Cần thêm động lực phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi Ninh Thuận

Những năm qua, tỉnh Ninh Thuận tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua việc triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời các chương trình, chính sách phát triển xã hội, giảm nghèo, hỗ trợ đời sống…

Chú thích ảnh
Học sinh dân tộc Chăm, trường mẫu giáo Phước Nam, huyện Thuận Nam, có ngôi trường mới khang trang để học tập trong năm học mới 2018-2019.

Tuy nhiên, tác động của việc thực hiện chính sách chưa thực sự mang lại hiệu quả cao, giúp vùng dân tộc thiểu số và miền núi phát triển bền vững.

Phát triển chưa  bền vững

Ninh Thuận có 37 xã, thị trấn, 124 thôn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, với 34.456 hộ/162.115 khẩu, chiếm 23,54% dân số toàn tỉnh. Vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở tỉnh Ninh Thuận có diện tích tự nhiên tương đối rộng, với gần 291.000 ha, chiếm hơn 86% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Đây là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng-an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái. Ngoài ra, có nhiều tiềm năng lớn về tài nguyên đất đai để phát triển công, nông, lâm nghiệp và du lịch sinh thái gắn với bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số của tỉnh.

Chú thích ảnh
Ông Thành Lênh, dân tộc Chăm ở huyện Ninh Hải đầu tư nuôi bò từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Ninh Thuận.

Xác định được tầm quan trọng đó, nhiều Nghị quyết, Chỉ thị và Chương trình hành động thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế vùng dân tộc và miền núi, trong đó có Đề án thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, giai đoạn 2017-2020 đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành, chỉ đạo, tập trung triển khai, mang lại hiệu quả tích cực cho vùng dân tộc, miền núi.

Trong 7 năm qua (2010-2017), UBND tỉnh Ninh Thuận đã tập trung huy động, ưu tiên lồng ghép nhiều nguồn lực từ các chương trình, dự án như: Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, Chương trình 30a, Chương trình 134, 135, Chương trình xây dựng nông thôn mới… với kinh phí trên 5.900 tỷ đồng để đầu tư cho gần 800 hạng mục công trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi, quy mô chủ yếu là vừa và nhỏ. Trong đó, tập trung vào những lĩnh vực đang bức xúc, khó khăn nhất của vùng như hạ tầng giao thông, nông nghiệp, thủy lợi, giáo dục đào tạo, y tế, nước sinh hoạt…

Việc đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đã tác động và dần làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi. Nhiều địa phương trong vùng dần được phủ khắp hệ thống đường giao thông, trường học, trạm y tế, trên 96% hộ dân được sử dụng hệ thống điện, hơn 75% hộ dân được sử dụng nước sạch.

Nhiều địa phương đã hình thành vùng chuyên canh cây nông nghiệp chủ lực có giá trị kinh tế cao, sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần tăng thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác. Nhờ đó, tổng giá trị sản xuất của toàn vùng tăng bình quân 11,9%/năm, đạt khoảng 3.100 tỷ đồng năm 2017; thu nhập thực tế của người dân trong vùng ngày một tăng lên, từ 12 triệu đồng (năm 2015) lên 17 triệu đồng (năm 2017), tăng 17%; tỷ lệ hộ nghèo giảm qua các năm, bình quân giảm 3%/năm, trong đó huyện nghèo 30a Bác Ái giảm bình quân 5,2%/năm.

Chú thích ảnh
Chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc Raglai ở huyện miền núi Bác Ái.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận, vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở Ninh Thuận có xuất phát điểm thấp, đặc biệt là về kinh tế, diện tích tự nhiên rộng lớn nhưng địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ nên cần có sự đầu tư để vực dậy phát triển. Do địa phương còn khó khăn, nguồn vốn hỗ trợ đầu tư của Trung ương hạn hẹp nên sự phát triển của vùng so với đồng bằng vẫn còn khoảng cách chênh lệch tương đối lớn. Đến nay, hộ nghèo toàn vùng còn 9.898 hộ, chiếm 28,73%.

Ông Lê Thanh Hùng, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận cho biết: Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở Ninh Thuận là vấn đề đất sản xuất, đất ở và nước sinh hoạt. Qua rà soát của Ban Dân tộc, hiện nay toàn tỉnh có 9.223 lượt hộ nghèo trong vùng cần hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và vốn vay ưu đãi chuyển đổi nghề, với tổng nhu cầu vốn trên 365,8 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ hơn 18 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương trên 20 tỷ đồng và vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội gần 327 tỷ đồng.

Thực tế hiện nay Ninh Thuận chưa có nguồn vốn để giải quyết hỗ trợ đất ở, giai đoạn 2017-2018 cho các đối tượng thụ hưởng theo Quyết định số 96/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành Đề án thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, có hiệu lực từ ngày 8/10/2017. Việc huy động nguồn lực hợp pháp và lồng ghép từ các chương trình khác, được quy định tại Điều 7 của Thông tư số 02/2017/TT-UBDT của Ủy ban Dân tộc và Điều 5 của Thông tư số 105/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính để thực hiện Đề án chính sách đặc thù hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh năm 2017-2018 theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ tuy có quan tâm nhưng vẫn còn hạn chế. Từ đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng.

Chú thích ảnh
Xây dựng hệ thống dẫn nước sinh hoạt phục vụ đồng bào Raglai ở huyện miền núi Bác Ái.

Cần động lực tiếp sức

Để cụ thể hóa chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2017 - 2020 theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, góp phần giúp vùng dân tộc thiểu số và miền núi phát triển, UBND tỉnh Ninh Thuận đang tập trung huy động nguồn vốn, thực hiện lồng ghép với các chương trình, chính sách khác liên quan trên cùng địa bàn để huy động thêm nguồn lực hỗ trợ đầu tư.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Văn Bình cho biết: Hiện nay, UBND tỉnh đã đề ra giải pháp cụ thể đối với từng nội dung hỗ trợ. Theo đó, trên cơ sở quy hoạch đất ở của từng địa phương và đánh giá tình hình, điều kiện thực tế quỹ đất ở sẽ được thực hiện theo hình thức thu hồi đất và giao đất ở cho hộ dân. Chính quyền các địa phương chủ động thực hiện phương án lồng ghép đối tượng của Đề án hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 (Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo quyết định số 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2) và tranh thủ nguồn tài trợ để giúp các hộ thụ hưởng có điều kiện xây dựng nhà ở.   

Với những địa phương còn quỹ đất sản xuất nhưng phải khai hoang, chính quyền sẽ tạo điều kiện, hướng dẫn trực tiếp khai hoang, phục hóa, cải tạo đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để giao đất cho hộ thụ hưởng sản xuất. Bên cạnh đó hướng dẫn, hỗ trợ các hộ dân lựa chọn ngành nghề phù hợp chuyển đổi, tạo việc làm ổn định, có thu nhập để thay thế thu nhập từ đất sản xuất; tạo điều kiện vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, kinh doanh và đầu tư lắp đặt hệ thống dẫn nước về sinh hoạt.

Chú thích ảnh
Mô hình trồng ngô trên đất lúa chuyển đổi, ứng phó với biến đổi khí hậu đã giúp đồng bào dân tộc Raglai ở huyện Thuận Bắc nâng cao thu nhập.

Ông Lê Thanh Hùng, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận cho biết: Tín hiệu vui đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Ninh Thuận hiện nay đó là Ngân hàng chính sách xã hội đã ban hành Quyết định số 2608/QĐ-NHCS ngày 8/6/2018 về điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2018 của Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Ninh Thuận. Theo đó, chỉ tiêu kế hoạch tín dụng điều chỉnh cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi (theo Quyết định 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) phân bổ cho tỉnh Ninh Thuận 20 tỷ đồng.

Ban Dân tộc tỉnh đã rà soát nhu cầu số hộ thụ hưởng chính sách và nhu cầu kinh phí thực hiện Quyết 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nguồn vốn trên sẽ được hỗ trợ đất sản xuất cho 85 hộ; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho gần 2.500 hộ và hỗ trợ nước sinh hoạt cho gần 1.700 hộ.

Ninh Thuận là địa phương còn khó khăn, ngân sách thu không đủ chi, phụ thuộc phần lớn vào hỗ trợ của ngân sách Trung ương, khả năng huy động nguồn lực địa phương và người dân cho đầu tư còn nhiều khó khăn… Tỉnh kiến nghị Chính phủ cần sớm quan tâm bố trí vốn hỗ trợ để tỉnh triển khai Đề án 2085/QĐ-TTg về chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở địa phương, tạo động lực phát triển, sớm thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào. 

Công Thử (TTXVN)
Diễn đàn phát triển dân tộc thiểu số năm 2018
Diễn đàn phát triển dân tộc thiểu số năm 2018

Ngày 20/8, tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, đã diễn ra Diễn đàn phát triển dân tộc thiểu số năm 2018 với chủ đề “Sâm Ngọc Linh - Tiếp cận chuỗi giá trị trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN