Tìm lời giải cho dân số vùng cao Bắc Kạn

Rủi ro khi sinh con tại nhà

Được tuyên truyền, nên nhiều phụ nữ ở vùng cao đã ý thức được việc khám thai định kỳ hay chăm sóc sức khỏe sinh sản. Nhưng ở vùng sâu, vùng xa, do việc tiếp cận với các dịch vụ sinh sản còn hạn chế, nên nhiều chị vẫn sinh con tại nhà, trong khi việc sinh nở tại nhà luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nguy cơ tai biến cao.

 

Cán bộ dân số tuyên truyền, vận động bà con sử dụng các biện pháp tránh thai và không sinh con tại nhà.


Dù đội ngũ cộng tác viên dân số hay bà đỡ thôn bản đã có nhiều, nhưng không phải sản phụ nào cũng tìm đến họ. Do đường đi khó khăn, xa cơ sở y tế nên một số chị ngại đi khám thai hay đến sinh con tại bệnh viện. Chị Bàn Thị Pết, cộng tác viên dân số thôn Phiêng Luông, xã Công Bằng (huyện Pác Nặm) cho biết: Thôn có nhiều phụ nữ sinh con tại nhà do không có tiền để đi bệnh viện, cộng với đường sá xa xôi, đi lại khó khăn nên họ ngại. Họ còn cho rằng, từ trước đến nay nhiều người sinh con ở nhà vẫn khỏe mạnh.


Chị Dương Thị Dua, thôn Khâu Vai, xã Bộc Bố (huyện Pác Nặm) đã sinh cả 2 con ở nhà. Chị kể: “Mình sinh đứa thứ nhất ở dọc đường do trạm y tế xã ở xa nên không đến kịp. Đứa thứ 2, mình sinh ở nhà, được mẹ chồng và bà ngoại đỡ đẻ, cắt dây rốn cho con, cũng hơi lo lắng, nhưng may mà mẹ tròn con vuông. Mình không gọi y tế thôn bản hay bà đỡ vì ngại”.


Theo bác sĩ Nông Văn Vĩnh, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Bắc Kạn, việc sinh con tại nhà tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm. Những người đỡ đẻ này không có kiến thức về sinh sản, việc đỡ đẻ chủ yếu làm theo thói quen hay kinh nghiệm, nếu gặp các biến chứng như sản giật, vỡ tử cung, uốn ván sơ sinh, hay các ca đẻ khó sẽ không biết cách xử lý. Bên cạnh đó, việc sinh con tại nhà không có dụng cụ tiệt trùng, dụng cụ y tế cần thiết sẽ dễ bị nhiễm trùng, băng huyết, nhiễm khuẩn.

 

Đứa trẻ mới sinh ra không được chăm sóc cẩn thận sẽ yếu ớt. Có trường hợp ở huyện Pác Nặm, bà mẹ bị bệnh tim bẩm sinh nhưng không biết nên vẫn mang thai, rồi sinh con tại nhà. Khi bệnh tình đã quá nặng, gia đình đưa đi bệnh viện cấp cứu, nhưng người mẹ không qua khỏi. “Nếu được tư vấn, phát hiện sớm và chăm sóc cẩn thận thì sẽ không xảy ra tai biến. Vì vậy, các bà mẹ khi mang thai nên đến các trung tâm y tế khám thai định kỳ, vừa bảo đảm sức khỏe thai nhi vừa phát hiện sớm các biến chứng có thể xảy ra”, bác sĩ Vĩnh chia sẻ.

Gia đình chị Hoàng Thị Di, thôn Khâu Vai, xã Bộc Bố (huyện Pác Nặm) có một đứa con bị chết. Chị buồn rầu cho biết: “Mình sinh con tại nhà, lúc sinh được mẹ đỡ cho. Con sinh ra lúc đầu khỏe mạnh, nhưng sau vài tháng bỗng dưng bị vàng da, không ăn uống gì rồi mất. Mình cũng không đưa con đi khám và cũng không biết nó bị bệnh gì”.


Chị Nông Thị Thuấn, cán bộ chuyên trách dân số xã Bộc Bố (huyện Pác Nặm) cho biết: Mấy năm trước, tình trạng sinh con tại nhà khá cao. Mặc dù đã được vận động, tuyên truyền, nhưng người dân vẫn không ra trạm y tế hay bệnh viện. Nhiều người vẫn nghĩ theo nếp cũ, cộng với không có tiền nên họ ít đi khám thai hay đến bệnh viện để sinh đẻ.


Chị cho biết thêm, có trường hợp đi ra trạm y tế để chờ đẻ, đang đau bụng và sắp sinh, nhưng họ cũng bắt người thân đưa về nhà sinh. Phong tục tập quán ở đây, nhiều phụ nữ vẫn ngại người khác đỡ đẻ cho mình. Nhiều phụ nữ chưa quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe sinh sản hay khám thai định kỳ nên đã dẫn đến tình trạng trẻ bị bệnh hay dị tật từ trong bụng mẹ mà không được phát hiện kịp thời.


Bên cạnh đó, hiện điều kiện cơ sở vật chất của các cơ sở chăm sóc sức khỏe sinh sản từ tỉnh, huyện đến xã đã xuống cấp, trang thiết bị, phương tiện hồi sức cấp cứu, thuốc men… chưa đáp ứng nhu cầu. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 6/8 trung tâm y tế huyện chưa có bác sĩ chuyên khoa nhi, 2 huyện chưa có bác sĩ chuyên khoa sản. Huyện Pác Nặm có hơn 100 thôn bản nhưng mới có 6 bà đỡ thôn bản và huyện Ba Bể chưa có bà đỡ thôn bản nào.

 

Tỉnh Bắc Kạn đề ra mục tiêu nâng tỷ lệ phụ nữ đẻ tại cơ sở y tế đạt trên 90% và phụ nữ sinh đẻ được nhân viên y tế đã qua đào tạo đỡ đạt 96%. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu và từng bước hạn chế việc sinh con tại nhà của đồng bào các dân tộc thiểu số, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức đóng vai trò quan trọng.


Bài và ảnh: Đức Hiếu - Hoàng Giang

 

Bài cuối: Cần sự vào cuộc đồng bộ

Tìm lời giải cho dân số vùng cao Bắc Kạn
Tìm lời giải cho dân số vùng cao Bắc Kạn

Do phong tục tập quán, trình độ nhận thức còn hạn chế, đồng bào dân tộc thiểu số ở Bắc Kạn vẫn có quan niệm phải sinh nhiều con và phải có con trai để nối dõi tông đường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN