Tập trung giúp tỉnh khó khăn

Qua đánh giá, kết quả giảm nghèo của tỉnh Đắk Lắk chưa đồng đều, hiện vẫn còn 19 xã của 8 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm 50,3%, chủ yếu là ở các xã thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo đánh giá của tỉnh Đắk Lắk, nguyên nhân địa phương còn nhiều hộ nghèo, nhất là các xã có tỷ lệ hộ nghèo còn cao là do các xã có vị trí địa lý cách quá xa trung tâm huyện. Hệ thống cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn nên việc đi lại của người dân và giao thương buôn bán gặp nhiều khó khăn, đất đai cằn cỗi, bạc màu, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thời tiết hạn hán, lũ lụt, hệ thống kênh mương thủy lợi chưa đáp ứng được nguồn nước phục vụ sản xuất.

Trong khi đó, thu nhập của người dân chủ yếu từ sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, còn một số nguyên nhân khác có liên quan và ảnh hưởng nhiều đến kết quả giảm nghèo, như quy mô hộ gia đình rất lớn, sinh nhiều con, trình độ dân trí còn thấp, vẫn còn tập tục, tập quán lạc hậu, kế hoạch làm ăn và chi tiêu trong gia đình không hợp lý. Còn nhiều hộ nghèo có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, lười lao động, không có ý chí làm ăn vươn lên thoát nghèo, một số nơi công tác lãnh đạo, chỉ đạo về công tác giảm nghèo của cấp ủy Đảng, chính quyền chưa quyết liệt, sâu sát. Năng lực, trình độ của một số cán bộ cấp cơ sở, thôn, buôn còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức quản lý và kỹ năng tổ chức thực hiện, chưa chủ động sáng tạo…


Giao thông nông thôn thuận lợi giúp bà con thoát nghèo. Ảnh: Văn Thông


Theo lãnh đạo UBND tỉnh, để thực hiện có hiệu quả giảm nghèo nhanh, bền vững, tỉnh Đắk Lắk đã có chương trình, kế hoạch giảm nghèo cụ thể từ nay đến năm 2015 là ưu tiên nguồn lực tập trung cho 19 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao để mỗi năm giảm được từ 4 - 5% và phấn đấu đến cuối năm 2015 không còn xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%. Nhằm đạt được mục tiêu trên, tỉnh Đắk Lắk triển khai tốt hơn các chính sách hỗ trợ sản xuất và đời sống cho hộ nghèo, nhất là tăng trưởng tín dụng bình quân hàng năm từ 10 - 15%, trong đó tập trung cho vay các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, học sinh, sinh viên, giải quyết việc làm… Nâng cao chất lượng tín dụng, cho vay đúng đối tượng, bình xét cho vay công khai, kết hợp giải ngân cho vay với công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, dạy nghề để hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Theo kế hoạch, hàng năm Đắk Lắk giải quyết cho khoảng 8.000 hộ nghèo, cận nghèo vay từ 118 tỷ đồng trở lên. Đến năm 2015, tất cả các hộ nghèo, cận nghèo có đủ điều kiện được hỗ trợ vay vốn để sản xuất, làm ăn tăng thu nhập. Hộ nghèo được hỗ trợ thêm đất sản xuất. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh giải quyết đủ đất sản xuất cho đồng bào, hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, cung cấp các dịch vụ, các mô hình trình diễn… nhằm tạo điều kiện để đồng bào nghèo nhanh chóng đưa các tiến bộ khoa học vào sản xuất. Tỉnh cũng tăng cường đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động, nhất là thanh niên, hộ thiếu đất sản xuất, gắn với hỗ trợ giải quyết việc làm tại các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh, kể cả đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.


Tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế… bằng các nguồn vốn: Các chương trình mục tiêu các chương trình khác, ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, huy động người dân, cộng đồng tham gia đóng góp, ủng hộ. Trong đó, cần ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương để chuyển đổi lúa 1 vụ sang thành 2 đến 3 vụ/năm. Bên cạnh nguồn vốn, chương trình mục tiêu giảm nghèo, tỉnh Đắk Lắk cần thực hiện lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn… để tạo điều kiện giúp đồng bào thoát nghèo bền vững.

Tỉnh Đắk Lắk cũng thực hiện tốt hơn nữa các chính sách hỗ trợ về xã hội cho đồng bào nghèo như hỗ trợ về y tế (100% người nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí và khi ốm đau được hỗ trợ khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế theo đúng quy định), giáo dục đào tạo, hỗ trợ về nhà ở, trợ giúp pháp lý… Tỉnh tiếp tục tổ chức đối thoại trực tiếp ở quy mô cấp xã giữa người nghèo với các ngành chức năng của huyện, xã nhằm giúp cho người nghèo nắm bắt được các chủ trương, chính sách về giảm nghèo, cũng như xác định rõ trách nhiệm, nâng cao ý thức nỗ lực vươn lên, làm ăn hiệu quả, thoát nghèo bền vững, chống tư tưởng tự ti, ỷ lại, của các hộ nghèo. Đồng thời, qua đó xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn thể trong việc chỉ đạo, giúp đỡ hộ nghèo tiếp cận với các chính sách của Đảng và Nhà nước, phát triển sản xuất, làm ăn có hiệu quả, thoát nghèo bền vững.

Quang Huy
Thêm nguồn lực mới giảm nghèo cho vùng Tây Nguyên
Thêm nguồn lực mới giảm nghèo cho vùng Tây Nguyên

Công tác “xoá đói - giảm nghèo” ở vùng Tây Nguyên được coi là quyết sách quan trọng hàng đầu, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn trong khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN