Văn hóa xuống chợ của đồng bào vùng cao

Khi ánh mặt trời đã lấp ló sau những đỉnh núi cao ngút trời, khi giọt sương đêm còn đọng trên lá cỏ cũng là lúc đồng bào Tày, Mông, Dao xuống núi tấp nập đi chợ phiên Nghĩa Đô. Sự háo hức cuốn theo mỗi bước chân của người xuống chợ bởi chợ Nghĩa Đô mỗi tuần chỉ họp một lần vào sáng chủ nhật.


Chợ nằm ở bản Nà Đình, trung tâm của xã Nghĩa Đô ( Bảo Yên- Lào Cai) đồng thời cũng là chợ trung tâm, nơi giao thoa kinh tế, văn hóa giữa các xã Nghĩa Đô- Vĩnh Yên- Xuân Hòa- Tân Tiến và vùng giáp ranh Quang Bình, Hà Giang. Nhiều khi có cả đồng bào ở Bắc Hà xuống. Vì là chợ mang tính chất cụm trung tâm nên chợ được Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang gồm một dãy nhà cao và hai dãy nhỏ cùng một sân chợ rộng để cho dân họp chợ.

Bản Tày Nghĩa Đô nơi lưu giữ văn hóa chợ phiên.


Vì chợ họp một lần một tuần nên tất cả công việc mua bán, trao đổi, giao lưu được đồng bào ta gửi gắm hoàn toàn vào phiên chợ. Chính vì vậy, ngay từ sáng sớm. đồng bào Mông từ Tân Tiến đã hăm hở dắt ngựa và thồ những sản phẩm của mình xuôi dốc núi để đến chợ. Đồng bào người Dao ở Xuân Hòa ngược lên, đồng bào Tày ở Vĩnh Yên thì thong thả hơn vì cách chợ khoảng 3-4 km. Vui hơn là đồng bào người Tày ở Quang Bình, Hà Giang cũng sang chợ Nghĩa Đô rất đông và họ cũng mang theo những sản phẩm và vốn văn hóa của mình đến phiên chợ. Chính vì vậy, có thể nói, chợ phiên Nghĩa Đô là sự thu nhỏ tinh thần đoàn kết của nhiều dân tộc anh em.

Sản vật rau xanh của đồng bào Tày.


Từ các triền núi, bản Tày, bản Mông, bản Dao, người dân vùng cao đến chợ Nghĩa Đô và gùi theo những đặc sản của núi rừng, những sản vật của dân tộc mình có được do bàn tay lao động khéo léo của các mẹ các chị. Đây măng, mộc nhĩ, nấm hương; kia chút gạo nương thơm lựng, cả những mớ rau rừng xanh non, bi chuối rừng, gùi mật ong ngọt lịm còn nguyên cả tầng…


Nét độc đáo ở phiên chợ không chỉ thể hiện ở việc có nhiều thành phần dân tộc tham gia mà còn biểu hiện ở những mặt hàng mà đồng bào đem đến chợ bán. Những mặt hàng mà đồng bào mang ra chợ bán khá phong phú, chủ yếu là những sản vật của núi rừng hay là những mặt hàng do chính họ làm ra như: Ngô, thóc, đậu tương, các loại rau, mật ong, nấm hương, mộc nhĩ, vải…cũng vì vậy mà những thứ họ mua về chủ yếu là những mặt hàng họ không tự sản xuất được như dầu hỏa, muối, kim chỉ, mì chính, đèn, pin… Khi mua những mặt hàng này, họ thường tính theo các đơn vị đo lường đặc trưng của vùng họ như tính quả (trứng), tính con (gà), tính ống (ngô), tính sâu như sâu măng, sâu gừng… Hầu như tất cả khối lượng của các mặt hàng đều được người dân tính giá sẵn ở nhà và không cần cân đong gì cả, người mua cũng khó lòng có thể mặc cả được.

Cảnh người bán người mua.


Mỗi dân tộc lại có cách bán độc đáo của riêng mình làm cho phiên chợ Nghĩa Đô thêm phần hấp dẫn. Đồng bào Mông rất “kiên định” trong việc giữ giá. Người mua có thể trả bớt hay trả thêm một chút cũng không làm sao mua được. Người bán nhất quyết bán với giá đã nói ban đầu. Còn đồng bào Tày lại khác, bán con vật gì đó phải bán cả đôi như đôi gà, đôi vịt, đôi lợn… Nếu khách muốn mua một con và trả giá có thể cao hơn nhưng nhất quyết không bán. Mặc dù có thể bị “ế” và mang về.


Phiên chợ Nghĩa Đô còn là nơi đồng bào giới thiệu và bày bán những sản phẩm mang tính phong tục của mình như quần áo được may từ chính bàn tay của người trong bản, rồi rượu ngô, rượu sắn thơm nồng được nấu từ những lò rượu truyền thống của người Mông, người Tày rồi những thúng xôi ngũ sắc dẻo thơm được xôi từ những hạt gạo nếp nương tròn mẩy, những que hương thơm ngào ngạt càng làm cho không gian chợ thêm ấm áp.


Đặc biệt hơn, ở Nghĩa Đô, người dân đi chợ không đơn thuần chỉ để mua bán mà còn là để đi chơi. Chính vì vậy, đồng bào đi chợ như đi hội với sự tấp nập, háo hức. Có khi chỉ một con gà, vài mớ rau, nải chuối hay một chục trứng cắp nách mà họ có thể đi bộ nửa ngày đường để xuống chợ. Người dân tới đây để giao lưu, trò chuyện, để gặp gỡ bạn bè, trao đổi tâm tình. Do vậy, phiên chợ Nghĩa Đô có ba khu rất rõ ràng. Một khu dành cho mua bán rau và các sản phẩm của người dân, một khu dành cho mua bán quần áo, đồ dùng trong nông nghiệp. Còn một khu dành riêng cho sự giao lưu, trò chuyện và tâm tình của người dân, đó là khu ẩm thực. Những nồi nước dùng bốc khói thơm ngào ngạt hòa cùng sự cay nồng của chén rượu ngô và những lời trò chuyện say sưa. Đó chính là tín hiệu của những mối tâm tình giao lưu của đồng bào tại phiên chợ Nghĩa Đô.


Háo hức hơn cả là những đứa trẻ được theo người lớn đi chợ. Những que kem mát lạnh hấp dẫn biết nhường nào, những túi bỏng ngô thơm nức khó lòng có thể dửng dưng, rồi hiệu cắt tóc ngay cổng chợ lúc nào cũng đông nghịt khách.


Cuộc sống hiện đại, những điều kiện phục vụ cho cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao. Tuy vậy, từ bao đời nay, phiên chợ Nghĩa Đô vẫn là một minh chứng cho phong tục và nét văn hóa của người bản xứ nơi đây. Phiên chợ không chỉ đơn thuần là chuyện mua chuyện bán mà nó còn là không gian thấm đẫm chất văn hóa địa phương. Phiên chợ Nghĩa Đô biểu thị cho cuộc sống bình yên và tinh thần đoàn kết của đồng bào các dân tộc thiểu số, là nơi giao thoa của nhiều nguồn văn hóa khác nhau, là nơi người dân được trao đổi tâm tình và gửi gắm ước mơ về cuộc sống ấm no hạnh phúc.


Chợ phiên Nghĩa Đô chỉ diễn ra trong buổi sáng với tất cả sự nhộn nhịp của nó. Người dân đi chợ như đi hội rồi khi ra về vừa thấy vui rồi lại thấy luyến tiếc. Có lẽ không cần hỏi chuyện từng người chúng tôi cũng đoán biết được rằng, trong tâm trạng của mỗi người dân khi đi chợ về là cả một sự hình dung về sự tấp nập đông vui của chợ Nghĩa Đô vào ngày chủ nhật của tuần sau.


Bài và ảnh:Nguyễn Thế Lượng

Bế mạc Liên hoan Văn hóa Thiếu nhi dân tộc các cung, nhà thiếu nhi toàn quốc

Sau 3 ngày diễn ra sôi nổi, tối 30/6, tại Đồ Sơn (Hải Phòng), Liên hoan Văn hóa Thiếu nhi dân tộc các cung, nhà thiếu nhi toàn quốc năm 2012 đã bế mạc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN