Giải pháp phát triển cây cao su ở miền núi Phú Yên

Cùng với mía và sắn, cao su được xem là cây trồng chủ lực ở vùng miền núi tỉnh Phú Yên, tập trung tại hai huyện Sông Hinh và Sơn Hòa. Từ chỗ trồng thử nghiệm 50 ha ở xã Ea Trol (Sông Hinh) và xã Sơn Long (Sơn Hòa), đến nay diện tích cao su ở Phú Yên đã đạt 3.590 ha, trong đó gần 36% diện tích đã cho mủ. Ông Nguyễn Trọng Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên cho biết: Năm 2012, năng suất mủ đạt bình quân 1 tấn/ha với sản lượng 1.284 tấn, tăng 14,7% so với năm 2011.


 

Vườn cao su 2 năm tuổi của hộ gia đình ở xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh, Phú Yên).

 

Tuy nhiên, theo nhiều người dân, cây cao su thường đạt năng suất từ 1,2 tấn đến 1,5 tấn/ha, tùy theo thổ nhưỡng vùng trồng; thậm chí có nơi đạt 2 tấn/ha. Do đó, trong năm 2012, nông dân đã tự bỏ vốn trồng mới 453 ha. Năm 2012, giá mủ cao su dao động 20.000 đồng/kg, tính ra thu nhập của người trồng cao su từ 24 - 30 triệu đồng/năm, cao chỉ sau cây mía.


Ở huyện miền núi Sông Hinh, diện tích cao su trồng gần 2.800 ha, trong đó khoảng 1.010 ha đã cho khai thác mủ, tăng 1,7 lần so với cách đây hơn 1 năm, tập trung nhiều ở các xã phía tây nam của huyện như: EaBar, EaLy và các thôn Vĩnh Sơn, Chứ Sai (EaTrol). Xã EaLy là địa phương trồng cao su nhiều nhất tỉnh Phú Yên với 320 ha, trung bình mỗi hộ trồng từ 1 - 10 ha; trong đó 130 ha đã cho mủ với sản lượng năm 2012 khoảng 170 tấn. Ông Bàn Nguyên Thành, dân tộc Dao, ở thôn Tân Bình (xã EaLy), cho biết: “Gia đình tôi trồng 5 ha, trong đó một nửa diện tích đã cho mủ và vừa qua thu hoạch gần 3,5 tấn”.


Với điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, nên trong đề án xây dựng nông thôn mới, tất cả các xã ở huyện Sông Hinh đều quy hoạch trồng cây cao su, dự kiến đến năm 2015 đạt ít nhất 5.000 ha. Trong chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2015, tỉnh Phú Yên quy hoạch diện tích cao su gần 13.000 ha từ đất rừng nghèo, đất nương rẫy, đất trống chưa sử dụng, trong đó 8.000 ha do hộ gia đình trồng và 5.000 ha do các doanh nghiệp đầu tư.


Để giúp người dân mở rộng diện tích, UBND tỉnh Phú Yên đã hỗ trợ đầu tư 2 mô hình giảm nghèo bền vững bằng trồng cao su tại hai xã Ea - Bia và Ea Bá (huyện Sông Hinh) với tổng kinh phí 300 triệu đồng, chủ yếu dùng hỗ trợ 100% cây giống theo định mức 600 cây/ha. Qua 2 mô hình này, 30 hộ nghèo là đồng bào dân tộc Ê đê trồng được 30 ha, đồng thời bà con được hướng dẫn kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc đến khai thác mủ.


Chủ tịch UBND xã Ea Bia Niê Blý cho biết: “Chu kỳ cây cao su đến khi khai thác mủ từ 6 - 8 năm, trong 3 năm đầu sẽ trồng xen canh cây ngắn ngày như ngô, vừng, lạc, dưa hấu… Đến kỳ khai thác, nếu tính năng suất 1,5 tấn mủ/ha thì mỗi hộ tham gia dự án thu nhập hàng năm khoảng 30 triệu đồng. Do đó, dự án trồng cây cao su theo hộ gia đình chắc chắn sẽ tạo điều kiện địa phương khai thác tiềm năng đất đai và nâng cao đời sống bà con dân tộc”.


Ông Nguyễn Phúc Thành - Chủ tịch xã EaLy cho biết: “Để phát triển cây cao su theo như đề án xây dựng nông thôn mới của xã đến năm 2015 là 500 ha, chúng tôi phải giải quyết 2 vấn đề là giúp dân có vốn đầu tư, đồng thời kiến nghị cấp trên sớm xây dựng nhà máy chế biến mủ để phục vụ nhu cầu trong vùng”.


Ông Thành khẳng định: Từ khi cây cao su có mủ đến nay, sản lượng mủ đều phải tiêu thụ ngoài tỉnh thông qua tư thương để cung cấp cho các nhà máy chế biến mủ ở hai tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai. Mặc dù có năm mủ cao su được giá, nhưng người dân vẫn thua thiệt vì bị tư thương ép giá do chưa xây dựng nhà máy chế biến. Cụ thể, năm 2012, giá mủ cao su tại EaLy là 20.000 đồng/kg. So với năm 2011 có cao hơn 9.500 đồng/kg, nhưng vẫn thấp hơn giá tại Đắk Lắk là 5.000 đồng/kg. Với năng suất mủ đạt từ 1,2 tấn đến 1,5 tấn/ha thì tính ra mỗi ha, người trồng cao su ở Phú Yên bị giảm thu nhập từ 6 đến 7,5 triệu đồng.


Trong khi đó, từ năm 2007, UBND tỉnh Phú Yên lần lượt giao đất cho 2 đơn vị là Công ty cổ phần VRG Phú Yên thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam và Viện Nghiên cứu cây cao su Việt Nam trồng tập trung 5.000 ha và xây dựng 3 nhà máy chế biến mủ công suất 13.500 tấn/năm. Tuy nhiên, đến thời điểm này hai doanh nghiệp trên chỉ trồng vài trăm ha, đồng thời cũng chưa xây dựng nhà máy chế biến mủ nào.


Ông Trần Thanh Định - Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh thừa nhận bất cập trên. Vì ngay trên địa bàn huyện đã được UBND tỉnh giao hơn 488 ha đất cho Viện Nghiên cứu cây cao su Việt Nam thực hiện đề án Trạm thực nghiệm cao su và vườn cao su chất lượng cao; trong đó có dự án nhà máy chế biến mủ công suất 1.000 tấn/năm dự kiến phải xây dựng vào năm 2010, nhưng đến nay vẫn còn nằm trên giấy.


Có thể nói, cao su là cây công nghiệp sẽ góp phần thay đổi diện mạo nông thôn và tăng thu nhập cho người dân vùng miền núi Phú Yên. Tuy nhiên, sự thiếu đồng bộ trong việc xây dựng nhà máy chế biến mủ sẽ gây khó khăn để phát triển cây cao su trở thành một trong những cây trồng chủ lực ở Phú Yên.

 

Bài và ảnh: Thế Lập

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN