"Cánh chim không mỏi" vì sức khỏe cộng đồng

Đó là cách nói mà người dân ở xã Đôn Phong vẫn thường gọi ông như thế. Ông là Cao Thịnh Vàng, sinh năm 1955 tại Bản Vén, xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn).

Ông là Cao Thịnh Vàng tận tình thăm khám cho bệnh nhân.


Gần 40 năm làm y tế xã, ông đi đến gần như mọi nhà trong xã để giúp họ chữa bệnh, giúp họ hiểu được ốm đau cần được uống thuốc, chăm sóc sức khỏe đúng cách mới nhanh khỏi bệnh; ông cũng giúp họ hiểu được không bị ốm đau nếu được tiêm phòng đầy đủ và cần phải sống cho sạch sẽ, mới ít bệnh tật.

Ông Cao Thịnh Vàng tâm sự: "Năm 1974, tôi tốt nghiệp cấp III, có 2 giấy gọi đi học chuyên nghiệp là Trường Đoàn Việt Bắc và Y tế Bắc Thái. Lúc bấy giờ nhiều bạn bè khuyên nên đi học trường Đoàn, nhưng mẹ tôi đã khuyên tôi đi học trường y để sau này về giúp người dân quê mình chữa bệnh. Và cũng chính bà đã nâng đỡ cho ước mơ giúp người nghèo chữa bệnh của tôi được thuận lợi.

"Khi mà vào những năm 70-80 của thế kỷ trước, cuộc sống rất khó khăn, bản thân tôi đi làm y tế xã không có lương, chỉ có tiền phụ cấp ít ỏi, vợ làm giáo viên lương cũng rất ít, nhiều người không chịu được đã bỏ nghề, nhưng hai vợ chồng tôi đã vượt qua được cũng là nhờ sự chia sẻ, thông cảm của cha mẹ. Khi tôi tốt nghiệp trường y năm 1977, cả xã tôi không có một người nào làm nghề này. Người dân chủ yếu chữa bệnh tin theo lời thầy mo, cúng bái và phó mặc cho trời đất là chính".


"Cả xã có một bà đỡ, nhưng cũng không mấy khi được người dân mời, chỉ có những ca đẻ khó người ta mới gọi. Nhìn cảnh người dân ốm đau, bệnh tật không được chăm sóc sức khỏe mà buồn. Nhưng để người dân tin mình, đến chữa bệnh theo y học mới là cả một quá trình gian khổ, mình phải đến tận thôn bản, sống cùng với họ, giúp họ làm nương, làm rẫy, giúp họ phát quang bờ rậm quanh nhà, dọn chuồng trâu, bò cùng với họ để không có ruồi muỗi gây bệnh".

"Khi có người ốm, người ta mời thầy đến cúng, mình cũng vẫn đến, cho họ thuốc, cũng không dám nói là thuốc đã chữa khỏi con bệnh, chỉ biết là dần dần người ta tin mình, ốm đã đến gọi mình, xin thuốc của mình để uống".

Xã Đôn Phong là xã vùng cao, đặc biệt khó khăn của huyện Bạch Thông, có 10 thôn, bản, chủ yếu là người Dao, người Mông, sống rải rác trên núi cao, rừng sâu, đường đi lại chỉ là đường mòn, có thôn cách trung tâm xã gần 20 km, vào những ngày trời mưa gần như không thể đến được.

Bí thư Đảng ủy xã Đôn Phong, bà Ngôn Thị Chanh cho biết: Ngày đó (năm 1997) tại xã Đôn Phong chưa có Trạm Y tế, là một xã miền núi địa hình rộng, rừng núi là chính nên giao thông đi lại khó khăn, chỉ đi bộ đến các thôn bản. Đôn Phong gồm 5 dân tộc sinh sống, dân tộc Dao chiếm 61%, 30% người Mông, phân bố dân thưa thớt, nhiều hộ cư trú trên sườn đồi tại vùng xa sôi hẻo lánh.

Kinh tế còn nghèo nàn, người dân chủ yếu sống bằng nghề ruộng, nương. Phong tục tập quán lạc hậu và phức tạp, khi ốm đau người dân chủ yếu cúng bái, chưa biết và chưa có thuốc để chữa bệnh. Bệnh, dịch hoành hành, chủ yếu là bệnh sốt rét, tiêu chảy, viêm phổi cấp…

Với lòng nhiệt tình của tuổi trẻ, ông Cao Thịnh Vàng đã tham mưu với lãnh đạo xã thành lập Trạm y tế và được cử làm Trạm trưởng đồng thời vận động thêm được 2 người là một nữ hộ sinh, một y tá sơ cấp để cùng tổ chức khám chữa bệnh tại xã. Ông Vàng là người năng nổ, dám nghĩ, dám làm và nhiệt tình với mọi người. Không kể ngày hay đêm, cứ có người gọi, ông lại xách túi đồ nghề, thuốc men lên đường. Có trường hợp nặng, gặp hôm trời mưa, nhà người bệnh ở xa, ông đốt đuốc đến tận nơi và cứu được cả mẹ và con trong một ca đẻ khó.

Ông Cao Thịnh Vàng luôn nỗ lực, cố gắng trong công việc.


"Trong quá trình công tác bản thân tôi gặp muôn vàn khó khăn, do thiếu thuốc hoặc không có đủ trang thiết bị dụng cụ y tế để cứu chữa; không có thông tin liên lạc, tài liệu chuyên môn thì ít ỏi, xa thầy xa bạn lúc gặp ca bệnh khó không biết hỏi ai, bản thân vô cùng lúng túng. Nhưng với lòng yêu nghề, yêu thương người bệnh và được sự động viên khuyến khích và tạo mọi điều kiện giúp đỡ của lãnh đạo địa phương, của gia đình nên tôi luôn cố gắng vươn lên thực hiện mọi nhiệm vụ được giao. Trạm Y tế xã từng bước được thay đổi, các chế độ chính sách đối với cán bộ được quan tâm, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị được đầu tư đáp ứng cơ bản về nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân" - ông Vàng chia sẻ.

Chị Chu Thị Hoan, người thôn Vằng Bó, xã Đông Phong kể cho chúng tôi nghe câu chuyện sinh con của chị. Chị sinh lần đầu, gia đình chủ quan không đưa đến bệnh xá, để đẻ ở nhà, không may thai bị ngang, nửa đêm, trời lại mưa, đường xa trên 7 km, gia đình đến gọi ông Vàng, ông đốt đuốc đến nhà khi tôi đã gần như kiệt sức, ông vừa bình tĩnh động viên tôi và gia đình, vừa cố tạo dùng biện pháp quay thai, may quá mẹ tròn con vuông. Nay cháu đã hơn 7 tuổi vẫn nhớ ơn ông Vàng cứu mạng.

Là đảng viên, trạm trưởng một trạm y tế trong nhiều năm, ngoài trách nhiệm và lương tâm của một thầy thuốc, ông luôn gương mẫu trong mọi việc, sống hòa đồng với bà con, nên đi đâu ông cũng được dân mến, tin tưởng. Với kinh nghiệm của mình, ông đã tổ chức giám sát, đôn đốc, hỗ trợ mọi hoạt động đối với từng công việc tại trạm và đến từng thôn bản.

Ngoài việc tổ chức khám chữa bệnh, tích cực tham mưu với lãnh đạo xã và lãnh đạo chuyên môn cấp trên tiếp nhận và triển khai có hiệu quả các dự án, các chương trình y tế. Bản thân ông thường xuyên xuống các bản vùng sâu, vùng xa để tuyên truyền giáo dục sức khỏe, vận động người dân giữ vệ sinh môi trường gia đình, làng bản; làm thay đổi và duy trì hành vi có lợi cho sức khoẻ, làm cho đường làng ngõ xóm ngày càng sạch sẽ phong quang.



Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong vận động, tuyên truyền người dân nên các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Đôn Phong đã được triển khai đến tận các bản làng xa xôi hẻo lánh, tạo điều kiện cho mọi ngư­­ời dân đư­­ợc hưởng lợi từ các dịch vụ y tế. Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi trong xã được tiêm chủng đầy đủ hàng năm đạt từ 95 đến 98%; trên 71% hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và 91,5% người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh...

Bà Ngôn Thị Chanh, Bí thư Đảng ủy xã Đôn Phong khẳng định, với vai trò của mình, ông Cao Thịnh Vàng đã đóng góp rất lớn vào việc thay đổi nhận thức của người dân tộc thiểu số vốn từ nhiều đời chỉ quen chữa bệnh bằng cúng bái, cầu khấn, hiểu về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe lành mạnh, khoa học. Nhiều đợt dịch bệnh xuất hiện ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, như sốt rét, đau mắt đỏ, tay chân miệng, nhưng Đôn Phong không bị là nhờ vào công tác tuyên truyền về phòng chống bệnh liên tục, đồng bộ, đến tận thôn bản, đi từ bí thư chi bộ, trưởng thôn đến người dân, mà trạm trưởng y tế Cao Thịnh Vàng là người sát sao nhất.

Với những cố gắng, nỗ lực liên tục, nhiều năm ông đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và được Bộ trưởng Bộ Y tế tặng Bằng khen do có nhiều thành tích trong công tác tiêm chủng mở rộng và tặng Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân.


Bài, ảnh: Nguyễn Trình
(TTXVN)
“Nghĩa tình Tây Bắc” tôn vinh những tấm gương tiêu biểu
“Nghĩa tình Tây Bắc” tôn vinh những tấm gương tiêu biểu

Chương trình “Nghĩa tình Tây Bắc” mang ý nghĩa chính trị, xã hội nhằm giới thiệu truyền thống lịch sử vùng đất, con người, tiềm năng, lợi thế cũng như những khó khăn hiện nay trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng Tây Bắc...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN