Thẻ bảo hiểm: Nơi thừa nơi thiếu

Năm 2012, tỉnh Gia Lai đã in và cấp phát thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) cho gần 510.000 người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đang sinh sống ở các vùng II, vùng III, tạo điều kiện cho bà con được chăm sóc sức khỏe, ổn định cuộc sống gia đình.


Với số lượng thẻ BHYT này đảm bảo đủ cấp phát cho mỗi người 1 thẻ, phù hợp với tỷ lệ số dân hiện có trên địa bàn (toàn tỉnh có khoảng 1,3 triệu dân thì trong đó có 45% số dân là người DTTS). Tuy nhiên trên thực tế, tại các địa phương trong tỉnh đang tồn tại tình trạng: Nơi thì thừa thẻ bảo hiểm, nơi lại thiếu, khiến việc chăm sóc sức khỏe của đồng bào không được đảm bảo.


 

Khám sức khỏe cho người đồng bào vùng sâu.

 

Cụ thể ở xã Đăk Trôi (huyện Mang Yang) đã có đến 63 trường hợp đến các cơ sở khám chữa bệnh đều không có thẻ BHYT. Riêng ở làng Đê Kôih có 270 người thì cũng chỉ mới cấp được 240 người, 30 người còn lại chưa có thẻ. Trong khi đó lại một số nơi lại thừa thẻ BHYT, có những người được cấp đến 2 - 3 thẻ cùng một lúc. Ở một số làng dân tộc chỉ có số dân khoảng 200 người thuộc đối tượng được cấp thẻ BHYT, nhưng lại cấp phát tới... 210 thẻ.


Nguyên nhân thứ nhất của việc này là do ghi sai tên tuổi của đối tượng, nên khi phát ra thì bà con không chịu nhận và trả lại, vì cho đó là thẻ của người khác. Những thẻ trả lại thường "nằm ì" tại nhà trưởng thôn, mà không khai báo lại để làm bổ sung, dẫn tới việc thẻ có cấp, nhưng bà con vẫn không có thẻ. Nguyên nhân thứ hai là do những người trực tiếp lập và duyệt danh sách còn lơ là, thậm chí còn thiếu trách nhiệm trong công tác này, cứ phó mặc cho việc kê khai của người dân trong làng, mà không kiểm tra lại.


Chuyện thiếu - thừa cấp phát thẻ BHYT ở Gia Lai như hiện nay trước hết đã thiệt thòi cho các đối tượng được thụ hưởng chính sách ưu đãi này của Chính phủ - đó là đồng bào DTTS trên địa bàn. Theo chủ trương của tỉnh, tại các cơ sở y tế trong tỉnh khi có bà con là người DTTS đến khám và điều trị bệnh thì phải tiếp nhận, cho dù đối tượng đó không xuất trình thẻ BHYT, rồi sau đó sẽ "hạ hồi phân giải". Các cơ sở y tế đều thực hiện chủ trương này của tỉnh và đã tiếp nhận bệnh nhân không có thẻ để điều trị bệnh, song cách điều trị cũng "khác" so với số bệnh nhân có thẻ - đó là chi phí điều trị ở mức thấp hơn so với căn bệnh thực tế.


Điều này cũng rất dễ hiểu, bởi cơ sở y tế nào cũng "sợ" xuất toán khi không có đủ điều kiện hợp pháp để thanh toán, hơn nữa cũng "sợ" quy cho tội khai khống để hưởng lợi. Thực tế, trong những năm gần đây, các cơ sở y tế đã bị xuất toán đến hơn 20 tỷ đồng, riêng trong năm 2011 ở Bệnh viện đa khoa tỉnh cũng bị xuất toán đến 1,8 tỷ đồng...


Bà Nguyễn Trường Tuyết - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh cho rằng, cách phát hành thẻ BHYT cho các đối tượng được hưởng thụ là người DTTS như hiện nay là không phù hợp và còn nhiều bất cập, cần phải có cách làm mới đảm bảo tính đúng và đủ, không để cho bà con bị thiệt thòi.


Bài và ảnh: Văn Thông

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN