“Ông xóa nghèo”

Từ một gia đình không có đất sản xuất, phải đi làm thuê, làm mướn, nhờ cần cù lao động mà nay ông Ngô Sol đã thoát nghèo, vươn lên khá giả nhất, nhì trong ấp. Ông còn giúp đỡ những hộ xung quanh thoát nghèo bằng cách giúp đỡ vốn, công cụ sản xuất. Người dân trong ấp vẫn trìu mến gọi ông Ngô Sol, ấp 8, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau là “Ông xóa nghèo”.

 

Từ hai bàn tay làm nên tất cả


Lập gia đình năm 1969, chàng thanh niên Ngô Sol được cha mẹ vợ cho mượn một phần đất cất căn chòi để làm chỗ che nắng trú mưa. Hàng ngày, vợ chồng đi đào đất mướn kiếm sống. Cuộc sống ngày càng vất vả khi những đứa con chào đời. Sau năm 1975, ông được nhà nước cấp 1,4 ha đất. Gia đình ông phấn khởi bắt tay vào làm ăn. Nhưng do đất nhiễm phèn nặng, chỉ cấy được lúa mùa, nên năm nào trúng lắm cũng chỉ kiếm chừng năm bảy chục giạ. Không nản lòng, Sol vừa làm ruộng nhà, vừa tranh thủ đi làm thuê.


Ông Ngô Sol là người đi tiên phong trong cơ giới hóa nông nghiệp.

 

Tích lũy được một số vốn, đến năm 1980, Sol mua thêm 5 công đất ruộng nữa nên mỗi năm cũng thu được từ 220 - 250 giạ lúa. Đến năm 1987, Nhà nước có chủ trương làm lúa 2 vụ, nhưng mọi việc đâu đã suôn sẻ. “Có chủ trương này, cả ấp đều phấn khởi, nhưng rồi mọi người lại nản lòng vì chuyển đổi từ một vụ sang hai vụ gặp rất nhiều khó khăn do đất ruộng sâu, trũng, sâu bệnh, chim, chuột phá hoại. Đặc biệt là thu hoạch lúa vào mùa mưa, nước nổi không có sân phơi, làm cho chất lượng cũng như sản lượng lúa bị hao hụt khá nhiều. Lúc đó, tôi suy nghĩ nhiều lắm. Nhiều đêm vợ chồng thức trắng để nghĩ cách khắc phục. Qua những ấp khác, thấy người ta làm lò sấy khô lúa. Tôi bàn với vợ xây một lò sấy lúa vừa phục vụ cho gia đình, vừa sấy lúa mướn cho bà con trong vùng”, Ngô Sol kể lại. Từ hiệu quả của việc cơ giới hóa, Ngô Sol mạnh dạn đầu tư mua 2 chiếc máy cày và 1 máy suốt lúa, trở thành người đầu tiên ở địa phương sử dụng máy móc trong nông nghiệp, giúp giảm bớt khó khăn cho người nông dân.


Vừa làm, vừa tích lũy, ông đã trở thành người giàu nhất nhì ở địa phương. Ông đang sở hữu trong tay một cơ ngơi khá vững chắc với 4,8 ha đất nông nghiệp, 2 máy xới, 1 máy tuốt lúa và căn nhà kiên cố trị giá trên 100 triệu đồng.



Mạnh Thường Quân của ấp


Khi đã khấm khá, nhìn xung quanh thấy bà con mình vẫn còn khó khăn, vất vả, ông giúp bà con nghèo bằng tất cả những gì có thể với hy vọng mong xóm giềng có được cuộc sống ổn định hơn. Cách giúp đỡ của ông cũng rất đa dạng, phù hợp với từng gia đình cụ thể. “Những hộ nào thiếu ăn thì tôi cho mượn lúa, khi nào có trả lại. Cần vốn để đầu tư chăn nuôi, sản xuất hay những lúc đau yếu, bệnh tật tôi đều sẵn lòng cho mượn tiền. Cày ruộng thì cho nợ lại đến cuối vụ trả. Nếu đến cuối vụ mà vẫn không có trả, tôi cũng vui vẻ cho nợ lại vụ sau”, ông tâm sự.


Mặc dù có tới 7 công ruộng, nhưng 3 năm về trước cả gia đình ông Sơn Têl phải thường xuyên ăn cháo. Vì khi cày, xới cải tạo đất xong gia đình ông phải đi vay tiền để trả công. Đến thu hoạch thì phải bán hết lúa mới đủ tiền trả vốn lẫn lãi cho chủ nợ. Cái vòng luẩn quẩn ấy cứ bám lấy gia đình ông. Trước hoàn cảnh đó, năm 2007, ông Ngô Sol đã cho mượn 10 giạ lúa, giúp gia đình ông Têl đủ ăn tới giáp hạt. Ngoài ra, hàng năm ông Sol giúp cày đất, nhưng cho nợ lại tiền công đến cuối vụ mới trả. Nhờ vậy mà tình trạng luân phiên cơm, cháo của gia đình ông Têl đã chấm dứt.


Không đến mức phải ăn cháo như gia đình ông Sơn Têl, nhưng nếu không được ông Ngô Sol cho nợ công cày, bừa đến cuối vụ thì gia đình ông Thạch Xà Ly cũng gặp không ít khó khăn. Ông xúc động bảo: “Ngô Sol không chỉ chia sẻ kinh nghiệm trong làm ăn, chăn nuôi mà còn sẵn sàng cho mượn tiền, vàng không lấy lãi mỗi khi gia đình có việc bất ngờ. Nhờ vậy mà gia đình tôi không còn cảnh chạy đôn, chạy đáo vay tiền bên ngoài về trả công cày để rồi cuối vụ bán hết lúa trả nợ và gia đình lại rơi vào cảnh thiếu ăn như mấy năm trước”.


Tính từ năm 2004 đến nay ông Ngô Sol đã cho bà con nghèo trong xóm mượn 380 giạ lúa, 26 chỉ vàng và gần 200 ha đất được ông cày, xới cho nợ công đến cuối vụ. Trong tổ nông dân của ông Ngô Sol có 24 hộ Khmer nghèo, ông nhận giúp đỡ 21 hộ, đến nay đã thoát nghèo được 18 hộ. Nói đến giúp đỡ các hộ nghèo, ông tâm sự: “Mục tiêu còn lại của tôi là giúp 3 hộ Khmer còn lại thoát nghèo trong thời gian sớm nhất”.


Bài và ảnh: Nguyễn Lê

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN