Chọi dê ở Hoàng Su Phì

Sau khi tìm cách hóa giải thành công cú móc sừng đầy hiểm hóc của dê trắng, chú sơn dương đen lùi về phía sau vài mét lấy đà rồi tung hai chân trước lên cao, dồn hết sức lao vào đối thủ, hai cặp sừng sắc nhọn liên tiếp đập vào nhau tạo nên những âm thanh chát chúa...

 

Trận chung kết bất phân thắng bại giữa hai “võ sĩ râu dài” với nhiều pha đánh đẹp mắt đã tạo nên không khí rộn ràng trong tiếng vỗ tay cổ vũ không ngớt của hàng nghìn khán giả.


Dê núi lột xác


Vào những ngày đầu tháng Hai âm lịch hàng năm, đồng bào các dân tộc nơi miền di sản Hoàng Su Phì (Hà Giang) lại tạm gác công việc nương rẫy, tưng bừng mở hội chọi dê.

 

Hai “võ sĩ râu dài” mải mê thể hiện sức mạnh của mình dưới sự “chỉ đạo” của các huấn luyện viên.

 

Hai “võ sĩ râu dài” quyết chiến trên sàn đấu.

 

Trong sới chọi gọn gàng được bao quanh bởi một hàng rào đơn giản, các chú dê dường như đã “lột xác”, với những cặp mắt nhanh nhẹn, sắc nhọn, những thế võ điêu luyện và đẹp mắt như hổ lao, khóa sừng, bật cao dồn sức mạnh… Tất cả nhằm áp đảo đối phương để ghi điểm giành chiến thắng. Dưới sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả, từng cặp dê núi mải mê thể hiện sức mạnh của mình qua sự “chỉ đạo” của các huấn luyện viên. Những câu lệnh như: lùi lại, nhẩy lên, lao vào, đánh… được các chủ dê liên tục hô lên trong suốt trận đấu. Sự thông minh bất ngờ của các chú dê đã khiến nhiều người lần đầu tiên chứng kiến không khỏi ngạc nhiên và phấn khích.

 

Cuộc chiến bất phân thắng bại giữa hai võ sĩ dê.


Không giống như chọi trâu, chọi ngựa, chọi bò,… chọi dê chứa đựng nhiều nét độc đáo riêng. Dê thi đấu theo… hứng thú và rất lịch sự. Những chú dê nhỏ bé tưởng chừng như yếu ớt nhưng khi lâm trận lại rất dũng mãnh và gan dạ. Nếu “nổi hứng”, các “ võ sĩ râu dài” có thể chiến đấu với nhau đến nửa ngày mà vẫn bất phân thắng bại, kẻ yếu thế dù có bị dính nhiều đòn nhưng nhất quyết không bỏ chạy. Nhưng khi đã không thích thì dù đang chủ động tấn công và giành lợi thế hoàn toàn như đã có thể dừng lại, quay đầu ra sau với thái độ rất thờ ơ. Đối phương đuổi theo ra đòn nhưng không thấy được “nghênh chiến” thì cũng chẳng muốn truy cản đến cùng. Cuộc chiến kết thúc trong những tiếng suýt xoa đầy luyến tiếc của khán giả.

 

Một cú tung mình lên cao chuẩn bị tấn công đối thủ.

 

 

Trong cuộc chiến, những pha khóa sừng hiểm hóc luôn dễ dàng gạ gục đối phương.

 


Theo những chủ dê có nhiều kinh nghiệm, muốn “đào tạo” ra được một “võ sĩ dê” thực sự, có khả năng tung ra nhưng thế võ quyết định có thể hạ gục đối phương và giành chiến thắng thì ngoài việc phải tách đàn và cho ăn theo chế độ riêng còn phải có lịch tập bài bản và chi tiết. Thông thường, dê chọi phải có tuổi đời từ 1 năm trở lên mới đủ “chín chắn” và thông minh để tham gia huấn luyện. Trước ngày thi đấu hai tháng, người nuôi thường cho dê chạy bền để rèn luyện sự dẻo. Việc tập cho dê đánh nhau cũng là một trong nhiều cách để tích lũy kinh nghiệm trước khi lên sàn đấu.

Duy trì chất lượng đàn dê


Đối với đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang nói chung và huyện Hoàng Su Phì nói riêng, chăn nuôi dê là một trong những thế mạnh nhằm xóa đói giảm nghèo, nhiều mô hình chăn thả dê tại các huyện vùng cao đã đem lại hiệu quả kinh tế cao giúp người nông dân vươn lên ổn định cuộc sống.

 

Khi hai võ sĩ quá hăng máu không chịu buông nhau, trọng tài buộc phải lao vào can thiệp.

 


Ông Lù Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì, Trưởng Ban tổ chức giải cho biết: Chọi dê là thú chơi đã có từ rất lâu đời nhưng để tổ chức thành một giải đấu có quy mô thì mới được vài năm. Việc tổ chức giải chọi dê có ý nghĩa rất lớn, không chỉ khuyến khích bà con mở rộng chăn nuôi và duy trì chất lượng đàn dê trong huyện mà còn là một sân chơi bổ ích, tạo nên tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

 

Bài và ảnh:Đỗ Bình

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN