lửa chiến công

50 năm đã qua nhưng Chiến dịch giải phóng Đồng Xoài sẽ mãi là niềm kiêu hãnh, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Phước nói chung, thành phố Đồng Xoài nói riêng, tô thắm thêm những trang sử vẻ vang của dân tộc.

Chú thích ảnh
Ngã tư Đồng Xoài, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Ảnh: Nhật Bình/TTXVN

Địa danh Đồng Xoài một lần nữa đã đi vào lịch sử, thể hiện ý chí, quyết tâm quyết chiến, quyết thắng của dân tộc Việt Nam anh hùng: “Trận Đồng Xoài chớp đỏ rực trời Nam/Ánh sáng tự do sáng bừng năm châu bốn bể”. Đồng Xoài nay đã có hình dáng của một thành phố “Hiện đại, sinh thái, thông minh”, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng - an ninh của tỉnh Bình Phước.

Trận Đồng Xoài chớp đỏ rực trời Nam

Đầu năm 1965, sau thắng lợi của ta trong Chiến dịch Bình Giã, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn, tinh thần quân đội Sài Gòn sa sút nghiêm trọng. Để cứu vãn tình thế, tháng 3/1965, đế quốc Mỹ lần lượt đưa quân viễn chinh và đồng minh vào thực hành chiếm đóng một số khu vực quan trọng có giá trị về mặt chiến lược nhằm tạo ra thế chiến lược mới để giành quyền chủ động trên chiến trường. Tại Đồng Xoài, địch tổ chức thành căn cứ xuất phát của cuộc hành quân càn quét, đánh phá các căn cứ của ta dọc biên giới Việt Nam - Campuchia.

Nhằm tiêu diệt cứ điểm lợi hại này, Trung ương Cục, Quân ủy Miền quyết định mở Chiến dịch Đồng Xoài, diễn ra từ ngày 11/5 đến 22/7/1965, với lực lượng gồm Trung đoàn 2, Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 3) chủ lực Miền, cùng các lực lượng đặc công, hỏa lực phối hợp với lực lượng địa phương tiến hành tác chiến trên địa bàn rộng. Với phương châm tác chiến “đánh điểm, diệt viện”, trong trận đánh then chốt đêm 9/6 và ngày 10/6/1965, ta đã tiêu diệt chi khu quân sự Đồng Xoài. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh hoặc bị thương để làm nên một “Đồng Xoài rực lửa chiến công”.

Vào nửa cuối năm 1974, cục diện chiến tranh trên chiến trường miền Nam có sự chuyển biến mau lẹ theo hướng ngày càng có lợi cho cách mạng. Nắm bắt thời cơ, Trung ương Đảng hạ quyết tâm chiến lược sẽ giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 – 1976, trong đó năm 1975 sẽ tranh thủ thời cơ, mở cuộc tiến công lớn và rộng khắp, tiếp tục “tạo thế, tạo lực” để năm 1976 thực hiện tổng công kích, giành toàn thắng.

Tại miền Đông Nam Bộ, từ tháng 10/1974, Bộ Tư lệnh Miền quyết định giao nhiệm vụ cho Quân đoàn 4 (vừa thành lập ngày 20/7/1974) cùng với lực lượng địa phương ở Bình Phước mở chiến dịch Đường 14 - Phước Long nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch; mở rộng vùng giải phóng, đầu cầu tuyến hành lang chi viện chiến lược 559; tạo bàn đạp thuận lợi cho các binh đoàn chủ lực sẵn sàng tiến công Sài Gòn. Trong đó đặt ra mục tiêu giải phóng chi khu Đồng Xoài và toàn bộ Quận lỵ Đôn Luân, tạo ra hành lang chiến lược thông suốt từ biên giới Campuchia, Nam Trường Sơn vào chiến khu D.

Sau khi mở màn chiến dịch Đường 14 - Phước Long vào đêm 12, rạng sáng 13/12/1974, ta đã và nhanh chóng giải phóng Bù Đăng (14/12/1974), đồng thời bao vây, cô lập quân địch ở Chi khu Đồng Xoài. Nắm bắt thời cơ, quân ta chủ động chuẩn bị về mọi mặt và quyết tâm tiến công, tiêu diệt căn cứ điểm của địch ở Đồng Xoài.

Đúng 5 giờ 35 phút, ngày 26/12/1974, Trung đoàn 141 thuộc Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 cùng một số đơn vị bộ binh, pháo binh và bộ đội địa phương, dân quân du kích bắt đầu nổ súng tấn công Chi khu Đồng Xoài. Sau 2 giờ chiến đấu, quân ta hoàn toàn làm chủ Chi khu, tiếp tục tiến công tiêu diệt đồn bảo an Cầu Hai của địch, Quận lỵ Đôn Luân hoàn toàn được giải phóng.

Trong ký ức của ông Nguyễn Phương Mỹ (thường gọi là Ba Mỹ), nguyên Trung đội trưởng Trung đội 3 thuộc K17 (tức Huyện đội Đồng Xoài) “điểm đáng nhớ nhất là sự háo hức, nóng lòng chờ đợi thời điểm giờ R đến. Vì tất cả đều đã chuẩn bị chu đáo, kỹ càng, anh em sẵn sàng với quyết tâm rất cao. Chính vì vậy, khi giải phóng hoàn toàn chi khu, niềm vui hân hoan vỡ òa, anh em các mũi tấn công gặp nhau mừng rơi nước mắt. Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương rồi cả những người dân bí mật giúp đỡ bộ đội, người dân tại các ấp chiến lược chịu sự kìm kẹp đều mừng vui khôn xiết”.

Bà Nguyễn Thị Lan (Năm Lan), nguyên cán bộ Tổ công tác chính trị, lực lượng cán bộ đầu mũi K17 nhớ lại: “Nhiệm vụ chính của tôi lúc đó là vận động nhân dân sơ tán để bảo toàn tính mạng. Vì lúc đó mới giải phóng Đồng Xoài, các khu vực khác còn chưa giải phóng nên chúng tôi phải đưa bà con sơ tán theo 2 hướng (vào trong khu lô 1 và khu vực dốc Tà Bế), nhằm tránh bom địch. Lúc đó, người dân vui mừng và phấn khởi lắm, vì khi Đồng Xoài giải phóng, đài, báo cũng thông tin rất nhiều”.

Tiên phong để dẫn đầu

Chú thích ảnh
Đồng Xoài được công nhận là thành phố của tỉnh Bình Phước vào năm 2018. Ảnh: K GửiH/TTXVN

Bí thư Thành ủy Đồng Xoài Phạm Thị Bích Thủy khẳng định, chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ, những vết thương do bom cày, đạn xới năm xưa nay đã lành lặn, chỉ còn để lại những di tích của một thời oanh liệt. Phát huy khí thế “Đồng Xoài rực lửa chiến công”, Đồng Xoài hôm nay đã có hình dáng của một thành phố “Hiện đại, sinh thái, thông minh”, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng - an ninh của tỉnh Bình Phước, đạt được nhiều thành tích trên các lĩnh vực.

Kinh tế liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, bình quân hằng năm đạt trên 15%; các trung tâm thương mại, các ngân hàng, hệ thống siêu thị, khách sạn, nhà hàng phát triển mạnh, đã góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, phù hợp với xu thế phát triển đô thị. Đời sống nhân nhân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người hằng năm đến nay đạt trên 124 triệu đồng, cao hơn mức bình quân chung của tỉnh.

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị được chú trọng, tốc độ đô thị hóa khá nhanh. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm và các công trình phúc lợi xã hội. Điểm sáng nổi bật là phong trào Dân vận khéo “Việc phố, việc làng, đất vàng cũng hiến” của cả hệ thống chính trị thành phố, tạo sức lan tỏa, hiệu triệu cao, được nhân dân đồng tình, tích cực hưởng ứng, gần 131 ha đất đã được hiến, tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước khoảng 1.000 tỷ đồng.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có chuyển biến tích cực; sự nghiệp giáo dục - đào tạo tiếp tục phát triển theo hướng đổi mới căn bản, toàn diện, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng trường học thông minh, gắn với dạy học song ngữ; mạng lưới y tế cơ sở được củng cố, chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng cao.

Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số được thành phố đặc biệt quan tâm và luôn là địa phương dẫn đầu với nhiều phương pháp mới, cách làm sáng tạo, thể hiện qua Giải thưởng thành phố thông minh Việt Nam ở lĩnh vực “Thành phố điều hành, quản lý thông minh” do Hiệp hội phần mềm và dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam trao tặng năm 2022...

Bí thư Thành ủy Đồng Xoài Phạm Thị Bích Thủy cho biết, đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt trên 15%; tổng thu ngân sách đạt 10.000 tỷ đồng, đảm bảo cân đối thu - chi; thu nhập bình quân đầu người đạt 8.500 USD và đến năm 2050 đạt 12.500 USD…

Để đạt kết quả này, địa phương sẽ tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành thông suốt, kịp thời, sâu sát, hiệu quả; tập trung củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động bộ máy theo tinh thần “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”; xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.

Thành phố ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng trọng điểm theo hướng hiện đại, đồng bộ, kết nối liên thông đa mục tiêu và tăng cường liên kết vùng; phấn đấu đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, thành phố thông minh.

Đồng Xoài thống nhất nhận thức và hành động cụ thể: Lấy công nghệ thông tin và truyền thông làm mũi nhọn; dịch vụ đô thị, hạ tầng đô thị làm then chốt và mở rộng đô thị làm nền tảng, để đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Đồng Xoài; “Lắng nghe dân nói, nói rõ dân nghe”; “Lợi cho dân nhỏ cũng làm, hại cho dân ít cũng tránh”; “Dùng người đức tài, thải người yếu kém”; “Nhìn xa, trông rộng, xét sâu, nói hay, làm tốt”; “Khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc”; “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.

Tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Đồng Xoài, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền nhấn mạnh: Với thế và lực sau 50 năm giải phóng, Đồng Xoài đang vững vàng, tự tin trước tầm nhìn mới, cơ hội mới, giá trị mới để phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Từ vị trí trung tâm của tỉnh, Đồng Xoài cần tiếp bước làm nên những dấu ấn, mốc son mới trong chặng đường sắp tới để bứt phá vươn lên đúng với phương châm “tiên phong để dẫn đầu”.

Đậu Tất Thành - Nhật Bình (TTXVN)
Bình Phước thông qua nghị quyết đầu tư cao tốc Bắc - Nam
Bình Phước thông qua nghị quyết đầu tư cao tốc Bắc - Nam

Ngày 14/4, HĐND tỉnh Bình Phước tổ chức Kỳ họp chuyên đề thứ 22, khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, qua đó thống nhất thông qua 2 nghị quyết quan trọng: Đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) theo phương thức đối tác công tư (thuộc dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành); Bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương năm 2025.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN