Kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ (12/7/1995-12/7/2020) là dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa 2 nước. 25 năm không phải là thời gian dài trong lịch sử quan hệ giữa 2 quốc gia, song những kết quả đã đạt được trong quan hệ hai nước 1/4 thế kỷ qua là thực sự ấn tượng, góp phần vào sự phát triển của mỗi quốc gia, đồng thời thúc đẩy hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới.
Hòa trong dòng chảy đó, giữa Đà Nẵng và một số cơ quan chức năng, địa phương, doanh nghiệp của Hoa Kỳ cũng đã tích cực hợp tác để cùng nhau tẩy rửa ô nhiễm do chất độc dioxin tại sân bay Đà Nẵng, đồng thời hợp tác đầu tư góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng.
Dịp này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh về sự hợp tác tích cực này.
Xin ông cho biết quá trình hợp tác giữa Đà Nẵng với các cơ quan chức năng của Việt Nam và phía Hoa Kỳ để thực hiện việc tẩy rửa chất độc dioxin tại sân bay Đà Nẵng?
Phía Bắc sân bay Đà Nẵng thuộc khu vực bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần xử lý triệt để theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 651/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 về Phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, trong đó có nhiệm vụ “Tiến hành xử lý đất và bùn bị nhiễm dioxin tại các sân bay Đà Nẵng”.
Dự án Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng do Quân chủng Phòng không - Không quân thuộc Bộ Quốc phòng chủ trì thực hiện, với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID); đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá giá tác động môi trường đối với dự án năm 2012, 2017. Mục tiêu trước mắt của dự án là thực hiện xử lý và chôn lấp cô lập đất/bùn lắng nhiễm dioxin ở sân bay Đà Nẵng, nhằm đảm bảo không còn rủi ro phơi nhiễm dioxin tới con người hay môi trường khu vực sân bay Đà Nẵng. Về lâu dài, thực hiện tẩy sạch dioxin và giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm dioxin cho cộng đồng xung quanh, đồng thời phát triển năng lực cho phía Việt Nam để có thể thực hiện các hoạt động đánh giá và xử lý ô nhiễm môi trường.
Dự án có quy mô thực hiện trên diện tích 18,3 ha với khối lượng đất, bùn nhiễm dioxin cần xử lý là 72.900 m3, trong đó diện tích cần phải đào xúc đất/bùn bị nhiễm dioxin là 16,7 ha, diện tích cho hạ tầng dự án 1,6 ha. Năm 2016, tại Quyết định số 5228/QĐ-BQP của Bộ Quốc phòng tiếp tục điều chỉnh: Diện tích dự án 37,4 ha, khối lượng bùn, đất nhiễm dioxin cần phải xử lý là 150.000 m3, trong đó xử lý triệt để 90.000 m3 đất/bùn nhiễm dioxin trên 1.200 ppt, chôn lấp an toàn 60.000 m3 đất bùn nhiễm dioxin dôi dư (nồng độ trung bình 650 ppt).
Nguồn vốn thực hiện dự án là vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hoa Kỳ do USAID quản lý và thực hiện; Vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam do Quân chủng Phòng không - Không quân thuộc Bộ Quốc phòng quản lý và thực hiện. Thời gian thực hiện chia làm 2 giai đoạn, gồm: Giai đoạn 1 từ tháng 8/2012 - 12/2015; Giai đoạn 2 từ 01/2016 - 10/2018.
Trong quá trình thực hiện dự án, UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo các cơ quan của địa phương như Sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương và đơn vị cấp nước, điện lực, UBND quận, huyện… phối hợp, tạo mọi điều kiện trong giai đoạn chuẩn bị, khi dự án vận hành đến khi kết thúc. Đối với các giải pháp thi công để đảm bảo an toàn, trong quá trình chuẩn bị, thành phố cũng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành tham gia phối hợp.
Năm 2014, khi xem xét phạm vi và quy mô dự án so với thực tế, thành phố Đà Nẵng đã kiến nghị phía dự án và các cơ quan Trung ương bổ sung phương án kỹ để xử lý bùn đáy tại khu vực hồ sen; bố trí các lớp đào tạo cho các công nhân và người quản lý về an toàn lao động, thao tác kỹ thuật trước khi làm việc tại hiện trường để ngăn ngừa nguy cơ phơi nhiễm chất độc; lưu ý đến quá trình khử nhiễm dụng cụ, thiết bị và bảo hộ lao động để tránh làm phát tán các chất ô nhiễm ra môi trường xung quanh. Đà Nẵng cũng đã cử cán bộ kỹ thuật tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn do phía Hoa Kỳ tổ chức nhằm nâng cao nghiệp vụ, kỹ thuật quan trắc phân tích môi trường và kiểm soát ô nhiễm dioxin…
Theo Báo cáo của Quân chủng Phòng không - Không quân, dự án đã đạt được một số kết quả chính như: Đã thực hiện đào xúc khoảng 162.567 m3 đất và bùn nhiễm dioxin, giải phóng khoảng 29 ha diện tích đất, hồ ao ô nhiễm đưa vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố; đã xử lý triệt để 94.600 m3 đất, bùn nhiễm dioxin có nồng độ trên 1.200 ppt đảm bảo mục tiêu đề ra (xử lý nồng độ còn dưới 150 ppt); đưa vào lưu chứa và quản lý lâu dài 67.974 m3 đất nhiễm dioxin có nồng độ trung bình < 1.000 ppt tại khu phía Tây Nam sân bay. Dự án giảm tới mức thấp nhất nguy cơ phơi nhiễm dioxin đối với con người và môi trường tại sân bay Đà Nẵng, xóa tên trong danh sách điểm nóng ô nhiễm dioxin, tạo tâm lý an tâm cho cộng đồng sinh sống tại khu vực. Quá trình thực hiện dự án đảm bảo an toàn, không có sự cố đáng tiếc về môi trường và con người xảy ra.
Xin ông cho biết, sau khi thực hiện việc tẩy rửa chất độc dioxin tại sân bay Đà Nẵng hoàn thành, Đà Nẵng đã phối hợp khai thác nguồn lực này như thế nào trong phát triển kinh tế, xã hội và đã đạt được những kết quả ra sao?
Theo báo cáo của Quân chủng Phòng không - Không quân như đã nêu ở trên, đã có 29 ha diện tích đất, hồ ô nhiễm đã được xử lý và đưa vào phục vụ mở rộng sân bay Đà Nẵng. Cụ thể, Nhà ga Quốc tế T2 Đà Nẵng, góp phần đáp ứng công suất từ 4-6 triệu hành khách/năm, đáp ứng phục vụ 1.600 hành khách/giờ cao điểm, một công trình trọng điểm phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2017. Ngoài ra, việc đưa Nhà ga Quốc tế T2 vào hoạt động góp phần hoàn thiện hệ cơ sở hạ tầng và sự đồng bộ, liên hoàn trong quá trình khai thác để nâng cao chất lượng phục vụ, bảo đảm an ninh, an toàn hàng không. Nhà ga được dự báo sẽ phục vụ hơn 2,3 triệu khách năm 2022; bốn triệu khách năm 2025 và sáu triệu khách vào năm 2030 theo như quy hoạch điều chỉnh đã được phê duyệt.
Hiện Đà Nẵng và các doanh nghiệp, tổ chức phía Hoa Kỳ đã cùng nhau hợp tác phát triển kinh tế xã hội như thế nào, định hướng trong thời gian tới, thưa ông?
Về đầu tư FDI, tính đến ngày 31/5/2020, có 68 dự án của các nhà đầu tư Hoa Kỳ đầu tư tại Đà Nẵng, với tổng vốn đầu tư hơn 590 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ của các doanh nghiệp Đà Nẵng chiếm khoảng 20,5% kim ngạch xuất khẩu của thành phố, với các mặt hàng xuất khẩu chính là sản phẩm dệt may, thủy sản, đồ chơi trẻ em, cần câu cá, nến, sản phẩm đồ gỗ (nội, ngoại thất), thủ công mĩ nghệ, linh kiện ô tô, động cơ điện nhỏ. Hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ chiếm khoảng 5% kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của thành phố, chủ yếu là máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, thuốc tây y, nguyên phụ liệu sản xuất cần câu cá, nguyên phụ liệu dệt may, hạt nhựa - hạt dẻo và nguyên phụ liệu khác.
Hiện nay, Đà Nẵng có hơn 20 doanh nghiệp có quan hệ xuất nhập khẩu với thị trường Hoa Kỳ như: Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Hòa Thọ, Công ty Cổ phần Vinatex Đà Nẵng, Công ty Cổ phần Dệt may 29/3, Công ty Cổ phần Thương mại và Thủy sản Thuận Phước, Công ty Trách nhiệm hữu hạn xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Duy Thành…
Vừa qua, Chi hội thương mại Việt - Mỹ đưa ra các lĩnh vực hợp tác, gồm: Kế hoạch phục hồi du lịch trong nước và xây dựng môi trường an toàn đón khách quốc tế; hợp tác phát triển chuỗi cung ứng và nguồn nhân lực địa phương; phát triển cảng và hậu cần, giao thông công cộng đô thị; kinh tế số, ICT và thành phố thông minh, y tế, giáo dục và đào tạo.
Chính quyền thành phố Đà Nẵng cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư; sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp và nhà đầu tư tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án và hoạt động kinh doanh.
Trân trọng cảm ơn ông!