Đà Nẵng phát triển khoa học công nghệ, thu hút đầu tư lĩnh vực kinh tế số

Theo Nghị quyết 43-NQ/TW, ngày 24/1/2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị, thành phố cần ưu tiên phát triển 5 lĩnh vực; trong đó có lĩnh vực Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số.

Chú thích ảnh
Công nhân vận hành máy sản xuất tại công ty ICT Vina, Khu Công nghệ cao thành phố Đà Nẵng (ảnh minh họa).

Thành phố Đà Nẵng đã triển khai nhiều chương trình nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn, qua đó, góp phần thu hút đầu tư để phát triển nền kinh tế số.

Theo Thạc sĩ Trần Thị Thùy Dương, Phó trưởng Phòng Quản lý Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng), địa phương hiện có nhiều tiềm năng để phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin. Cụ thể, thành phố hiện có 2,1 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân; đây là tỷ lệ cao thứ 2 cả nước (chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh). Nhân lực đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại Đà Nẵng khoảng 44.000 người (chiếm 7,5% lực lượng lao động). Đà Nẵng là địa phương có tốc độ internet nhanh nhất Việt Nam với 41,75 Mb/giây; mạng dữ liệu di động phủ sóng 100% khu vực dân cư; có 38 trường Đại học, Cao đẳng với khoảng 6.000 học viên mỗi năm. Bên cạnh đó, thành phố hiện thuộc top 3 cả nước về chuyển đổi số và an toàn thông tin, thương mại điện tử. Năm 2021, lĩnh vực kinh tế số đã đóng góp khoảng 12,57% GRDP của địa phương.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXII đã xác định một trong ba nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2020-2025 là “đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, gắn với đẩy nhanh xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh”. Để thực hiện Nghị quyết, chính quyền thành phố đã triển khai nhiều chính sách như: Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 tại Đà Nẵng; Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; ban hành Kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố Đà Nẵng; ứng dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo hỗ người dân và du khách khi tra cứu thông tin, dịch vụ công, chăm sóc sức khỏe, quản lý giao thông…

Đà Nẵng đã đầu tư hạ tầng một khu công nghệ cao và hai khu công nghệ thông tin tập trung; có nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong, ngoài nước. 

Tại Khu Công nghệ cao thành phố Đà Nẵng, Công ty Cổ phần Trung Nam EMS là doanh nghiệp chuyên sản xuất thiết bị điện tử, bo mạch, sản phẩm công nghệ cao, hợp tác với nhiều đối tác quốc tế. Theo ông Nguyễn Anh Huy, Giám đốc Công ty, thành phố có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế số, công nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, muốn xác định đây là ngành mũi nhọn, địa phương phải tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, đặc biệt về vấn đề vốn; đồng thời cần nhiều hơn các quỹ vay vốn ưu đãi lãi suất, quỹ đầu tư mạo hiểm để cùng tham gia vào phát triển, ươm mầm doanh nghiệp. Cùng đó, Đà Nẵng cần phát triển thêm khu phi thuế quan, kích thích tiêu dùng sản phẩm trong nước để hỗ trợ nền sản xuất; ưu tiên sản phẩm nội địa trong các chương trình mua sắm công các thiết bị công nghệ cao như: camera, đèn tín hiệu, máy tính bảng, điện thoại...

Để phát triển kinh tế số, theo ông Lý Hoàng Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ), Đà Nẵng cần tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin vào cuộc sống. Thành phố cần hình thành các cơ sở dữ liệu dùng chung, đẩy mạnh chia sẻ dữ liệu phục vụ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ số; chú trọng phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho thanh, thiếu niên; đầu tư xây dựng một số trung tâm trọng điểm nghiên cứu, đào tạo nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao về trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu tại một số trường Đại học...

Bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố Đà Nẵng khẳng định, thành phố đang nỗ lực xây dựng môi trường thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao triển khai dự án tại địa phương. Đà Nẵng có nhiều lợi thế thu hút đầu tư như: vị trí địa lý thuận lợi; hệ thống hạ tầng mạng, hạ tầng công nghệ thông tin phát triển; chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư hấp dẫn; môi trường sống chất lượng cao… Sau dịch COVID-19, chính quyền thành phố đang nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những điểm sáng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin của khu vực miền Trung và cả nước.

Tin, ảnh: Quốc Dũng (TTXVN)
Đà Nẵng: Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Đà Nẵng: Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Chiều 22/11, Ban Chỉ đạo Thành ủy Đà Nẵng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tổ chức phiên họp thứ 2 để thảo luận các nội dung quan trọng, cho ý kiến về 6 vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo đang theo dõi, đồng thời triển khai các công việc trong thời gian tới. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, Trưởng ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chủ trì phiên họp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN