Kiên cố hóa trường lớp, nhà công vụ: Vùng khó khăn vẫn đang chờ

Tới khu vực miền núi phía Bắc, thầy cô giáo cũng như người dân trong vùng luôn giới thiệu một cách tự hào: “Ở đâu thấy nhà mái đỏ là trường học ở đó, kể cả giữa rừng, hay ở những ngọn núi cao của Tây Bắc”.

Đó là kết quả tích cực của nhiều năm thực hiện Đề án kiên cố hóa trường lớp và nhà công vụ cho giáo viên, xóa bỏ những căn phòng tranh tre nứa lá dột nát, tạm bợ.


Niềm vui từ những ngôi trường mới

Đoàn công tác liên bộ của Ban Chỉ đạo Trung ương gồm Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính… tới kiểm tra các điểm trường tại Yên Bái và Lào Cai đúng vào những ngày tháng 6, khi các trường đang dịp nghỉ hè. Các ngôi trường im ắng không có bóng học sinh, giáo viên, nhưng tất cả mọi nơi đều rất sạch sẽ. Em Máy (dân tộc Mông, học sinh lớp 2 Trường Tiểu học A Lù – Bát Xát – Lào Cai) đang cùng bạn bè chơi đùa ngay trong khuôn viên trường. Ngày trước khi đi học mẫu giáo, Máy không thích tới lớp vì mỗi mùa mưa, ngồi trong lớp rất lạnh và ướt, nhưng từ khi đi học tiểu học, trường được đầu tư kiên cố hóa thì Máy cũng như các bạn của mình vẫn thích tới lớp, ngay cả dịp nghỉ hè vì “trường rất đẹp”.

Trường THCS La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) được xây dựng từ nguồn vốn Chương trình 135. Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Những ngôi trường được kiên cố hóa chắc chắn cũng góp phần giúp các thầy cô giáo không còn quá vất vả trong việc huy động trẻ tới trường như trước đây nữa. Trường mầm non Đại Minh (Yên Bái) đã được kiên cố hóa từ năm 2010 và đưa vào sử dụng năm 2011. Trước khi trường lớp được kiên cố hóa, việc huy động trẻ tới lớp gặp rất nhiều khó khăn do phụ huynh thấy lớp học sơ sài, nóng nực, chật chội nên không muốn mang con tới gửi. Sau khi đưa vào sử dụng các công trình phòng học mới, số trẻ mầm non tới lớp đã tăng lên rõ rệt, không chỉ có trẻ trong địa bàn mà cả những xã lân cận cũng theo học.

Đề án kiên cố hóa trường lớp còn góp phần giúp các trường đủ điều kiện để phát triển, vươn lên đạt chuẩn quốc gia như Trường mầm non Hoa Mai (Yên Bái) có một nửa số phòng học được xây dựng bằng vốn thuộc Đề án giai đoạn 2008-2012. Đề án còn giúp nhiều trường có cơ sở vật chất để tách ra hoạt động độc lập, hiệu quả, không còn phải đi học nhờ, mượn như Trường mầm non Phúc Lộc, Trường mầm non Giới Phiên, Trường Tiểu học Giới Phiên, Trường THCS Văn Tiến (Yên Bái)…

Quan tâm hơn nữa

Có một thực tế tại các tỉnh miền núi là vùng khó khăn nhiều nơi vẫn chưa được hoàn thiện cơ sở vật chất.

Tại Lào Cai, giai đoạn 2011- 2015 cần 2.964 phòng học, 2.582 phòng ở công vụ với số vốn đầu tư dự kiến là 1.347,240 tỷ đồng. Trong đó có 248 phòng học và 348 phòng công vụ cho giáo viên nằm trong kế hoạch giai đoạn 2008 – 2012 đã thực hiện xong chuẩn bị đầu tư từ năm 2009 nhưng chưa có vốn để khởi công. Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Phố Ràng (Lào Cai) Ma Thị Xuân cho biết: Trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia năm 2001 nhưng hiện nay vẫn phải học tạm trong phòng tranh tre, nứa lá. Mỗi cơn mưa to, cô trò lại lúp xúp “di tản” lên dãy nhà hiệu bộ cũ. Trường có trong danh mục đầu tư đã được phê duyệt của Đề án giai đoạn 2008 – 2012. Tuy nhiên, sau khi phá dỡ dãy nhà cấp 4 cũ nát và san nền thì không có đủ vốn để tiếp tục xây dựng, lớp cũ đã phá nên học sinh đành học tạm trong những phòng học bằng tre, nứa. Cô Xuân cũng cho biết, trong năm học tới, trường sẽ tiếp tục phải xây dựng thêm 2 phòng học tạm vì số học sinh tăng lên, và sẽ có 160 học sinh tiếp tục “chạy dột” mỗi khi mùa mưa tới.

Theo đánh giá của đoàn công tác liên bộ, nhu cầu thực tế trường học cần kiên cố hóa tại các địa phương còn rất nhiều, nhiều trường có trong danh mục xây dựng giai đoạn 2008 – 2012 nhưng vẫn chưa được hoàn thành do giá vật liệu xây dựng, giá nhân công thay đổi và tăng cao trong thời gian thực hiện đề án nên không đủ vốn thực hiện tiếp. Ông Phạm Hùng Anh, Phó Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục và đồ chơi trẻ em (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Đề án kiên cố hóa có nguồn vốn từ trái phiếu Chính phủ và sẽ không có sự thay đổi trong thời gian thực hiện đề án. Do vậy, trong thời gian tới, các tỉnh cần tập trung đầu tư cho các công trình gần hoàn thành để sớm bàn giao sử dụng, các công trình chưa khởi công thì ngừng lại để tập trung vốn, không đầu tư dàn trải. Bên cạnh đó, tỉnh cần bố trí số vốn từ ngân sách địa phương để đối ứng với vốn của Đề án.

Ngọc Anh – Văn Toán

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN