Người Mông với câu chuyện bảo tồn cây đào cổ

Cây đào được nhiều đời người Mông trồng quanh nhà, trên rẫy, mang theo trong những lần di canh, di cư. Khi bà con định canh định cư, hình thành bản làng, thì cây đào vẫn được người Mông giữ gìn như một phần không thể thiếu. Cây đào của người Mông bây giờ còn là loại cây cho kinh tế, góp phần đem đến cái tết no đủ ở vùng rẻo cao xứ Nghệ.

Xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An nằm dưới chân núi Pù Xai Lai Leng - nóc nhà của dãy Trường Sơn hùng vĩ, nơi sinh sống chủ yếu của bà con người dân tộc Mông. Đây cũng được xem là một trong những thủ phủ của đào đá, đào rừng miền tây xứ Nghệ.

Những ngày cuối năm, dọc theo con đường độc đạo từ ngã ba Khe Kiền chạy qua xã Nậm Càn đến Na Ngoi, đã thấy rất nhiều đào được bà con đã chặt đào từ trên rẫy về bày bán ở trước nhà và dọc hai bên đường.

Già Lầu Giống Dìa năm nay đã 60 tuổi, được xếp vào bậc già làng uy tín của bản Ka Trên, xã Na Ngoi. Già cũng là người trồng nhiều đào nhất ở xã Na Ngoi. Gia đình già đang có khoảng 200 gốc đào ở trên rẫy. Ra Tết, già sẽ trồng thêm khoảng 30 gốc nữa. Năm nào cũng trồng thì mới giữ được cây đào, mới có đào bán. Người Mông trồng đào từ đời ông, đời cha, đến con cháu cứ tiếp tục như thế. 

Cây đào có ý nghĩa rất lớn trong đời sống tinh thần của bà con người Mông. Xưa kia, trong những lần di canh, di cư, phát nương làm rẫy mới, dân bản đều đem theo cây đào giống để trồng. Mỗi khi đào rụng hết lá, bắt đầu cho nụ ra hoa cũng là năm cũ hết, người Mông tổ chức tết và đi thăm nhau. Chuyến đi chơi xuân kéo dài đến hàng tháng. Cứ tìm theo những cây đào rừng ra hoa, là đến được nhà người quen, họ hàng xa gần.

Sau này, khi bà con người Mông đã bỏ được tập quán sinh hoạt du mục và định canh định cư, thì họ vẫn dựng bản làng ở nơi núi cao và trồng đào quanh nhà, trên rẫy. Cây đào ở những vùng núi cao, dường như nhờ sương rét khắc nghiệt, mà cũng trở nên kiên cường, từ thân cây rêu mốc tưởng như đã chết khô, đợi ngày bật chồi nụ nở hoa thắm. 

Bà con người Mông ở Na Ngoi cũng chia đào ra thành 2 loại gồm: giống đào đá cổ của người Mông từ xưa và giống đào dự án - tức là những loại đào từ nơi khác lai ghép và đem về trồng thử nghiệm ở Na Ngoi.

“Đào dự án cho hoa sớm, chỉ trồng vài năm là có hoa rồi, nhưng thường nở sớm trước tết. Còn đào đá thì phải trồng lâu năm mới chặt bán được. Dân bản mình thích cây đào cổ của người Mông hơn, và luôn giữ gìn nó”, anh Lầu Bá Hạ, bản Ka Trên, xã Na Ngoi nói.

Vườn đào nhà anh Lầu Bá Hạ cũng có hơn 100 gốc, nhưng anh cho biết đây chỉ là một phần, còn ở trên rẫy có nhiều hơn. Ra Tết, anh cũng sẽ trồng mới khoảng 50 cây nữa: “Rẫy người Mông ở đâu thì cây đào ở đấy. Bây giờ, trồng đào còn bán kiếm thu nhập nên mình phải để chăm sóc. Nói là trồng nhưng thực ra đào rừng mọc tự nhiên, việc của mình là vun gốc, chặt bớt những cây dại mọc xung quanh cho gốc đào thoáng, phát triển tốt. Làm như thế mới giữ được cây đào Mông ta”, anh Lầu Bá Hạ.

Vừa từ trên rẫy trở về bản, ông Vừ Bá Tênh, bản Phù Khả 1, xã Na Ngoi đã tất bật xếp gọn các cây đào, buộc chặt các cành lại cho khách đưa lên xe chở về xuôi. Ông Tênh cho biết, với những cây đào có tuổi đời trên dưới 20 năm với thân cây to đẹp, nhiều nụ, lại có rêu mốc và tầm gửi bám ở thân cây có giá từ 2 triệu đồng đến chục triệu đồng. Còn những cành nhỏ hơn, ít nụ hơn thì giá thành cũng ít hơn, khoảng từ 300.000 - 500.000 đồng.

Ngoài khách chơi đào, còn có nhiều thương lái cũng lên Na Ngoi để tầm đào, nhập đào “tận gốc” để đem về xuôi bán. Nhiều năm qua, anh Lê Văn Hùng ở thành phố Vinh lại vượt hơn 250 km lên Na Ngoi để tầm mua đào đẹp về bán. Anh xin ở nhờ trong nhà dân bản và theo bà con lên tận rẫy để chọn mua những cành đào ưng ý.

“Người chơi rất thích đào đá, nhưng họ cũng rất kỹ tính, khắt khe, trong việc lựa chọn đào để hợp với sở thích cá nhân, và để trưng trong nhà mình… và chúng tôi cũng phải vất vả hơn để có đào đẹp. Những năm trước, tôi từng đi ra một số tỉnh miền núi phía bắc để buôn đào, nhưng chi phí vận chuyển đắt đỏ quá. Vì thế tôi chuyển qua buôn đào ở Na Ngoi, đây là vùng có địa hình cao, khí hậu lạnh, và đào đá của bà con người Mông ở đây cũng rất đẹp”, anh Lê Văn Hùng chia sẻ.

Tuy nhiên, anh Hùng cũng cho biết do năm nay thời tiết ấm hơn, nhiều nắng hơn những năm trước nên đào nở sớm, mất mùa. Phần vì hàng năm một lượng lớn cành đào được chặt bán nên số cây đào cổ thụ dần khan hiếm và giá thành cao hơn. Anh Hùng đang chờ gom đủ chuyến xe rồi sớm chở về xuôi để còn kịp bán tết. 

Sở dĩ đào ở miền núi hấp dẫn với người chơi vẻ đẹp rất riêng của nó. Hoa của đào thường có cánh rộng, màu hồng tươi tắn, hoa nở đều, có nhụy vàng điểm xuyết, lâu rụng. Đào đẹp, phải là những gốc đào được trồng lâu năm, sống tự nhiên ở trong rừng sâu, vì lẽ đó mà thế của đào cũng rất tự nhiên.  Cùng với hoa đào, thời điểm này hoa mận cũng nở bung trắng muốt nơi vùng biên viễn khiến người dân thích thú.

Không khí mua bán, trao đổi, đánh giá hoa đào khiến cho cái tết dường như hiện hữu đậm hơn ở xã vùng biên giới này. Những chuyến xe tải chở đầy đào về xuôi. Việc bán đào đang mang lại một khoản thu nhập không nhỏ cho người dân đồng bào dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú ở các xã biên giới tỉnh Nghệ An.

Bích Huệ (TTXVN)
Đào cổ thụ nở muộn, lung linh khoe sắc ở vùng cao Bắc Kạn
Đào cổ thụ nở muộn, lung linh khoe sắc ở vùng cao Bắc Kạn

Không như những loại đào thông thường nở vào đúng dịp Tết, những gốc đào cổ thụ ở Đèo Gió, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn bây giờ mới bung nở.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN