Đời sống đồng bào Mảng đổi thay khi có Đảng

Gần 13 năm nhận nhiệm vụ tăng cường tham gia cấp ủy xã Nậm Ban, để củng cố và nâng cao chất lượng tổ chức Đảng ở cơ sở, Trung tá Phạm Minh Hải đã “xem đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào dân tộc là anh em ruột thịt”.

Chú thích ảnh
Bí thư Đảng ủy xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn Phạm Minh Hải (đầu tiên từ trái sang) xuống trực tiếp họp cùng Chi bộ bản Nậm Ô. Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN

Cuối giờ chiều, đồng chí Phạm Minh Hải, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Ban rời trụ sở làm việc đi bộ về phía tổ công tác biên phòng. Trên chiếc cầu treo Nậm Ô, gặp dân bản anh tay bắt mặt mừng thăm hỏi ân cần. Gần 13 năm nhận nhiệm vụ tăng cường tham gia cấp ủy xã Nậm Ban, để củng cố và nâng cao chất lượng tổ chức Đảng ở cơ sở, Trung tá Hải đã “xem đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào dân tộc là anh em ruột thịt”.

Xóa bản trắng đảng viên và chi bộ

Dân tộc Mảng là một trong những dân tộc thiểu số đặc biệt ít người đang được bảo tồn cấp Nhà nước. Hiện người Mảng sinh sống chủ yếu tại Lai Châu và xã Nậm Ban (huyện Nậm Nhùn) được coi là “thủ phủ” của đồng bào Mảng. Trước kia, người Mảng sống trong các hang đá và phụ thuộc vào thiên nhiên, không có quần áo mặc, đói rét. Đầu những năm 2000, người Mảng đã về ở tập trung tại những nơi thuận lợi, nhưng tập quán sinh hoạt, sản xuất lạc hậu, hủ tục tồn tại dai dẳng nên cuộc sống vẫn nghèo đói.

Trung tá Phạm Minh Hải nhớ lại những ngày khó khăn khi anh nhận công tác vừa là tổ trưởng tổ công tác biên phòng đồng thời là Phó Bí thư Đảng ủy xã vào năm 2007 và từ năm 2013 đến nay là Bí thư Đảng ủy xã Nậm Ban. Cả xã chỉ có 23 đảng viên và một chi bộ trực thuộc Đảng bộ huyện, nhiều bản còn trắng đảng viên, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 80%. Hoạt động của tổ chức Đảng và chính quyền còn yếu, chưa quy củ.

Điều này khiến cho nhiều chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước chưa thực sự đi vào đời sống. Nhiều chương trình hỗ trợ cho người Mảng đã triển khai nhưng cũng chỉ như “muối bỏ bể”, người dân nghèo vẫn hoàn nghèo. Nhiều cán bộ chủ chốt của xã là người dân tộc Mảng do thường xuyên uống rượu, bỏ bê công việc đã xin nghỉ việc. Nhiều vị trí chủ chốt của xã cũng thiếu, không có nguồn để bổ nhiệm.

Bắt tay vào việc, Trung tá Hải tham mưu cho cấp ủy tập trung củng cố hệ thống chính trị, phát triển đảng viên, thành lập chi bộ, xây dựng kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng cán bộ theo phương châm vừa học vừa làm… Anh đề xuất đưa một số cán bộ, giáo viên sang giữ chức danh của Đảng và chính quyền ở xã; tổ chức thi tuyển công chức, viên chức để góp phần nâng cao chất lượng cán bộ.

“So với 5 năm về trước, hiện nay đội ngũ cán bộ cơ sở đã được đào tạo cơ bản chuẩn; cơ sở chính trị được kiện toàn, bộ máy hoạt động nề nếp. Xã Nậm Ban mấy năm qua luôn hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao”, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Nậm Ban chia sẻ.

Hiện nay, các bản đã có đảng viên và thành lập được chi bộ, toàn xã có 71 đảng viên. Khi đã có chi bộ ở các bản dân tộc Mảng, việc tập hợp quần chúng, triển khai nhiệm vụ của cấp trên đến bà con đạt được hiệu quả cao hơn. Nhận thức của đảng viên, người dân, hội viên các đoàn thể cũng dần được nâng cao.

Chính sách đầu tư, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước cho đồng bào dân tộc Mảng được triển khai hiệu quả, các cuộc vận động phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật thực sự đi vào cuộc sống đến từng người, từng nhà của đồng bào Mảng.

Giúp người dân thoát nghèo

Chú thích ảnh
Bản Nậm Ô của người Mảng. Ảnh: Lê Phú/Báo Tin tức

Khi mới nhận nhiệm vụ tham gia cấp ủy xã Nậm Ban, Trung tá Phạm Minh Hải xác định việc quan trọng là phải lồng ghép các chương trình, dự án để xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế, giúp bà con xóa đói giảm nghèo. Khi Nhà nước cấp phát mái tôn lợp nhà, Trung tá Hải huy động tổ công tác Biên phòng, cùng giáo viên và chính quyền giúp vận chuyển vào tận nơi, không để người dân đổi rượu uống tại chỗ.

Bà con không có đủ nhân lực để khai hoang ruộng, Trung tá Hải đi từng doanh nghiệp vận động đưa máy móc vào giúp. Cây trồng nào cho giá trị kinh tế cao, phù hợp với đất và khí hậu, Trung tá Hải lên xin cấp trên hỗ trợ giống để bà con làm… nay, người dân đã biết cải tạo đất vườn để trồng rau, đào ao nuôi cá, chăn nuôi lợn, gà, dê, trâu, bò…

Đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao. Con em đi học được Nhà nước nuôi ăn ở nên số lượng học sinh người Mảng tăng dần qua hàng năm. Phụ huynh ký cam kết cho con đi học chuyên cần, chất lượng giáo dục ngày một nâng lên.

Bí thư Phạm Minh Hải phấn khởi cho biết: Dân tộc Mảng đã “sáng” dần lên rồi. Người dân đã ổn canh ổn cư, có ý thức vươn lên làm kinh tế, loại bỏ dần các hủ tục. Cuối nhiệm kỳ 2010 - 2015, thu nhập bình quân đầu người của đồng bào Mảng chỉ đạt hơn 3 triệu đồng/người/năm, nay tăng lên 16 triệu đồng/người.

Cả xã có 394 hộ thì chỉ còn lại khoảng 50% hộ nghèo. Từng khoảnh rừng xanh tốt, phía dưới tán là trồngquả, cây sa nhân tím và cây sơn tra cho giá trị kinh tế cao. Thời gian tới, xã Nậm Ban sẽ xây dựng mô hình chăn nuôi gia súc tập trung để người Mảng học và làm theo.

“Hiện nay, điều tôi trăn trở là hệ thống trường, lớp trên địa bàn còn tạm bợ, ảnh hưởng đến việc dạy và học của thầy cô, học trò. Tôi mong chính quyền các cấp sớm đầu tư xây trường mới kiên cố cho các cấp học, để có điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó Nậm Ban”, Trung tá Phạm Minh Hải tâm sự trước khi chia tay chúng tôi.

Tiến Minh
Lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông năm 2020
Lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông năm 2020

Ngày 4/1, hai xã Hang Kia và Pà Cò (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) phối hợp tổ chức khai mạc Lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông năm 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN