Người nước ngoài chủ yếu kiến nghị về các vấn đề như: Hỗ trợ mua giúp lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm, thuốc men; cách di chuyển đi xét nghiệm, đi tiêm vaccine phòng COVID-19; đặt lịch hẹn khám bệnh; tư vấn về các thủ tục gia hạn thị thực, đi lại để trở về nước.
Sau khi tiếp nhận, các cán bộ trực đường dây nóng của Sở Ngoại vụ đã hỗ trợ ngay những yêu cầu như: Tư vấn việc di chuyển ra sân bay, tư vấn các vấn đề liên quan đến hộ chiếu, gia hạn thị thực, tạm trú, đăng ký tiêm vaccine phòng COVID-19… Những yêu cầu khác cần hỗ trợ như mua sắm lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm, Sở Ngoại vụ đã chuyển thông tin của người nước ngoài đến các quận, huyện để hỗ trợ mua giúp và đưa tới tận nhà. Ngoài ra, khi ghi nhận một số trường hợp người nước ngoài thực sự khó khăn, Sở đã phối hợp với UBND các quận, huyện để xác minh và hỗ trợ miễn phí lương thực, thực phẩm kịp thời.
Đối với các vấn đề khác như hộ chiếu, gia hạn thị thực, di chuyển nội địa và quốc tế…, Sở Ngoại vụ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời và đảm bảo đúng các quy định liên quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Ngoài ra, nhiều người nước ngoài đề nghị hỗ trợ đăng ký tiêm vaccine phòng COVID-19, Sở Ngoại vụ đã hướng dẫn theo Công văn số 129/BCĐ-SYT ngày 12/8/2021 của Ban Chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm chủng phòng, chống COVID-19 thành phố.
Theo Giám đốc Sở Ngoại vụ thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Trường, khi người nước ngoài cần giúp đỡ, tùy theo quận, huyện đang lưu trú có thể liên hệ với 5 đường dây nóng bằng tiếng Anh sau: 0935.994.359 (quận Sơn Trà), 0935.240.791 (quận Ngũ Hành Sơn), 0913.830.038 (quận Hải Châu), 0934.797.275 (quận Thanh Khê và quận Cẩm Lệ), 0905.133.664 (quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang).
Ngoài ra, người nước ngoài cũng có thể liên hệ với đường dây nóng bằng các thứ tiếng khác: 0916.681.599 (tiếng Trung), 0905.902.287 (tiếng Hàn), 0349.589.943 (tiếng Nhật).
Chị Trịnh Ngọc Yến Thi, chủ một khách sạn tại phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) cho biết, khách sạn của chị có 4 khách lưu trú là người Hàn Quốc. Ngày 30/8 vừa qua, chính quyền địa phương đã đến tận phòng và trao cho 4 khách Hàn Quốc này những phần quà hỗ trợ gồm: cá hộp, thịt hộp, gạo, mì tôm...
“Các khách Hàn Quốc rất trân trọng và cảm ơn sự quan tâm của các cấp chính quyền. Ngoài việc tặng quà thì từ đầu đợt giãn cách nghiêm ngặt đến nay, cán bộ phường, Tổ dân phố cũng thường xuyên hỏi han, hỗ trợ, mua hộ lương thực, thực phẩm cho gia đình chúng tôi và các khách đang lưu trú”, chị Yến Thi chia sẻ.
Trước đó, nhằm hỗ trợ cho người nước ngoài đang sinh sống và làm việc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, ngày 26/8, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành văn bản số 5527/UBND-TH về tiếp nhận và xử lý thông tin người nước ngoài gặp khó khăn.
Cụ thể, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh giao Sở Ngoại vụ thành phố khẩn trương thiết lập đường dây nóng (gồm 5 số điện thoại di động; hộp thư điện tử) phân chia theo địa bàn các quận, huyện, ưu tiên các quận tập trung đông người nước ngoài sinh sống để tiếp nhận phản ánh của người nước ngoài. Đồng thời, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng (có dịch ra tiếng nước ngoài) để người nước ngoài biết, liên hệ kịp thời: Tổng đài Dịch vụ công thành phố 1022, Cổng Thông tin điện tử thành phố, Trang thông điện tử của Sở Ngoại vụ, UBND các quận, huyện…
Bên cạnh đó, Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm xử lý những khó khăn của người nước ngoài trên địa bàn thành phố. Đặc biệt trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội, lưu ý hỗ trợ kịp thời các nhu yếu phẩm cần thiết, các khó khăn trong sinh hoạt mà người nước ngoài gặp phải. UBND các quận, huyện chủ động, phối hợp với Sở Ngoại vụ để kịp thời triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ người nước ngoài gặp khó khăn trên địa bàn quản lý.
Theo thống kê của Sở Ngoại vụ thành phố Đà Nẵng, trên địa bàn thành phố hiện có 4.851 người nước ngoài đang sinh sống, làm việc với nhiều quốc tịch khác nhau. Đa số người nước ngoài tập trung chủ yếu ở địa bàn hai quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn.