Đồng bào Cor làm trống đất cầu mưa

Người Cor là một trong những dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Nam. Cũng như nhiều dân tộc khác, người Cor có phong tục văn hóa tín ngưỡng rất phong phú; trong đó độc đáo nhất là nghi lễ làm trống đất cầu mưa, khi thời tiết khô hạn kéo dài.

Ba già làng uy tín đại diện cho thôn bản đang làm lễ cầu mưa.


Với người Cor, việc đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất có ý nghĩa rất quan trọng. Người Cor theo tín ngưỡng đa thần, năm nào trời hạn hán, đồng bào lại tổ chức nghi lễ làm trống đất cầu mưa. Trước khi tiến hành nghi lễ, các thôn bản sẽ họp bàn và nhờ những già làng có uy tín tìm những thế đất rộng, bằng phẳng để chọn làm nơi tổ chức nghi lễ và đi tìm, lựa chọn những chiếc mo cau già, to bản đem phơi khô để làm mặt trống.

Những chiếc mo cau già, to bản được các già làng chọn lựa kỹ trước khi dùng làm mặt trống.


Trên thế đất đã được chọn, người Cor sẽ đào năm chiếc lỗ ngang nhau, mỗi lỗ có chu vi khoảng 20 cm và sâu 25 cm. Sau đó, mỗi lỗ sẽ được úp kín lại bằng những chiếc mo cau và ghì chặt vào đất tạo thành trống đất. Một sợi dây rừng kéo dài phía trên các mặt trống đất và từ sợi dây này xuống tới mỗi mặt trống có một thanh gỗ nhỏ. Một chiếc trống đất phải bảo đảm âm thanh kêu to và rõ khi gõ vào sợi dây ngang trên các mặt trống.

Những chiếc trống đất được đào có chu vi khoảng 20 cm, sâu 25 cm.


Già làng Đỗ Văn Bình cho biết: Nghi lễ làm trống đất cầu mưa có từ rất lâu đời trong văn hóa của người Cor. Năm chiếc trống đất là đại diện cho 5 vị thần gồm thần Trời, thần Mây, thần Mưa, thần Đất và thần Người.

Một sợi dây rừng kéo dài phía trên các mặt trống đất và từ sợi dây này xuống tới mỗi mặt trống có một thanh gỗ nhỏ.


Lễ cúng được tổ chức vào giữa trưa. Lễ vật cúng cầu mưa của người Cor rất đơn giản gồm trầu cau, rượu, gạo và một con gà luộc. Năm vị già làng uy tín nhất mặc trang phục truyền thống sẽ đại diện cho thôn bản đứng ra làm lễ, trong đó một già làng khấn chính.

Mo cau được ghim chặt vào đất tạo thành mặt trống.


Già làng Đỗ Thái, 79 tuổi là người khấn chính năm nay cho biết: Nội dung lời khấn phải thể hiện sự cầu mong tha thiết để gửi tới các vị thần. Lời khấn bằng tiếng Cor, có đoạn: “Hỡi ông thần Trời kêu ông thần Mây để ông thần Mưa cứu loài người trên trần gian này đang khát đói. Bây giờ các loài cây cối đang chết rụng và sông suối đang cạn khô, động vật đang chết dần. Thần Đất cùng với thần Trời hãy kêu gọi thần Mây, thần Mưa hãy mau đổ nước xuống cho loài người và động vật trên thế gian được sống”.

Lễ vật cúng cầu mưa.


Sau mỗi câu khấn cầu mưa xuống, già làng sẽ gõ trống đất; đối với các trống đất đại diện cho bốn vị thần Trời, Mây, Mưa, Đất thì gõ 7 tiếng; riêng thần Người phải gõ 9 tiếng.

Đối với người Cor, nghi lễ làm trống đất cầu mưa rất linh thiêng và người dân nơi đây tin rằng những tiếng trống đất sẽ mang những lời cầu nguyện của dân làng đến các vị thần linh để sớm ban mưa cho mọi vật được sinh sôi, xanh tốt.

Ông Huỳnh Tấn Bường, Bí thư Đảng ủy xã Trà Kót (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) cho biết: Trà Kót là một trong số ít nơi mà người Cor sinh sống còn lưu giữ được nghi lễ truyền thống làm trống đất cầu mưa. Qua nghi lễ này, những thế hệ thanh niên người Cor có cơ hội hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa của dân tộc mình để bảo tồn và truyền lại cho những thế hệ mai sau.


Bài và ảnh: Đỗ Trưởng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN