Bừng sáng huyện vùng cao Bắc Yên

Ở thời điểm thành lập huyện, tháng 10/1964, huyện vùng cao Bắc Yên là một trong những địa bàn khó khăn nhất của tỉnh Sơn La. 50 năm qua, nhờ nắm bắt được thời cơ, tận dụng mọi tiềm năng thế mạnh của địa phương, Bắc Yên đã đạt được những thành tựu to lớn về mọi mặt, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao.

Làm đường giao thông nông thôn.


Ông Thào A Giàng, nguyên Bí thư Huyện ủy Bắc Yên giai đoạn 1992 - 1994 nhớ lại: Khi bắt đầu công cuộc đổi mới, Bắc Yên gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn nhất khi đó là tình trạng thiếu đói trong nhân dân, trung bình trong năm người dân bị đói từ 2 - 3 tháng, nguyên nhân chủ yếu là do trình độ dân trí thấp cùng với địa hình phức tạp, đường giao thông gần như không có, từ huyện cho đến các xã hầu hết là đi bộ hoặc đi bằng thuyền nên việc giao thương rất hạn chế. Người dân trong huyện phần lớn chỉ phát triển kinh tế theo cách tự cung, tự cấp không mấy khi mở rộng giao thương với các vùng khác.

Song với tinh thần đoàn kết, chủ động sáng tạo, nỗ lực vượt khó của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong huyện, trong gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Bắc Yên đã nhanh chóng nắm bắt thời cơ, khai thác tiềm năng thế mạnh, thu hút đầu tư phát triển... đạt được những thành tựu to lớn về mọi mặt. Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, điện, đường, trường, trạm, trụ sở, các thiết chế văn hóa, hệ thống thủy lợi và nước sinh hoạt được quan tâm đầu tư xây dựng khang trang và đồng bộ, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 2,5 triệu/người năm 2004, lên 15,5 triệu/người năm 2014, GDP bình quân đạt 13,6%/năm, đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa như táo sơn tra, rượu, chè...

Người dân thu hái chè Shan tuyết.


Sự nghiệp giáo dục, đào tạo cũng có bước phát triển nhanh về quy mô trường lớp, số lượng học sinh. Huyện giữ vững đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học cơ sở; 15/16 xã, thị trấn có lớp học kiên cố 2 tầng, tổ chức nấu ăn tập trung cho 22 trường có học sinh bán trú. Mạng lưới y tế được củng cố và phát triển, trang thiết bị được tăng cường đầu tư, các đơn vị y tế từ huyện đến xã, thị trấn từng bước được củng cố, thực hiện tốt việc khám chữa bệnh cho người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội và trẻ em...

Nói đến Bắc Yên là nhắc đến những sản phẩm nổi tiếng như chè Tà Xùa, vị ngọt chát của quả táo sơn tra hay những đàn cá hồi dưới chân suối Trỳ... Những sản phẩm đặc trưng của đồng bào vùng cao Bắc Yên đã có mặt ở khắp các thị trường trong nước.

Ông Sùng A Giao, Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên cho biết: Thời gian tới, huyện Bắc Yên tiếp tục phát huy nội lực, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế, trong đó chú trọng phát triển 3 vùng kinh tế đặc thù là vùng hồ sông Đà, vùng dọc quốc lộ 37 và vùng cao. Huyện ưu tiên phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biên nông, lâm sản, công nghiệp khai khoáng; củng cố, phát triển mạng lưới dịch vụ trên tất cả các lĩnh vực và phát triển mạnh du lịch để sớm đưa Bắc Yên thoát nghèo bền vững.


Bài và ảnh: Công Luật

Khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống
Khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống

Tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 10 hợp tác xã, tổ hợp tác dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Trong những năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các hợp tác xã đã được hỗ trợ kinh phí xây dựng trụ sở, cơ sở sản xuất... để phát triển làng nghề truyền thống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN