Trụ cột của cộng đồng dân tộc thiểu số

Người có uy tín là vốn quý trong cộng đồng. Họ có nhiều đóng góp trong các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế -xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa, an toàn xã hội… ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Giúp thoát nghèo

Đến thôn ĐRòn, xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) hỏi ông K Út ai cũng biết, bởi ông là người đã tìm hướng thoát nghèo cho đồng bào dân tộc Cơ Ho nơi đây.

Từng là cán bộ khuyến nông, có cơ hội được đi đây đi đó, được tiếp cận với thông tin mới, ông đã tìm hiểu về kỹ thuật chăn nuôi bò sữa. Năm 2010 ông K Út mạnh dạn vay 200 triệu đồng để mua 16 con bò sữa và đầu tư vào chuồng trại chăn nuôi. Đến nay, có 6 con đang cho sữa. Theo tính toán của ông K Út, mỗi con bò sữa sau khi trừ chi phí sẽ cho thu nhập khoảng 45 - 50 triệu đồng/năm. Với số lượng bò hiện có, mỗi năm gia đình ông thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Ngoài chăn nuôi bò sữa, gia đình ông còn trồng 1 ha rau các loại để bán ra thị trường, tạo thêm nguồn thu đáng kể.

Chăm lo, động viên đội ngũ người có uy tín ở huyện Thường Xuân (Thanh Hóa).

“Trước năm 1995 gia đình rất nghèo, ở nhà tạm dột nát, nhờ chuyển đổi nuôi bò sữa, gia đình đã đổi đời, làm được nhà cửa khang trang, cho con cái ăn học đàng hoàng. Gia đình tôi đang tiếp tục nhân giống để mở rộng quy mô trang trại”, ông K Út chia sẻ.

Từ kinh nghiệm của mình, ông K Út đã vận động, hướng dẫn bà con phát triển kinh tế. Hộ nào nuôi bò thì ông hướng dẫn cách chăm sóc, lấy sữa, vệ sinh chuồng trại và bảo quản sữa hợp vệ sinh. Hộ trồng rau thì ông hướng dẫn cách xuống giống, chăm sóc từng giai đoạn phát triển của rau màu. Nếu như năm 2010, cả thôn chỉ có 3 hộ nuôi bò sữa, thì đến nay đã phát triển được 45 hộ với tổng đàn bò sữa lên tới 165 con.

Nhờ sự giúp đỡ của ông, năm 2015 đã có 5/8 hộ nghèo trong thôn thoát nghèo. Nhiều hộ đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ chăn nuôi bò sữa, nên đã có của ăn của để; những căn nhà xây kiên cố khang trang trong thôn không ngừng được mọc lên. Sự đổi thay đó có phần đóng góp không nhỏ của ông K Út.

Cái nôi giữ gìn văn hóa

Nếu nói âm nhạc là tâm hồn của một dân tộc, thì già Ama Loan, dân tộc Ê Đê, thôn Akô Dhông, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) là người đang gìn giữ hồn của dân tộc mình.

Già Ama Loan.

Chúng tôi được gặp già trong vài lần ông ra Hà Nội để tham gia trình diễn trong Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam được tổ chức ở Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội). Lần nào ra Hà Nội, già cũng mang theo rất nhiều nhạc cụ dân tộc như: Đàn đinh năm, tak tar, đinh tút, kni…, cùng các vật liệu như mây, tre, nứa, chuốt, dây, búa, quả bầu khô để chế tác các nhạc cụ khác nhau giới thiệu với khách. “Mỗi lần được đi giao lưu văn hóa là cơ hội quý để tôi giới thiệu cho mọi người biết đến bản sắc văn hóa của dân tộc mình và được đệm đàn cho con cháu mình hát Ayray thật hay”, già Ama Loan chia sẻ.

Cầm một quả bầu khô và một đoạn ống nứa, già Ama Loan thoăn thoắt làm đàn đinh năm cho mọi người xem. Vừa làm già Ama Loan vừa giảng giải: Ống nứa này phải lấy đoạn không quá già cũng không quá non; quả bầu phải có hình dạng tròn đều, độ già vừa đủ và được để khô tự nhiên. Bí quyết là phải lấy được sáp ong trên rừng để làm keo dán giữa ống nứa và bầu.

Chỉ vào chiếc tù và được làm bằng gỗ xoan, già Ama Loan khoe: “Ngày xưa cái tù và này được làm bằng sừng trâu, nhưng giờ sừng trâu hiếm lắm rồi, tôi đã thay bằng gỗ xoan để chế tác. Âm thanh cũng không khác sừng trâu là mấy đâu…”.

Ngoài chế tác, già Ama Loan cũng rất tâm đắc trong việc truyền lại những giá trị văn hóa dân tộc mình cho thế hệ trẻ. Nhờ đó, thế hệ trẻ ở buôn Akô Dhông tuy chưa biết chế tác nhạc cụ, nhưng có thể đánh cồng chiêng, hát Ayray, thổi sáo, thổi tù và. “Tôi đã ngoài 80 tuổi, như cây rừng đã đi qua bao mùa lá xanh, nhưng càng không được nghỉ. Bọn trẻ chỉ mới biết hát Ayray thôi, phải mau dạy cho chúng biết làm ra nhạc cụ nữa chứ. Nếu không thì một ngày kia những người già không còn, lũ thanh niên lớn lên không biết làm theo, thì các loại nhạc cụ của dân tộc sẽ bị mai một hết”, già Ama Loan trăn trở.

Tiên phong trong các phong trào

Đó là lời nhận xét mà đồng bào Dao ở thôn Lủng Lỳ, xã Cao Sơn, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) dành cho chị Đặng Thị Hằng - Trưởng thôn. Mặc dù tuổi còn khá trẻ (SN 1983) nhưng chị Hằng đã có thời gian 5 năm làm trưởng thôn, 4 năm làm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã và được người dân tin yêu bầu là người có uy tín. Chị là gương mặt tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2010 -2015.

Trưởng thôn Đặng Thị Hằng.

Cao Sơn là xã khó khăn nhất của huyện Bạch Thông, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện với trên 30%, trong đó thôn Lủng Lỳ có 45 hộ dân thì còn tới 14 hộ nghèo. Bởi vậy, làm gì để bà con thoát nghèo luôn là nỗi trăn trở thường trực của nữ trưởng thôn người Dao này.

Năm 2010, khi huyện có chủ trương phát triển cây dong riềng, chị Hằng đã đi đầu chuyển đổi cây trồng; đồng thời vận động bà con làm theo. Trưởng thôn Hằng còn tự liên hệ mua giống, tìm đối tác bao tiêu sản phẩm cho bà con. Các hộ trong thôn thấy hiệu quả, nên ai cũng phấn khởi. Để giúp bà con nhanh chóng thoát nghèo, mỗi năm chị còn giúp nhiều hộ vay con giống, vay tiền sản xuất không tính lãi.

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, gia đình chị đã hiến tặng 300 m2 đất để xây dựng trường học. Chị Hằng còn kiên trì vận động nhiều hộ trong thôn, hiến đất làm đường vào xã. Nhờ vậy, việc vận chuyển nông sản sau mỗi vụ thu hoạch đã trở nên dễ dàng hơn. “Vận động bà con phải bằng tất cả sự chân thành của mình. Nói đi đôi với làm, bà con thấy hiệu quả thì mới làm theo”, chị Hằng chia sẻ.

Cũng từ sự gương mẫu, chân thành, kiên trì của chị, mà bà con trong thôn đã có nhiều thay đổi tích cực: Tình trạng nuôi nhốt, thả rông gia súc, gia cầm gần nhà không còn; 100% số hộ gia đình cam kết không vi phạm pháp luật; các vụ việc mâu thuẫn, xích mích được hòa giải ngay tại thôn; bà con đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng vươn lên thoát nghèo…

Bên cạnh những phần thưởng mà các cấp, các ngành đã trao tặng cho chị trong hoạt động xã hội, niềm vui lớn nhất với nữ trưởng thôn Đặng Thị Hằng vẫn là tình cảm yêu mến, tin tưởng mà bà con dành tặng cho mình. Đây chính là động lực để nữ trưởng thôn tiếp tục cùng đồng bào nỗ lực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Bài và ảnh: Thanh Phong
Chăm lo ổn định đời sống đồng bào dân tộc thiểu số nghèo
Chăm lo ổn định đời sống đồng bào dân tộc thiểu số nghèo

Với các chương trình, dự án từ nhiều nguồn khác nhau, huyện biên giới Bù Gia Mập đang mang lại sức sống mới cho nhiều hộ dân tộc thiểu số nghèo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN