Còn nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở miền núi

Xây dựng được những giá trị mới, tạo ra diện mạo nông thôn hiện đại cả về kinh tế, văn hóa, tổ chức của cộng đồng nhưng đồng thời vẫn gìn giữ được những nét văn hóa đặc trưng... là mục tiêu hướng đến của đề án xây dựng nông thôn mới hiện nay. Tuy nhiên, từ mục tiêu đến thực tiễn sẽ khó tránh khỏi những khó khăn không dễ vượt qua, nhất là tại khu vực miền núi, nơi tập trung các xã khó khăn và đặc biệt khó khăn.

 

Đầu tư của Nhà nước là chỗ dựa


Hàng loạt các dự án của Nhà nước được triển khai trên địa bàn các huyện miền núi, gần nhất có Chương trình 30a, xa hơn có Chương trình 134, 135, Chương trình quốc gia về nước sạch vệ sinh môi trường, kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ giáo viên... thực sự là cứu cánh, là chỗ dựa của người dân miền núi trong quá trình tạo dựng một diện mạo nông thôn mới. Nói cụ thể hơn, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở miền núi đang có được những trợ lực lớn mà không phải nơi nào, vùng nào cũng có được. Vấn đề còn lại là các địa phương sẽ nắm bắt và sử dụng những điều kiện thuận lợi ấy như thế nào để phát huy được hiệu quả.


 

Đồng bào các dân tộc đóng góp ngày công lao động làm đường giao thông nông thôn.

Xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) dù chưa xây dựng hoàn chỉnh bộ đề án XDNTM, song theo đánh giá của lãnh đạo địa phương, xã đã đạt được 7/19 tiêu chí (TC) nông thôn mới. Các TC đạt được đa số thuộc các lĩnh vực có sự đầu tư của Nhà nước nhiều năm qua, gồm: Thủy lợi (TC3), điện (TC4), hình thức tổ chức sản xuất (TC13), giáo dục (TC14), y tế (TC15), hệ thống chính trị - xã hội vững mạnh (TC18) và an ninh chính trị xã hội (TC19).


Sự đầu tư của Nhà nước một mặt tạo ra những thuận lợi lớn, mặt khác cũng “đẻ” ra những “mặt trái” mà khi triển khai XDNTM thì càng có dịp bộc lộ. Đó là sự trông chờ, ỷ lại của người dân và chính quyền một số cơ sở. “Điều này xuất phát từ nhận thức, mức độ hiểu biết của cán bộ xã và người dân về mục đích, ý nghĩa của đề án. Nhiều nơi, nhiều người cho rằng cứ có đề án, lập xong quy hoạch là có tiền của Nhà nước “rót” về. Lâu nay vẫn thế và bây giờ cũng thế...” - đó là chia sẻ của ông Trần Tiến Châu, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thường Xuân (Thanh Hóa), khi phân tích những thuận lợi và khó khăn của huyện trong quá trình triển khai thực hiện XDNTM trên địa bàn. Cùng chung quan điểm này, ông Hà Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Thủy, cho rằng: “Lâu nay, người dân vẫn quen chờ sự đầu tư của Nhà nước, có những việc có thể huy động sức dân nhưng sự ỷ lại đã tạo ra sức ỳ khiến họ ít tự thân vận động...”.

 

Nguồn vốn là bài toán khó


Một trong những yêu cầu đầu tiên khi XDNTM là “người dân phải bàn và tham gia ngay từ đầu. Đây là khâu hết sức quan trọng, có tính chất lâu dài”. Song, với trình độ dân trí và khả năng hiểu biết về quy hoạch tổng thể của người dân, muốn họ “tham gia ngay từ đầu” quả không đơn giản. Đây là ý kiến của lãnh đạo xã Ngọc Phụng (Thanh Hóa) về vấn đề “dân biết, dân bàn” ở địa phương: Đề án xã phải thuê Đoàn quy hoạch, khảo sát và thiết kế nông - lâm nghiệp Thanh Hóa thực hiện, sau đó mới tổ chức họp dân để “trưng cầu ý kiến”. Song ý kiến góp ý, sửa chữa, bổ sung của người dân là không nhiều, cho nên đóng góp của họ trong việc hoàn thiện đề án rất hạn chế. Từ việc “tham gia ngay từ đầu” đã không mấy khả quan ấy, nên việc “người dân quyết định cái gì làm trước, cái gì làm sau, phù hợp với nguồn lực của chính họ, phù hợp nguồn lực của địa phương” lại càng “bất khả kháng”! “Vấn đề ở đây là làm thế nào để tuyên truyền cho người dân hiểu được, thấy được họ làm cho chính mình, nông dân là chủ thể và Nhà nước, nhân dân cùng làm. Ví dụ đơn giản nhất như vận động người dân tự giác chỉnh trang nhà cửa theo quy hoạch chung của xã, đóng góp cho làng xã từ chính ngôi nhà của họ cũng không phải cứ qua loa là được”, đại diện lãnh đạo xã Ngọc Phụng cho biết.


Tại Lào Cai, khi triển khai xây dựng điểm nông thôn mới, cái khó lớn nhất mà xã Lùng Khâu Nhin (Mường Khương, Lào Cai) vấp phải chính là vốn xây dựng cơ sở vật chất và phần vốn đối ứng của người dân. Việc huy động nguồn lực đóng góp từ dân gặp không ít khó khăn do thu nhập bình quân của người nông dân thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao và số hộ thuộc diện chính sách khác trong xã cũng tương đối nhiều. Và thiếu vốn chắc chắn không phải là vấn đề của riêng Lùng Khâu Nhin mà sẽ là “chuyện kể chung” của hầu hết các xã thuộc 62 huyện nghèo của cả nước. Bàn thêm về phần đối ứng của người dân, theo ông Giàng Mạnh Nhà, Bí thư Huyện ủy Mường Khương, thì: “Rất khó để người dân đóng góp bằng tiền, nhưng nếu góp bằng ngày công, vật liệu xây dựng hay thậm chí là hiến đất họ sẽ sẵn sàng nếu xét thấy điều đó là cần thiết, hợp lý”.

 

Thực ra, bài toán về vốn cho XDNTM đã có lời giải từ trong đề án. Vốn sẽ được huy động từ các nguồn, gồm: Ngân sách nhà nước, ngân hàng cho nông dân vay phát triển sản xuất, doanh nghiệp đầu tư và đối ứng của người dân. Phần của Nhà nước và ngân hàng có lẽ không cần bàn đến, nhưng khả năng kêu gọi nhà đầu tư vào nông thôn hiện nay là vấn đề không đơn giản. Điều này liên quan đến nhiều yếu tố: Do cơ sở vật chất nông thôn yếu kém, thiếu thốn; lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp và nhất là lối sản xuất nhỏ lẻ, tự cung tự cấp vẫn còn khá phổ biến hiện nay tại vùng đồng bào dân tộc và miền núi chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư. Bởi đơn cử một chương trình lớn như 30a, hiện các doanh nghiệp vẫn mới dừng lại ở việc hỗ trợ các huyện nghèo chứ chưa thực sự là tìm kiếm cơ hội đầu tư.


Bài và ảnh: Minh Phúc

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN