Tục cưới cổ truyền của người Raglai

Cũng như nhiều dân tộc khác, đám cưới của người Raglai trải qua nhiều nghi thức: Đính ước, ăn hỏi, và lễ cưới. Vì theo chế độ mẫu hệ nên mọi quyết định quan trọng nhất trong đám cưới đều do nhà gái nắm vai trò chủ động và quyết định; nghi lễ cưới chính cũng được tổ chức ở nhà gái.


Mặc dù theo chế độ mẫu hệ, nhưng trong tình yêu, chàng trai vẫn là người chủ động. Khi đã được cô gái chấp nhận, chàng trai sẽ về báo với gia đình để tiến hành lễ dạm hỏi (ăn hỏi).

Lễ cưới của người Raglai là một trong những nghi lễ quan trọng thuộc hệ thống nghi lễ vòng đời, diễn ra trước sự chứng kiến của gia đình, dòng họ, cộng đồng.


Sau lễ ăn hỏi, trong khoảng thời gian chưa tổ chức lễ cưới (không hạn định, có thể là 1, 2 hay 3 năm), đôi trai gái tiếp tục tìm hiểu, thường xuyên qua lại để giúp các công việc phát nương, cày ruộng, cấy hái...

Trước khi đi đến hôn lễ, đôi trai gái có thể "ngủ thảo". Ngủ thảo là tục lệ chỉ dành cho các chàng trai, cô gái chưa lập gia đình, không chỉ diễn ra một vài đêm mà có thể kéo dài từ khi đôi trai gái quyết định tìm hiểu nhau cho tới ngày cưới. Các đêm "ngủ thảo" sẽ giúp cho đôi bạn trẻ tâm tình để thấu hiểu nhau, nuôi dưỡng tình yêu bền chặt, nếu tiến tới hôn nhân, vợ chồng sẽ có cuộc sống hòa thuận hơn. Tục lệ này còn là sự thử thách bản thân cũng như sự tôn trọng nhau của đôi bạn trẻ. Bởi, đôi trai gái ngủ thảo để tâm tình, nhưng không được đi quá giới hạn.

Sau khi đủ điều kiện để tổ chức lễ cưới, nhà trai đến nhà gái, trao món đồ cho cô dâu tương lai, đưa lễ vật chính thức, bàn chuyện chuẩn bị cho lễ cưới.


Khi sang nhà gái, tùy điều kiện kinh tế từng gia đình mà họ mang theo lễ vật nhiều hay ít. Tuy nhiên, lễ vật bắt buộc trong đám cưới truyền thống bao gồm: Quần áo, vòng cổ, vòng tay, gùi đi nương, bát ăn cơm, rựa, nỏ...

Một điều đặc biệt là mâm cúng ông bà tổ tiên của cô dâu, chú rể phải có gà luộc nguyên con, hai bát cơm với ý nghĩa có bát ăn bát để, cầu mong ông bà phù hộ cho đôi vợ chồng trẻ thuận hòa, làm ăn gặp nhiều may mắn.


Cúng xong họ xem bói lưỡi gà, bói lá trầu, bói chân gà.

Người Raglai rất xem trọng trinh tiết vì thế rất kiêng kỵ việc đôi trẻ "ăn cơm trước kẻng". Trong trường hợp đó, để trừng phạt đôi trai gái, luật tục Raglai quy định họ phải làm lễ tẩy rửa sạch mọi ô uế hay tắm gội sạch mọi dơ bẩn để cầu xin thần linh, tổ tiên ông bà không trừng phạt.

Nước để tẩy rửa là nước mối thiêng. Trước khi hành lễ, người chủ lễ sẽ lấy đất trong ổ mối hòa với nước sạch, gạn lấy nước trong, cho vào chén đồng, rồi vừa làm nghi lễ cầu khấn, vừa lấy nước vẩy lên đầu, xoa lên người có tội. Trong trường hợp này,đám cưới chỉ được tổ chức trong phạm vi gia đình, dưới hình thức tạ tội tổ tiên, ông bà cha mẹ, họ hàng mà không được mời khách khứa, bạn bè hay tổ chức các cuộc vui.

Sau khi lễ cưới, hai họ tổ chức mua hát để chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ.


Lê Phú/ Báo Tin tức
Chiếc khăn Piêu độc đáo của phụ nữ Thái Đen
Chiếc khăn Piêu độc đáo của phụ nữ Thái Đen

Chiếc khăn Piêu của người phụ nữ Thái không chỉ phục vụ cuộc sống hàng ngày mà còn mang nhiều ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội), các cô gái Thái ở tỉnh Sơn La đã giới thiệu nghệ thuật thêu khăn Piêu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN