Ba công trình nước sinh hoạt cho địa phương vùng 3 'đắp chiếu'

Tại xã vùng 3 Sàn Viên, huyện biên giới Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, ba công trình nước sinh hoạt có tổng mức đầu tư trên 3 tỷ đồng được xây dựng bằng nguồn vốn của nhà nước đang “đắp chiếu, bỏ không” vì hỏng hóc.

Chú thích ảnh
Các vòi sắt tại các bể nước bị hoen gỉ, một số vòi hỏng hoàn toàn không còn công năng sử dụng. 

Năm 2018, tưởng như sẽ có nước để sử dụng thường xuyên khi công trình nước sinh hoạt được đưa vào vận hành, nhưng gia đình ông Lương Văn Tỉnh ở thôn Khòn Sè, xã Sàn Viên vẫn phải dùng nước ở khe được tích trong bể. Nước trong bể nhìn bằng mắt thường cũng có thể đánh giá được mức độ cắn bẩn, ô nhiễm nhưng ông Tỉnh và vài hộ khác trong thôn vẫn đang dùng để ăn, uống hàng ngày.

Theo ông Tỉnh, người dân ở đây chưa được sử dụng nước, công trình đã hỏng do ảnh hưởng của đợt lũ quét gây vỡ đập đầu mối cuối năm 2018.

Ông Lường Văn Tỉnh, thôn Khòn Sè, xã Sàn Viên, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn phân trần: “Khi biết có công trình nước, nhiều nhà phấn khởi mua ống dẫn, mua vòi về để lắp nhưng chưa được dùng tí nào. Hiện gia đình tôi vẫn phải dùng nước khe, như thế không đảm bảo vệ sinh nhưng biết làm sao được, không còn nguồn nước nào nữa nên vẫn phải dùng”.

Chị Triệu Thị Sở, thôn Khòn Sè, xã Sàn Viên, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn bức xúc: Xây dựng như vậy quá lãng phí. Bể, vòi để không lâu ngày, lại không có người trông coi nên hỏng hóc nhiều. Nhiều gia đình trong thôn phải ra tận khe, mương dẫn để xách nước mang về dùng. Mùa mưa không sao, mùa khô thiếu nước sinh hoạt rất khổ. Mong các cấp, các ngành địa phương sớm quan tâm, khảo sát và sửa chữa hệ thống để người dân có nguồn nước sử dụng thường xuyên.

Xã Sàn Viên là xã vùng 3 của tỉnh Lạng Sơn có tổng số trên 880 hộ với 3.600 nhân khẩu ở 13 thôn. Theo lãnh đạo UBND xã, hiện có 8 thôn có nước sinh hoạt theo hình thức người dân tự dẫn nước từ các khe nước, hồ. Năm thôn được sử dụng công trình nước sinh hoạt từ vốn đầu tư của nhà nước. Những công trình này được xây dựng từ năm 2014 trở lại đây nhưng tất cả đều đã hư hỏng và không còn sử dụng được.

Ghi nhận thực tế tại cả 3 công trình nước, vòi sắt tại các bể chứa đã bị hoen gỉ, một số vòi hỏng hoàn toàn. Đường dẫn nước bị đứt đoạn nhiều chỗ; bên trong bể chứa nước có nhiều đất đá, cây cỏ…

Chú thích ảnh
Cây cỏ mọc bên trong bể chứa nước bỏ không lâu ngày. 

Chủ tịch UBND xã Sàn Viên, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn, Hà Văn Đạo nhấn mạnh, nguyên nhân được xã, đơn vị chức năng của huyện xác định chủ yếu là trong quá trình vận hành, van đầu tuyến bị tụt xuống hồ Tà Keo nên áp suất nước yếu không đẩy về đến các bể cuối tuyến. Cùng với đó là một số người dân đã tự ý trích đục thêm đường nước vào ống nguồn; lắng cặn của đất cát đã làm tắc đường ống khiến cho nước không về đến bể chứa ở các thôn.

Trước tình hình trên, chính quyền địa phương đã đi kiểm tra, đề nghị chủ đầu tư và nhà thầu bịt lại một số điểm người dân đục vào. Để người dân có nước sinh hoạt thường xuyên và đảm bảo vệ sinh, xã đã đề nghị cấp trên quan tâm, đầu tư, sửa chữa.

Để giải quyết khó khăn về nước sinh hoạt ở Sàn Viên, UBND huyện Lộc Bình đã phê duyệt kế hoạch sửa chữa đường nước sinh hoạt. Dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ cơ bản khắc phục toàn bộ tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở địa phương này.

Chú thích ảnh
Người dân phải sử dụng nước không đảm bảo vệ sinh cho sinh hoạt hàng ngày. 

Ông Hoàng Văn Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lộc Bình, Lạng Sơn cho biết: UBND huyện Lộc Bình đã có kế hoạch sửa chữa các công trình nước sinh hoạt ở các thôn Khòn Cháo, Khòn Sè, Khòn Quanh (xã Sàn Viên). UBND huyện đã phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, Ban Quản lý dự án huyện tiến hành các thủ tục lựa chọn nhà thầu để thực hiện công tác sửa chữa. Kế hoạch sửa chữa lại các hạng mục như hệ thống bể nước, các van, vòi nước đã hoàn tất. Các hạng mục được đầu tư từ năm 2015 sẽ được thay mới nhằm đảm bảo công năng sử dụng, sớm cung cấp nước cho nhân dân.

Để có thể sử dụng nguồn nước được lâu dài, các cấp chính quyền địa phương cần tích tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong bảo vệ các hạng mục công trình nước, bảo vệ đường dẫn nước; tăng cường nạo vét lắng cặn, đất đá. Có như vậy, hiệu quả sử dụng các công trình nước mới được đảm bảo và lâu bền.

Bài và ảnh: Nguyễn Quang Duy (TTXVN)
Nắng hạn gây thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng ở Phú Yên
Nắng hạn gây thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng ở Phú Yên

Nắng hạn diễn ra gay gắt khiến hàng nghìn hộ dân tại Phú Yên đang thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN