Đa dạng ngành nghề để xóa đói, giảm nghèo ở Vầy Nưa

Từ thị trấn huyện lỵ, đi ô tô gần 1 giờ đồng hồ trên con đường núi uốn lượn ven sông Đà - chúng tôi đến xã Vầy Nưa, một xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) của huyện vùng cao Đà Bắc (Hòa Bình).

Nuôi cá lồng - hướng phát triển kinh tế ở Vầy Nưa.


Quang cảnh nơi đây đã đổi thay đến ngỡ ngàng. Thay cho những căn nhà xiêu vẹo, dột nát trước đây, toàn bộ trường học, trạm xá, trụ sở UBND xã được xây mới vững chãi, khang trang bằng nguồn vốn của Chương trình 135, Dự án 472…

Vầy Nưa đặc biệt gian khó bởi địa hình núi cao, muốn có mặt bằng xây nhà phải xẻ đồi, bạt núi. Hàng chục năm trời cuộc sống của người vùng hồ thủy điện Hòa Bình quẩn quanh trong đói nghèo và thất học. Nhờ có dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà (Dự án 472) được triển khai, đồng thời tỉnh lại lồng ghép chương trình hỗ trợ các xã ĐBKK (Chương trình 135 CP), những năm gần đây Vầy Nưa đã thay da đổi thịt.

Chủ tịch UBND xã Đinh Văn Hùng cho biết: Diện tích đất canh tác toàn xã có 868,7 ha, trong đó lúa nước 42 ha, lúa cạn 92 ha, ngô 433,2 ha, sắn 210 ha. Con số ấy là không ít, vậy mà trước đây trong xã hàng năm vẫn còn 25 – 30% hộ thiếu ăn 3 - 4 tháng. Số hộ nghèo theo tiêu chí mới trên 70% trong tổng số 582 hộ. Để xóa đói giảm nghèo (XĐGN) cho dân, Đảng bộ Vầy Nưa đề ra Nghị quyết: Khai thác tiềm năng thế mạnh, sử dụng hiệu quả các chương trình, dự án để XĐGN. Về lương thực, Vầy Nưa đã quy hoạch ổn định đất canh tác cho hai loại cây chủ lực là lúa, ngô. Từ đó thực hiện các biện pháp thâm canh, cải tạo đất, đưa 100% giống lúa, ngô lai vào sản xuất thay cho giống cũ.

Giống mới phải gắn với cách làm mới. Chính quyền xã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông khuyến lâm huyện mở lớp chuyển giao KHKT về thâm canh lúa, ngô; kỹ thuật thâm canh trên đất dốc, xóa bỏ tập quán sản xuất quảng canh, chọc lỗ bỏ hạt. Về chăn nuôi, người dân xã Vầy Nưa đã phát triển chăn nuôi trâu, bò theo hướng hàng hóa, bình quân hàng năm đàn trâu, bò trong xã luôn ở con số 1.200 -1.500 con. Bản Trà Ang có 37 hộ nhưng đàn trâu, bò có gần 300 con.

Đảng bộ Vầy Nưa xác định lấy nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản là mũi nhọn XĐGN. Nếu như năm 2000, trong xã có trên 30 hộ nuôi cá lồng, 120 hộ làm nghề đánh bắt cá tôm, thì năm 2011, toàn xã đã có trên 200 lồng cá, cho sản lượng hàng trăm tấn cá. Ở Vầy Nưa, một số hộ đã xây được nhà hai tầng mái bằng nhờ nuôi cá lồng. Đưa chúng tôi ra xem lồng cá trắm, anh Sa Văn Yết khẳng định: Nuôi cá lồng chi phí ít vì hộ nào cũng có luồng, bương, thức ăn có cỏ, bột sắn, ngô dân tự sản xuất được. Chủ hộ chỉ phải bỏ vốn mua dây thép, đinh và con giống. Nếu một hộ nuôi 2 – 3 lồng, một năm thu không dưới 40 triệu đồng. Nhiều hộ ở xóm Nưa còn nuôi lợn, gà trên lồng cá, tăng thu nhập gia đình. Anh Yết cho hay: Người dân trong xã mong ngành thủy sản tỉnh chuyển giao kỹ thuật nuôi cá lồng, biện pháp phòng bệnh cho cá. Vì thực tế cho thấy, nuôi cá lồng hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của dân vùng hồ nhưng lại có nhiều rủi ro do bệnh dịch, nhất là mùa mưa lũ.

Cùng với con cá, con tôm, con trâu, bò, Vầy Nưa còn có nguồn thu khá cao, ổn định là cây luồng. Với 567 ha luồng, hàng năm cho thu 160 - 200 tấn măng, 150.000 - 200.000 cây luồng, trị giá trên 1,2 -1,5 tỷ đồng. Đáng chú ý là dịch vụ vận tải đường thủy phát triển khá nhanh do nhu cầu làm thủy điện Sơn La và khách tham quan du lịch đền Bờ, người dân Vầy Nưa đã đầu tư đóng mới 11 chiếc thuyền có trải trọng từ 30 tấn trở lên.
Đa dạng ngành nghề là biện pháp khai thác tiềm năng thế mạnh hiệu quả nhất. Đây là hướng đi đúng mở ra cho Vầy Nưa cũng như các xã vùng lòng hồ một con đường xóa đói giảm nghèo bền vững. Dự kiến năm 2011, Vầy Nưa đạt bình quân lương thực đầu người 750 kg, giảm hộ nghèo xuống còn 25%.

Nhan Sinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN