Ưu tiên bố trí ngân sách
Đại biểu Phùng Văn Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chất vấn hai Bộ trưởng Bộ: Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư. Theo đại biểu, có nhiều chính sách cho vùng đồng bào dân tộc và vùng miền núi, nhưng việc đảm bảo nguồn lực ảnh hưởng không nhỏ đến thực hiện chính sách và niềm tin của người dân. Còn tình trạng cấp thấp, cấp chậm, có chính sách sau 2 năm chưa được bố trí kinh phí. Đại biểu đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ đối với vấn đề này, nguyên nhân và giải pháp khắc phục?
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, công tác dân tộc được Đảng, Nhà nước rất quan tâm và đã ban hành nhiều chính sách. Cụ thể, giai đoạn 2011-2015 có 181 chính sách thể hiện trong 264 văn bản. Giai đoạn 2016-2020 có 116 chính sách nằm trong 173 văn bản.
Nguồn lực ngân sách có sự ưu tiên bố trí. Với Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã bố trí 200.000 tỷ, tăng 2,28 lần giai đoạn trước; riêng về ODA đã tăng nhanh, hơn 38.000 tỷ cho khu vực này, tăng 2,47 lần so với giai đoạn 2011-2015. Bộ trưởng đánh giá, trong điều kiện ngân sách khó khăn và còn nhiều nhiệm vụ khác cần thực hiện, nguồn ngân sách này đã thể hiện sự quan tâm rất lớn của Chính phủ và kết quả đạt được rất tích cực. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, thiếu bền vững; thiếu việc làm cho người dân vùng dân tộc miền núi...
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do điều kiện tự nhiên như thiếu đất sản xuất, cơ sở hạ tầng giao thông yếu, thời tiết khí hậu, dân trí ở vùng này thấp, dẫn đến việc tạo sinh kế cho người dân gặp nhiều khó khăn. Từ đó khó xóa đói giảm nghèo cho người dân mà chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống, an sinh xã hội về y tế, giáo dục và các thiết chế văn hoá. “Để người dân có được việc làm với thu nhập bình quân trên 7-8 triệu đồng/năm là thách thức rất lớn. Chỉ cần một trận lũ thì quay về nghèo ngay, đó là chưa nói một bộ phận người dân có tinh thần ỷ lại”, Bộ trưởng phân tích.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số điều kiện khó khăn, xa trung tâm, cơ sở hạ tầng kết nối kém, nguồn nhân lực không đáp ứng... khó có thể thu hút đầu tư mặc dù Nhà nước có nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các vùng này.
Để giải quyết tình trạng này, Bộ trưởng cho rằng, quan trọng nhất vẫn là quy hoạch sử dụng đất, nhất là vùng miền núi phía Bắc. Bên cạnh đó, cần đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tiếp tục có các chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư.
Về nguồn lực, Bộ trưởng cho biết đã cố gắng bố trí nhưng hiện nay phải chọn lọc một số công trình mang tính cấp bách để xử lý ngay. Các công việc cụ thể phân tán ở các bộ, ngành khác nhau và của địa phương. Do đó, nếu xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia riêng, giao cho một đơn vị làm đầu mối cũng cần nghiên cứu.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng phân tích, hiện có nhiều chính sách khiến địa phương khó thực hiện, gây lãng phí nguồn lực. Ngoài ra, sự phối hợp giữa các bộ, ngành có tiến bộ nhưng còn lúng túng, nhất là tổ chức thực hiện ở địa phương. Công tác tuyên truyền chưa hiệu quả khi ngay một bộ phận trong hệ thống chính quyền còn chưa hiểu rõ chính sách.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết thêm, ngân sách chi thường xuyên cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được ưu tiên, đến nay cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, cần tiếp tục ưu tiên trong thời gian tới để thực hiện tốt hơn.
Đẩy mạnh kết nối giao thông
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề cập đến việc đi lại khó khăn, hạn chế đồng bào phát triển kinh tế - xã hội và thụ hưởng chính sách an sinh xã hội. Nhiều xã hiện chưa có đường kiên cố để ô tô có thể đi. Đại biểu đề nghị làm rõ giải pháp khắc phục thực trạng này.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, theo Luật Ngân sách Nhà nước và phân cấp quản lý, Bộ chịu trách nhiệm trước Trung ương và sử dụng ngân sách Trung ương để đầu tư nâng cấp, mở rộng, sửa chữa quốc lộ. Hệ thống đường cấp tỉnh, cấp huyện, đường nông thôn, trách nhiệm chính thuộc về chính quyền địa phương. Thời gian vừa qua, Trung ương có ban hành đề án lớn xây dựng đường đến trung tâm các xã chưa có đường ô tô. Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện một số chương trình từ thiện để hỗ trợ đường giao thông cho các địa phương, trong đó có dự án 186 cầu treo cho các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Bộ cũng tranh thủ nguồn vốn ODA để thực hiện dự án hỗ trợ giao thông nông thôn ở tỉnh khó khăn, tỉnh có đông đồng bào dân tộc.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, trách nhiệm chính đầu tư hệ thống giao thông nông thôn là của địa phương, nếu ngân sách khó khăn cần báo cáo Trung ương xin hỗ trợ. Vừa qua, Bộ thực hiện phát triển đường giao thông nông thôn theo hình thức kết hợp Nhà nước và nhân dân cùng làm. Hiện nay, phong trào này này được các thôn, ấp, liên xã thực hiện tốt. Theo thống kê, 95% các địa phương trên cả nước có đường đến trung tâm xã. Đặc biệt, với các tỉnh gần khu kinh tế lớn, các thành phố lớn, vùng đồng bằng, tỷ lệ đường phủ kín cao hơn, còn các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng có nhiều sông nước thì tỷ lệ thấp hơn.
Cho rằng giao thông phải đi trước một bước, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ rõ trách nhiệm hiện nay gắn liền với địa phương. Các tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc và những tỉnh còn nhiều khó khăn, nhiều xã mới chia tách chưa có đường liên xã, có thể tập hợp, đề xuất để Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư cho tất cả các tỉnh. Nếu không, từng địa phương phải có kiến nghị để Chính phủ xem xét thực hiện cho các tỉnh mà hiện nay giao thông còn nhiều khó khăn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, ngoài hỗ trợ các chương trình, Bộ đã triển khai các chương trình hỗ trợ cho nơi có đông đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn. Các hỗ trợ này mang tính tiếp sức cho địa phương, cái chính vẫn là chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Các địa phương phải xuất ngân sách, cùng với nhân dân xây dựng hệ thống đường giao thông. "Địa phương nào làm tốt giao thông nông thôn, chắc chắn công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương đó sẽ thực hiện tốt hơn. Các địa phương cần quan tâm đến vấn đề này, còn Bộ Giao thông Vận tải sẽ hỗ trợ trong khả năng cho phép", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.
Ưu tiên bố trí ngân sách cho các địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số
Có mặt tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã tham gia giải đáp những câu hỏi của đại biểu Quốc hội đặt ra liên quan đến việc thực hiện chính sách dân tộc.
Phó Thủ tướng đánh giá vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế. Phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vừa là mục tiêu vừa là yêu cầu phát triển bền vững, góp phần vào xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, thống nhất trong đa dạng. Trong chỉ đạo, điều hành, Chính phủ đã ban hành, xây dựng nhiều cơ chế, chính sách, bố trí huy động nguồn lực, nỗ lực tổ chức thực hiện nhằm phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số và vùng núi. Hiện đã có 116 chính sách đối với dân tộc thiểu số và miền núi bao phủ hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội thuộc ba nhóm: Nhóm chính sách đặc thù theo dân tộc và nhóm dân tộc; nhóm chính sách phát triển kinh tế- xã hội theo vùng; nhóm chính sách phát triển kinh tế- xã hội theo ngành, lĩnh vực .
Chỉ ra một số hạn chế trong việc thực hiện chính sách dân tộc, Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện các mục tiêu đặt ra trong hai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2021 và các chương trình mục tiêu, chương trình dự án khác; ưu tiên bố trí ngân sách cho các địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số, các chính sách đặc thù về dân tộc thiểu số, xây dựng, triển khai đề án xây dựng nông thôn mới tập trung cho thôn bản khó khăn cho 35 tỉnh. Chính phủ sẽ chỉ đạo bộ, ngành, trình cấp có thẩm quyền bố trí ngân sách ở mức cao nhất, thực hiện các chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số rất ít người. Riêng vốn thực hiện chính sách, Nghị quyết của Chính phủ năm 2018 đã xác định sử dụng nguồn vốn kinh phí còn lại, phần tiết kiệm chi thường xuyên và dự phòng vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn để cân đối bổ sung một phần nguồn lực để địa phương thực hiện. Cùng với đó là thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này, khai thác lợi thế để phát triển kinh tế lâm nghiệp, cây đặc sản, chăn nuôi, du lịch... Đồng thời, Chính phủ tiếp tục đầu tư phát triển giáo dục - đào tạo, thực hiện chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ gạo, tiền; đầu tư phát triển hệ thống y tế; đào tạo nhân lực y tế để chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng dân số, gắn mục tiêu phát triển bền vững...
Ghi nhận kiến nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến về việc tích hợp chính sách các chương trình mục tiêu, Phó Thủ tướng cho rằng việc này đòi hỏi cần sơ kết, tổng kết đánh giá kỹ; đồng thời giao các bộ, ngành có trách nhiệm đề ra đề cương, đề xuất đảm bảo tính khoa học, thực tiễn để thực thi. Chính phủ sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng gửi lời thăm hỏi thân thiết, đồng cảm chia sẻ khó khăn vất vả của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào khu vực vùng vừa chịu thiên tai bão lũ và khẳng định Chính phủ sẽ hỗ trợ cao nhất để đồng bào sớm được ổn định cuộc sống với tinh thần chung là: Dù khó khăn thế nào, chính quyền các đại phương cũng không được để xảy ra tình trạng đồng bào thiếu đói, người ốm không được chữa bệnh, trẻ em không được học hành.
Không để tình trạng ban hành chính sách nhưng không cân đối nguồn lực, nợ kinh phí
Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết đã có 33 ý kiến chất vấn với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và các thành viên Chính phủ khác. Qua chất vấn và ý kiến trả lời chất vấn, giải trình tiếp thu, phiên chất vấn đạt kết quả đề ra. Các đại biểu thẳng thắn nêu câu hỏi mang tính xây dựng, có trao đổi, tranh luận. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cùng các thành viên Chính phủ đã trả lời, giải trình đầy đủ ý kiến. Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến thể hiện sự nắm chắc vấn đề.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, nước ta có 54 dân tộc anh em, trong đó có 53 dân tộc ít người sinh sống thành cộng đồng tại 51 tỉnh thành phố, 458 huyện và 2566 xã trong cả nước. Trong đó có 5 dân tộc có số dân trên 1 triệu người, 16 dân tộc có dưới 10 nghìn người và 4 dân tộc đặc biệt ít người là Mảng, Cống, Cơlao và Lao Hủ có dưới 1.000 nguời, chủ yếu sinh sống ở các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang. Các dân tộc anh em ở nước ta luôn thể hiện tinh thần đại đoàn kết, bình đẳng, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau để cùng phát triển. Giai đoạn vừa qua, Đảng, Nhà nước ta đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, ban hành và thực hiện nhiều chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là dân tộc rất ít người nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Các chính sách đối với đồng bào dân tộc đã bao phủ hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội của bà con nhưng vì nhiều lý do nên việc cân đối các nguồn lực thực hiện các chính sách đó chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, do vậy một số chính sách chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Qua phiên chất vấn, ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có các giải pháp tiếp tục thực hiện chính sách dân tộc trong thời gian tới. Cụ thể, Chính phủ cần rà soát, cân đối bố trí đủ nguồn lực thực hiện các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số đang có hiệu lực. Trước mắt, thực hiện tốt nội dung Nghị quyết 90/NQ-CP đã ban hành, sớm trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, đảm bảo vốn để thực hiện các chương trình từ nguồn dự phòng ngân sách nhà nước, từ nguồn tăng thu, từ dự phòng vốn đầu tư công trung hạn ngân sách khoảng 5 - 6 nghìn tỷ đồng để đảm bảo kinh phí cho các chính sách đã ban hành từ nay đến năm 2020 và từ nay kiên quyết không để tình trạng ban hành chính sách nhưng không cân đối nguồn lực, nợ kinh phí để thực hiện chính sách đối với đồng bào các dân tộc.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ phân công rõ đầu mối, chịu trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ đảm bảo việc quản lý tập trung, theo nguyên tắc một cơ quan chịu trách nhiệm chính, thống nhất các nguồn lực đầu tư thực hiện chính sách dân tộc thiểu số; tránh chồng chéo, phân tán đảm bảo sự phối hợp tốt của các bộ, ngành trong triển khai, tổ chức thực hiện các chính sách của Chính phủ; nghiên cứu để tích hợp, thu gọn các đầu mối quản lý, thực hiện các chính sách dân tộc để hướng tới đề xuất một chương trình mục tiêu quốc gia có thời hạn 10 năm cho giai đoạn tới trên cơ sở đánh giá sơ kết việc thực hiện các chính sách dân tộc 3 năm qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV vào tháng 10 tới. Đồng thời, Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thực hiện chính sách dân tộc và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, đề xuất các giải pháp cụ thể thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong đồng bào dân tộc trong giai đoạn tiếp theo; chỉ đạo việc rà soát, đánh giá xây dựng một bộ tiêu chí phân định miền núi, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số theo trình độ phát triển khách quan, khoa học, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay để làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách và phân bổ nguồn lực bảo đảm sự công bằng, chính xác, phát huy hiệu quả.
Chính phủ cần tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các chính sách dân tộc, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cả hệ thống chính trị, nhất là ở các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây Duyên hải Miền trung; đa dạng hóa các nguồn lực để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi kể cả từ nguồn ngân sách nhà nước, vốn vay ODA, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp và tầng lớp nhân dân - Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị.