Đặt mục tiêu miễn dịch cộng đồng
Theo báo cáo của Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, trong tháng 7/2021, thành phố đã chủ động có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị quan tâm, hỗ trợ địa phương 1,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19 trong thời gian sớm nhất. Từ tháng 3/2021 đến nay, Bộ Y tế đã có các quyết định phân bổ 191.810 liều vaccine phòng COVID-19 cho thành phố.
Tính đến ngày 9/8, tại các điểm tiêm chủng trên địa bàn đã tổ chức tiêm được 58.427 mũi (đạt 60% so với số vaccine đã tiếp nhận), trong đó 7.456 người đã tiêm đủ 2 mũi. Số trường hợp phản ứng thông thường chiếm khoảng 20%. Một trường hợp phản ứng nặng đã kịp thời xử trí cấp cứu.
Hiện thành phố đang tiếp tục tiêm vaccine Pfizer và AstraZeneca tại các điểm tiêm chủng. Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch đến ngày 18/8, Đà Nẵng hoàn thành 100% liều vaccine đã được tiếp nhận.
Bên cạnh đó, thành phố và các doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm nguồn vaccine phòng COVID-19 từ tập đoàn, công ty có trụ sở ở nước ngoài để góp phần nhanh chóng đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại nhằm phục hồi kinh tế.
Theo thông tin được đăng tải chính thức tại Cổng Thông tin điện tử Bộ Y tế, ngày 14/7, Chính phủ Rumani đã quyết định tặng 100.000 liều vaccine AstraZeneca cho Chính phủ Việt Nam. Với thông tin này, thành phố đã chủ động có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị quan tâm ưu tiên phân bổ vaccine AstraZeneca do Chính phủ Rumani viện trợ cho Đà Nẵng.
Thành phố tiếp tục vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp cho Quỹ vaccine phòng COVID-19 để Chính phủ mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước.
Tăng cường các biện pháp phòng dịch
Đề cập đến hiệu quả của các giải pháp phòng, chống dịch trên địa bàn thời gian qua, Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng cho biết, thành phố đã thực hiện tốt 5 chiến lược kiểm soát dịch COVID-19 gồm: Ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập; chủ động phát hiện sớm bệnh nhân COVID-19 (giám sát chủ động, giám sát phát hiện sớm thông qua xét nghiệm); truy vết thần tốc; giãn cách xã hội, cách ly và khoanh vùng khẩn trương; điều trị hiệu quả.
Đà Nẵng đã sớm triển khai 25 chốt kiểm soát dịch liên ngành tại cửa ngõ ra, vào thành phố, qua đó đã phát hiện, cách ly nhiều trường hợp đến từ các địa phương có dịch.
Ngoài ra, thành phố chỉ đạo triển khai công tác cách ly người nhập cảnh; hơn 1.000 Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng hoạt động tại các địa phương đã phát huy hiệu quả.
Đặc biệt, công tác xét nghiệm diện rộng được triển khai mạnh mẽ trên địa bàn thành phố. Cụ thể từ đầu năm đến ngày 12/8, Đà Nẵng đã lấy mẫu xét nghiệm đối với hơn 1,6 triệu lượt người, trong đó từ ngày 18/6 đến nay xét nghiệm cho trên 1,1 triệu lượt người. Qua đó đã phát hiện nhiều bệnh nhân COVID-19, xử lý triệt để các ổ dịch trên địa bàn (37 bệnh nhân được phát hiện từ cơ sở y tế, 69 bệnh nhân được phát hiện qua lấy mẫu đại diện hộ gia đình, hơn 200 bệnh nhân được phát hiện qua lấy mẫu tại các khu vực nguy cơ cao, khu vực ổ dịch, vùng cách ly, phong tỏa).
Theo Giám đốc Sở Y tế Ngô Thị Kim Yến, việc tổ chức xét nghiệm, lấy mẫu, xử lý mẫu và trả kết quả xét nghiệm có thể đạt tối đa 65.000 người/ngày. Riêng tại quận Sơn Trà có thể đạt tốc độ lấy mẫu 25.000 mẫu/ngày. Bên cạnh đó, thành phố đã triển khai thí điểm cách ly F1 tại nhà, với 9 trường hợp ở Hòa Vang và 5 trường hợp ở Ngũ Hành Sơn.
Thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 05/CT-UBND, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, trừ một số trường hợp cho phép được quy định.
Hiện 42 cơ sở cách ly đang thực hiện cách ly gần 4.000 trường hợp F1. Bên cạnh Trung tâm Y tế Hòa Vang và Bệnh viện Phổi, thành phố đã chủ động thiết lập, đưa vào hoạt động Bệnh viện Dã chiến khu ký túc xá phía Tây thành phố với công suất thu dung 1.700 bệnh nhân. Ngoài ra, Đà Nẵng chủ động giao Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố phối hợp với các cơ quan, đơn vị tiếp tục xây dựng phương án thiết lập thêm Bệnh viện Dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19.
Về việc triển khai công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới, theo Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, các cơ quan chức năng, tổ chức chính trị xã hội cần rà soát lại quy định, biện pháp phòng, chống dịch của Trung ương, Bộ Y tế, của thành phố để kiện toàn, chuẩn hóa lại quy trình, quy định, sơ đồ hóa để dễ hiểu, dễ thực hiện. Cùng với đó là giám sát chặt chẽ, tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại khu vực phong tỏa cứng, cơ sở cách ly tập trung, hạn chế đến mức tối đa lây nhiễm chéo tại những khu vực này...
Thành phố cần thành lập Tổ chuyên gia đáp ứng nhanh các cấp có nhiệm vụ phân tích, đánh giá nguy cơ, đề xuất phương án khi xảy ra ổ dịch tại cộng đồng, cơ sở sản xuất kinh doanh, nơi tập trung đông người…
Đà Nẵng cần ưu tiên các nguồn lực, tập trung hỗ trợ khu vực có nguy cơ cao như quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu; tập trung hỗ trợ công tác phân tích, đánh giá, xác định nguy cơ…
Cùng với đó, thành phố cần đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng nhanh nhất khi nhận đủ số lượng vaccine phòng COVID-19 trên cơ sở đúng đối tượng, đảm bảo “an toàn kép”. Đà Nẵng huy động mọi nguồn lực, hệ thống chính trị cùng tham gia vào các công đoạn tổ chức tiêm chủng; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác tiêm vaccine phòng COVID-19...