Hành trình 20 năm giảm nghèo - Bài 3: Thay đổi tư duy thực hiện chính sách giảm nghèo

Hai mười năm qua, nguồn lực bố trí để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo là không hề nhỏ, nhưng kết quả thu chưa được chưa như mong đợi. Điều này đặt ra một yêu cầu cấp bách trong việc thay đổi tư duy giảm nghèo, cả về hoạch định chính sách cũng như trong quá trình thực hiện.

Nghèo vẫn hoàn nghèo

Giai đoạn 2016-2020, việc xác định hộ nghèo được quy chiếu bằng bộ tiêu chí đa chiều theo Quyết định 59/2015/QĐ-TTg, ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ tiêu chí được đánh giá sẽ tạo điều kiện để nhận dạng đối tượng nghèo chính xác, cụ thể hơn, từ đó có giải pháp hỗ trợ phù hợp hơn với nhu cầu và đặc tính của hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Chú thích ảnh
Nhiều cuộc hội thảo về thực hiện chính sách dân tộc được UBDT tổ chức.

Tuy nhiên, bước vào năm 2018 - năm bản lề của giai đoạn 2016 - 2020, đại đa số hộ nghèo vẫn là nghèo về thu nhập. Theo kết quả điều tra, rà soát của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thì hộ nghèo về thu nhập hiện chiếm tỷ lệ hơn 79,7% tổng số hộ nghèo (1.583.764/1.986.697 hộ nghèo).

Trở lại thời điểm năm 1998, lần đầu tiên chuẩn nghèo được tiền tệ hóa. Theo đó, hộ nghèo là hộ có thu nhập 55.000 đồng đối với khu vực miền núi, hải đảo; dưới 70.000 đồng đối với vùng nông thôn đồng bằng; dưới 90.000 đồng đối với khu vực thành thị. Còn trước đó, chuẩn nghèo được quy ra thóc/người/tháng.

Như vậy, sau hai mươi năm, phương pháp đo lường hộ nghèo đã có sự thay đổi, trước hết về mặt lý thuyết. Nhưng trên thực tế, thực trạng nghèo ở nước ta chưa có sự thay đổi, vẫn là nghèo về thu nhập.

Hơn nữa, hiện thu nhập bình quân đầu người của nước ta, dù tăng gần 20 lần so với năm 1998, nhưng vẫn thấp hơn nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, hết năm 2017, thu nhập bình quân đầu người đạt 53,5 triệu đồng/người/năm, tương đương 2.385 USD/người/năm.

Tại một hội nghị của Chính phủ với các địa phương cuối năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trăn trở: “Đất nước thu nhập bình quân đầu người đạt 2.385 USD thì có gì là phấn khởi. Đây là nỗi buồn của những người lãnh đạo khi thu nhập của người dân thấp như vậy”.

Chú thích ảnh
Đào tạo nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số là việc làm cần thiết. 

Rõ ràng, thực trạng nghèo của nước ta hiện nay đã đặt ra vấn đề là phải điều chỉnh tư duy giảm nghèo. Đành rằng, chuẩn nghèo đa chiều là hướng tiếp cận căn cơ để giảm nghèo bền vững, hướng tới một đất nước không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo (như tỉnh Bình Dương hiện nay). Điều này thể hiện tầm nhìn bao quát của các nhà hoạch định chính sách.

Nhưng hiện nay, thu nhập của hộ nghèo rất thấp, lại bấp bênh vẫn là vấn đề cốt lõi. Do vậy, để giảm nghèo bền vững thì phải giải quyết vấn đề cốt lõi này. Còn nếu muốn giảm nghèo nhanh (không loại trừ thực trạng chạy theo thành tích) thì sẽ phải ôm đồm giảm nghèo đa chiều; trong điều kiện ngân sách eo hẹp thì sẽ phải phân tán nguồn lực để thực hiện. Như vậy, bảo đảm yếu tố bền vững trong giảm nghèo là rất khó.

Để giảm nghèo cho “ra tấm ra món”

Phải khẳng định, nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) về xóa đói giảm nghèo (XĐGN) là không hề nhỏ. Từ CTMTQG về XĐGN giai đoạn 1998 - 2000 đầu tiên theo Quyết định số 133/1998/QĐ-TTg, ngày 23/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ, khoảng 10.000 tỷ đồng đã được bố trí để thực hiện.

Hai mươi năm qua, nhiều chương trình, dự án giảm nghèo khác đã được triển khai, đưa tổng vốn thực hiện CTMTQG về XĐGN lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng. Tính riêng năm 2017, tổng kinh phí để thực hiện giảm nghèo cũng đạt khoảng 7.231 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Thay đổi tư duy để thực hiện tốt hơn chính sách xóa đói giảm nghèo ở vùng dân tộc.

Nguồn lực đó cùng với sự cố gắng của các cấp ngành, địa phương và người dân, hết năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước đã giảm xuống còn 6,72% (theo công bố của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội mới đây). Tuy nhiên, hiện nhiều địa phương còn có tỷ lệ hộ nghèo trên 40%, cá biệt có những nơi hộ nghèo còn chiếm tỷ lệ trên 70-80%; đây đều là những địa phương thuộc vùng DTTS và miền núi.

Trên thực tế, bước vào năm 2018, cả nước vẫn còn 20.176 thôn ĐBKK, 1.935 xã khu vực III theo Quyết định 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, giai đoạn 2011-2015, cả nước có 3.100 thôn, bản ĐBKK và 2.400 xã thuộc khu vực III.

Mới đây nhất, người đứng đầu Chính phủ đã ký Quyết định 275/QĐ-TTg, ngày 7/03/2018, phê duyệt danh sách 8 huyện thoát khỏi tình trạng ĐBKK; đồng thời bổ sung thêm 29 huyện thuộc 18 tỉnh/thành phố vào danh sách huyện nghèo giai đoạn 2018-2020. Như vậy, sau 10 năm thực hiện Chương trình 30a (2008-2018), số huyện nghèo cả nước không giảm mà lại tăng, từ 64 huyện lên thành 85 huyện.

Số lượng huyện nghèo, xã nghèo, thôn nghèo tăng lên, một mặt cho thấy việc điều tra, rà soát đã có sự chính xác, cụ thể hơn so với giai đoạn trước; mặt khác lại đặt ra những thách thức mới trong thực hiện CTMTG về XĐGN. Số địa phương cần vốn giảm nghèo tăng lên, trong khi nguồn lực thực hiện không thay đổi, thậm chí giảm, đặt ra yêu cầu làm thế nào để sử dụng hiệu quả đồng vốn giảm nghèo để cho “ra tấm ra món”.

Lâu nay, vấn đề chính sách được ban hành nhưng không bố trí được vốn để thực hiện; hay có quá nhiều chương trình, dự án chồng chéo, “dẫm chân” nhau khiến nguồn lực bị phân tán,… đã được phân tích, mổ xẻ. Biết vậy nhưng giai đoạn 2016-2020, nhiều chương trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng “lõi nghèo” được xây dựng, ban hành vẫn lại đi vào “vết xe đổ” này.

Như Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2016 - 2020 (Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ) đến nay vẫn chưa bố trí được vốn để thực hiện. Trong khi đó, “đích” của chính sách thì đã ngay trước mắt.

Không nhắc lại những tồn tại, bất cập trong việc hoạch định, xây dựng chính sách giảm nghèo vì nó đã được bàn, được thảo luận từ nhiều năm nay. Trải qua các giai đoạn: 1998 - 2005, 2006 - 2010, 2011 - 2015, những tồn tại, bất cập đó đã có những điều chỉnh trong giai đoạn 2016 – 2020, nhưng vẫn chưa thực sự sát với thực tiễn.

Bởi vậy, ngay từ lúc này, các cấp ngành, địa phương cần phải đánh giá lại một cách toàn diện việc thực hiện CTMTQG về XĐGN trong hai mươi năm qua. Trên cơ sở đó tham mưu, hiến kế giúp Chính phủ có những quyết sách giảm nghèo phù hợp trong những giai đoạn tiếp theo, trước mắt là giai đoạn 2021-2025; để công tác giảm nghèo của nước ta đạt được yếu tố bền vững. Cụ thể là cần có một chính sách tổng thể tích hợp các chương trình đầu tư cho dân tộc miền núi, có ban điều hành, theo dõi, đôn đốc thực hiện tổng thể thì sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện về tổ chức bộ máy cơ quan quản lý nhà nước về dân tộc để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Ông Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT: “Để giảm nghèo bền vững, phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi, thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ tập trung thực hiện 6 nhóm giải pháp chủ yếu về: Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông; phát triển giáo dục đào tạo nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc miền núi; tạo sinh kế cho đồng bào; giải quyết ổn định vấn đề đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, kết nối thị trường; tăng cường tuyên truyền vận động để bà con tự hào về nguồn cội, tự tin vào bản thân, tự lực vươn lên không trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước; nghiên cứu tích hợp các chính sách để tập trung chỉ đạo, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển đồng bào dân tộc thiểu số.
Bài và ảnh: Trọng Thủy (Báo Tin tức)
Diễn đàn phát triển dân tộc thiểu số năm 2018
Diễn đàn phát triển dân tộc thiểu số năm 2018

Ngày 20/8, tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, đã diễn ra Diễn đàn phát triển dân tộc thiểu số năm 2018 với chủ đề “Sâm Ngọc Linh - Tiếp cận chuỗi giá trị trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN