Chi trả bảo hiểm xã hội qua mạng lưới bưu điện: Đồng bào dân tộc được hưởng dịch vụ tốt hơn

Nhằm từng bước hoàn thiện mô hình quản lý và chi trả bảo hiểm xã hội (BHXH) hiện đại, chuyên nghiệp hóa, BHXH Việt Nam và Tổng công ty bưu chính Việt Nam (BCVN) đã triển khai thí điểm công tác quản lý người hưởng và chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua bưu điện tại 12 tỉnh, thành.

 

Phát huy ưu thế thuận tiện


Chúng tôi về huyện Ba Bể (tỉnh miền núi Bắc Kạn) đúng dịp cán bộ hệ thống bưu điện huyện đang tỏa đi các điểm chi trả tiền lương hưu và trợ cấp BHXH. “Cứ ấn định ngày mùng 7, mùng 8 hàng tháng, bất kể đó là ngày nghỉ chúng tôi đều thực hiện chi trả vì chúng tôi biết các bác về hưu mong ngày này lắm”, ông Hoàng Văn Nghị, Giám đốc Bưu điện huyện Ba Bể, cho biết.


 

Ông Dương Văn Lầu (ngồi bên phải) lĩnh tiền lương hưu do nhân viên Bưu điện huyện Ba Bể chi trả.

Tại điểm chi trả BHXH tại xã Khang Ninh (huyện Ba Bể), mới 7 giờ sáng, khi màn sương sáng miền núi chưa tan hết, các bác về hưu đã tập trung tại điểm phát lương, ngồi uống trà, trò chuyện và đợi đến lượt lĩnh tiền. Bác Dương Văn Lầu, dân tộc Tày, 73 tuổi, giáo viên nghỉ hưu cho biết: “Trước kia lĩnh lương hưu tôi phải lên tận trung tâm huyện xếp hàng. Sau đó, khi thành lập tổ hưu trí ở xã, cán bộ bảo hiểm về phối hợp với xã phát trong ngày. Hơn 1 năm trở lại đây, chúng tôi nhận lương hưu qua cán bộ bưu điện, họ quy định đúng sáng mùng 8 hàng tháng là phát. Cách thức rất nhanh gọn, chính xác và thuận tiện, chỉ 2 tiếng là phát xong, nếu ai chưa lĩnh được hôm đó thì hôm sau có thể ra bưu điện lĩnh”.


Bà Hứa Thị Hà, bản Vày, xã Khang Ninh, lần đầu tiên cầm giấy ủy quyền lĩnh tiền thay cho chồng bị ốm, còn chưa biết các thủ tục ra sao, đã được nhân viên bưu điện văn hóa xã tận tình hướng dẫn các thủ tục lĩnh tiền theo quy định. Bà Hà cho biết: “Tôi làm nông, ít giao dịch với cơ quan nhà nước, nghĩ là sẽ lâu vì chưa biết thủ tục ra sao, không ngờ lại được hướng dẫn làm nhanh và thuận tiện đến vậy”.


Theo thống kê, tại xã Khang Ninh có 53 người hưởng chế độ lương hưu và trợ cấp BHXH với số tiền hơn 140 triệu đồng. Ông Hoàng Văn Nghị cho biết: “Để thuận tiện công việc, tất cả số tiền chi trả đã được chia theo từng món ứng với số tiền lương của người hưởng ghi trên danh sách, mỗi món tiền đều được kẹp cùng một tem giấy ghi thông tin và số tiền người được hưởng. Sau khi đối chiếu, làm thủ tục, việc chi trả diễn ra nhanh gọn. Huyện Ba Bể có địa hình phức tạp và chia cắt bởi hồ nên chúng tôi bố trí vài xã trên trục đường thành một tuyến và ấn định ngày giờ cụ thể. Sau đó sẽ bố trí 1 xe ô tô chở tiền chạy dọc tuyến. Cứ đến điểm phát tiền, cán bộ kiểm soát và bưu điện văn hóa xã sẽ phối hợp chia tiền cho người được hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH. Làm như vậy vừa đảm bảo an toàn vận chuyển tiền và việc chi trả diễn ra nhanh gọn”.


Ông Bế Đức Thanh, Chủ tịch UBND xã Khang Ninh thừa nhận: “Trước đây, do nhân viên BHXH huyện thực hiện nhưng nhân sự ít, nay hệ thống bưu điện thực hiện chi trả qua hệ thống dịch vụ sẵn có nên nhanh, thuận tiện, đúng ngày giờ, bà con không phải chờ đợi. Sử dụng mạng lưới sẵn có nên nhân sự bưu điện đã khắc phục những bất cập về đi lại, thời gian trước kia trong việc chi trả BHXH”.

 

Dịch vụ công sẽ chuyên nghiệp hơn


Tỉnh Bắc Kạn hiện có 8.388 người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH với số tiền hàng tháng chi trả khoảng 20 tỷ đồng. Ông Hứa Đình Thuyên, Giám đốc Bưu điện tỉnh Bắc Kạn thừa nhận: “Việc chi trả BHXH qua mạng lưới bưu điện là loại hình dịch vụ công mới. Với mạng lưới phủ kín tới tất cả các xã nên việc chi trả thuận tiện bởi chúng tôi nắm được địa bàn và đối tượng.

 

Để triển khai thí điểm, chúng tôi chú trọng tới đội ngũ nhân lực bởi khi làm dịch vụ, yếu tố con người trên hết. Ngoài công tác nghiệp vụ nhanh chóng, thuận tiện theo đúng phong cách làm dịch vụ thì thái độ ứng xử được coi trọng bởi chúng tôi luôn tâm niệm, lương hưu là đồng tiền có được sau thời gian người làm công đóng công sức xây dựng đất nước. Sau hơn 1 năm vận hành công tác chi trả, hiện hệ thống đã đi vào nề nếp. Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, nhân sự bưu điện văn hóa xã và nhất là các tổ hưu trí để nắm rõ đối tượng chi trả; kịp thời phản hồi với bên BHXH để có điều chỉnh kịp thời”.


Bà Lò Thị Hóa, Giám đốc BHXH tỉnh Bắc Kạn cũng cho rằng: “Việc chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH trên địa bàn diễn ra thuận lợi, tuy nhiên, hai bên cần phối hợp tốt hơn trong việc nắm đối tượng để chi trả đúng, kịp thời”.


Còn ông Triệu Đức Lân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cũng đánh giá đây là chương trình tốt, góp phần thực hiện tốt vấn đề an sinh xã hội. Việc minh bạch hóa dịch vụ công cần triển khai rộng hơn nữa.


Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc BCVN cho biết: Sự hợp tác chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH giữa 2 đơn vị BHXHVN và BCVN tại 12 tỉnh, thành làm thí điểm cho thấy những lợi ích như: Thay thế cho việc chi trả trước đây qua tổ chức đơn lẻ, đối tượng cá nhân bằng đơn vị làm dịch vụ chuyên nghiệp có hệ thống tổ chức từ Trung ương tới tận xã; đảm bảo an toàn luồng tiền từ vận chuyển tiền đến chi trả để người nhận tiền chi trả đủ đúng; quản lý chặt chẽ hơn đối tượng nhận tiền; bảo đảm tính minh bạch trong chi trả, độc lập. Người duyệt chi trả độc lập với người chi trả, không nhập nhằng. Bên nào làm sai thì bên đó chịu trách nhiệm. Đây là một loại hình dịch vụ công sau khi được đánh giá tại mô hình thí điểm sẽ nhân rộng ra cả nước vào năm 2013.


Bài và ảnh: Xuân Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN