Điện lưới, bước đệm thoát nghèo ở Huổi Pết

Nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, thời điểm cuối năm này, bà con nhân dân Huổi Pết, xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu đã được sử dụng điện lưới quốc gia, chấm dứt hơn 40 năm không điện. Điện về, bà con có thêm điều kiện để phát triển kinh tế, tăng cường sản xuất, có thêm động lực xóa đói giảm nghèo.

Huổi Pết là bản cuối cùng của xã Nậm Hàng, chưa có điện lưới quốc gia, với hơn 70 hộ, 100% là người dân tộc Mông. Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây hoàn toàn phụ thuộc vào trồng lúa và các loại cây màu khác. Ông Vàng A Dính, trưởng bản Huổi Pết cho biết: “Bà con về đây sinh sống và lập bản từ những năm 1971. Từ trước đến nay, các hộ trong bản chỉ được dùng điện chạy sức nước nên lúc có, lúc không. Cả bản cũng có 4 - 5 cái tivi, nhưng chỉ khi suối có nước mới có điện để xem, còn mùa khô thì cất đi vì không dùng được”.

Có điện, đồng bào được tiếp cận nhiều hơn với văn hóa mới.



Quả thực, chỉ khi mùa mưa đến, con suối gần bản đầy nước, bà con dân bản mới có điện để sử dụng. Suối cạn nước, cả bản chỉ còn những ánh sáng lập lòe, yếu ớt của đèn dầu, của lửa bếp. Trung tuần tháng 12/2014, Điện lực Lai Châu tiến hành đóng điện Trạm biến áp Huổi Pết để cấp điện sinh hoạt cho bà con. Công trình điện lưới này nằm trong dự án “Phát triển năng lượng tái tạo và mở rộng cải tạo lưới điện cho các xã vùng sâu, vùng xa tỉnh Lai Châu giai đoạn 2”. Các hộ gia đình được lắp đặt công tơ, hệ thống điện trong nhà và một bóng đèn tiết kiệm điện miễn phí.

Ở Huổi Pết, người nào cũng nhớ như in không khí trong lễ đóng điện Trạm biến áp Huổi Pết. Khi đó, nhà nào cũng mừng vui, bởi ước mong có điện lưới đã thành hiện thực. Điện về, bà con được tiếp cận với kiến thức, khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất thông qua các phương tiện thông tin hiện đại. Không giấu được niềm vui, chị Mùa Thị Sý, cho biết: “Có điện lưới, mình có thể làm thêm được nhiều việc vào ban đêm, bọn trẻ có thêm ánh sáng để học bài. Trước đây, dùng điện chạy bằng sức nước, nên chỉ đủ thắp sáng 1 bóng điện. Từ giờ có điện lưới, gia đình và bà con trong bản sẽ để dành tiền mua tivi, máy xay, máy xát, đồ dùng bằng điện để phục vụ sinh hoạt và phát triển kinh tế gia đình”.

Công nhân lắp điện cho hộ dân trong bản.



Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Nậm Hàng, cho biết: Có điện lưới sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế của xã nhà, các cơ sở hạ tầng của bản được đầu tư mang lại đời sống tinh thần cũng như vật chất cho bà con, góp phần hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Hiện tỷ lệ hộ nghèo ở Huổi Pết chỉ còn 17,1% và có điện chắc chắn con số này sẽ giảm đi nhiều. Xã sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ các nhà thầu sớm hoàn thành các công trình điện tiếp theo.

Theo thống kê của Điện lực huyện Nậm Nhùn, toàn huyện hiện có 8/11 xã có điện với tỷ lệ khoảng 50% số hộ được dùng điện. Thời gian tới, 3 xã với 15 bản còn lại của Nậm Nhùn sẽ được đầu tư xây dựng các trạm biến áp đưa điện lưới quốc gia về phục vụ bà con.

Những chiếc đèn dầu đã được cất gọn vào góc nhà, hình ảnh những chiếc máy phát điện giờ chỉ tồn tại trong câu chuyện kể của bà con bản Huổi Pết. Dưới ánh điện lưới quốc gia, đời sống của bà con nơi đây hứa hẹn có thêm nhiều niềm vui.

Bài và ảnh: Quang Duy


Điện lưới quốc gia đến với đồng bào Khmer
Điện lưới quốc gia đến với đồng bào Khmer

Chủ trương cấp điện cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của các địa phương, đảm bảo an sinh xã hội và thu hẹp bớt khoảng cách giữa nông thôn-thành thị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN