Lễ cúng rừng của người Nùng

Đồng bào dân tộc Nùng ở xã Pố Lồ, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang quan niệm: Rừng là mẹ nuôi sống con người, thì con người cũng phải biết giữ lấy rừng và phải bảo vệ nó. Đó cũng là một trong những lý do bà con tổ chức lễ cúng thần rừng hàng năm.

Những người già trong bản kể, xưa kia các họ tộc người Nùng ở Hoàng Su Phì sống yên bình tại các sườn núi thuộc hai huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần, trong đó có xã Pố Lồ. Một hôm, vua phương Bắc sai quân đến xâm lược nhằm chiếm đất đai của cải của các gia đình người Nùng. Sau nhiều ngày giao chiến với kẻ thù, các tộc họ người Nùng bị thua trận nên phải mang theo của cải, lợn gà và trâu bò rút vào các khu rừng rậm để chiến đấu cầm cự với giặc.

Do bị quân dịch vây hãm nhiều ngày, thiếu nước uống nên nhiều người và gia súc bị chết. Đúng lúc ấy, thủ lĩnh của các tộc họ người Nùng là Hoàng Vần Thùng bị lâm bệnh và chết, để tỏ lòng thương tiếc, các thanh niên trai tráng giết trâu lấy thịt, lấy tiết trâu thay nước nấu cơm làm đồ cúng tế và cầu xin Hạn Hung (vua trời) giúp đỡ phù hộ.

Sau khi được thần Hoàng Vần Thùng tiếp nhận lễ vật do dân làng cúng tế, các vật phẩm được mang đi làm thịt.

Xúc động trước tinh thần đoàn kết đấu tranh của các tộc họ người Nùng, Hạn Hung đã cử quân lính xuống giúp dân trừ giặc đem lại cuộc sống yên bình cho các tộc họ người Nùng. Để tưởng nhớ người thủ lĩnh đã có công giúp dân chống giặc, các tộc họ người Nùng đã dành những khu rừng già tươi tốt, có vị trí đẹp là nơi linh thiêng để lập miếu thờ và tôn làm Đổng Trứ (tức là thần rừng). Từ đấy, cứ vào dịp tháng Giêng hàng năm, các làng người Nùng thuộc các xã trong huyện Hoàng Su Phì lại tổ chức lễ cúng Hoàng Vần Thùng tại miếu thờ vì đã có công hy sinh cứu giúp dân làng. Trải qua nhiều năm tháng, tục lệ này vẫn được duy trì cho đến ngày nay.

Để chuẩn bị cho lễ cúng thần rừng, vào buổi sáng sớm trong ngày diễn ra lễ cúng, các hộ gia đình trong toàn xã mỗi nhà cử một người nam giới mang theo đồ lễ đến khu rừng cấm là những sản vật do chính bàn tay họ nuôi trồng như: gà, vịt, ngan, ngỗng, rau quả... để đóng góp với buổi lễ, việc đóng góp này là hoàn toàn do các gia đình tự nguyện.

Lễ vật không thể thiếu được trong lễ cúng thần rừng là một con trâu, một con lợn từ 50 kg trở lên, 4 con gà trống, rượu ngọt do chính tay người chủ tế nấu và ướp từ gạo nếp cấy trong những thửa ruộng của làng xã. Cạnh đó là hương, tiền, bạc được làm từ giấy rơm hoặc giấy dó…

Thầy cúng đại diện dân làng mời các thần về dự lễ.

Tại các buổi cúng thần rừng, trên đàn lễ bao giờ cũng có 4 vị trí khác nhau bởi ngoài vị thần chính là Hoàng Vần Thùng thì còn có 3 vị thần tùy tùng đó là Ông Tí Táo, ông Bảo, ông Liều.

Thầy cúng là người đại diện dân làng khấn mời các thần về dự buổi lễ, cầu mong các thần phù hộ dân làng có một mùa màng tốt tươi, dân làng mạnh khỏe… Sau khi được thần Hoàng Vần Thùng tiếp nhận lễ vật do dân làng cúng tế, các vật phẩm được mang đi làm thịt. Riêng đầu đuôi và 4 chân con trâu, con lợn, và 4 con gà được các phụ lễ bày trước miếu thờ để thầy chủ tế tiếp tục thực hiện tế lễ. Toàn bộ số thịt còn lại được các phụ lễ đem đi chế biến thành các món chín, để cúng tế nhưng phải đảm bảo có đầy đủ các bộ phận của con trâu và con lợn mỗi thứ một ít để thầy chủ tế cúng tế lần thứ 2.

Trong không gian thiêng của khu rừng cấm, tất cả mọi người tham gia lễ hội đều tự nguyện tuân thủ một quy định: Không nói tục chửi bậy, không khạc nhổ, phóng uế, kể cả trong ăn uống, ai cũng từ tốn giữ mình, không rượu chè quá chén kẻo nhỡ mồm miệng mà động chạm đến các thần…

Các phụ lễ chế biến các món chín, để cúng tế.

Sau khi việc tế lễ kết thúc, thầy chủ tế và các bậc cao niên, các trưởng thôn trong xã sẽ hưởng thụ trước các món chín để làm phép, còn toàn bộ số thịt được mang đi chế biến thành các món ăn để mọi người trong bản cùng thụ lộc. Riêng chiếc đầu trâu và chiếc thủ lợn thì để phần biếu thầy chủ tế, để thể hiện sự tôn kính của dân làng.

Cầu mong thần phù hộ cho dân làng mùa màng tốt tươi.

Ngay sau khi tổ chức xong việc cúng tế, bà con trong bản tham gia các trò hội, múa những điệu múa mang đậm màu sắc tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Nùng. Trước khi ra về, tất cả mọi người tham gia lễ hội đều đến vái tạ trước bài vị Hoàng Vần Thùng để thể hiện sự tôn kính đối với những bậc tiền nhân, đồng thời thể hiện nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Nùng ở Hà Giang.
Bài: Phương Hà, ảnh: Lê Phú
Lễ cúng cổng bon của người M’nông

Hàng năm, đồng bào M’nông thường tổ chức lễ cúng cổng bon làng (Bư brah mpêr bon) vào khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4 Âm lịch, trước khi những cơn mưa đầu mùa rơi xuống, với mong muốn cầu xin thần mưa gió, thần bão, thần dịch bệnh không gây tai họa cho bon làng trong cả năm. Lễ cúng diễn ra trong một ngày, ngay bên cổng ra vào của bon (buôn) làng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN