Đến làm Giấy khai sinh cho con tại Bộ phận một cửa, phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng), chị Trần Thị Thu Trang (trú tại phường Hòa Cường Bắc) được các cán bộ hướng dẫn sử dụng ứng dụng cổng dịch vụ công để đăng ký trực tuyến. Chỉ trong vòng 15 phút tìm hiểu và điền các thông tin hướng dẫn theo mẫu, chị Trang dễ dàng thực hiện đăng ký khai sinh cho con và nhận được Giấy khai sinh tại nhà qua đường bưu điện trong ngày hôm sau.
Chị Trang chia sẻ, đây là lần đầu tiên tôi làm giấy tờ trực tuyến qua cổng dịch vụ công của thành phố, cứ tưởng sẽ rất phiền hà. Tuy vậy, với sự hướng dẫn chi tiết của cán bộ, tôi đã hoàn thành thủ tục rất nhanh. Việc đăng ký các thủ tục trực tuyến này sẽ giảm sự tiếp xúc, trao đổi giữa cán bộ và người dân, giúp người dân giám sát quá trình hoàn thành thủ tục và ngăn chặn các hành vi tiêu cực của của cán bộ.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng, thành phố đang triển khai, cung cấp thông tin công khai, minh bạch thông tin các dịch vụ công của các cơ quan, địa phương trên Cổng dịch vụ công thành phố Đà Nẵng (dichvucong.danang.gov.vn dưới dạng web và app mobile trên điện thoại di động). Điều này giúp giảm thiểu cơ hội tiếp xúc giữa người dân và cán bộ, công khai thông tin trên mạng, góp phần giảm thiểu cơ hội tham nhũng có thể phát sinh.
Toàn bộ thông tin về trạng thái, tình hình xử lý hồ sơ thủ tục hành chính đều được công khai, minh bạch trên hệ thống và thông qua các tiện ích zalo, SMS, Tổng đài 1022, chatbot... Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình của Đà Nẵng đạt cao với 95% (trung bình toàn quốc 55%); tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến toàn tỉnh là 65% (trung bình toàn quốc 17%).
Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng cho hay, để ngăn chặn, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Đà Nẵng áp dụng các công cụ giám sát tự động, phân tích dữ liệu lớn, cảnh báo sớm các bất thường có thể xảy ra trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh đó, với số liệu thu thập, phân tích, cảnh báo sớm từ Trung tâm Thông tin và Giám sát điều hành thông minh thành phố (IOC) cung cấp cho các cơ quan thành phố các chỉ tiêu, số liệu. Trung tâm cũng thực hiện việc giám sát độc lập, đốc thúc đầu mối các cơ quan xử lý những trường hợp bất thường, công việc gần đến hạn hoặc trả, bổ sung hồ sơ nhiều lần, đặc biệt là về cung cấp thủ tục hành chính.
Theo thống kê, từ ngày 1/1 đến ngày 10/10/2024, IOC gửi cảnh báo thông báo sớm đối với 100% hồ sơ thủ tục hành chính (82.050 hồ sơ) sắp tới hạn trả kết quả đến các cơ quan, đơn vị, để biết thông tin, chủ động xử lý kịp thời, giảm thiểu hồ sơ trễ hạn tại các đơn vị; đồng thời gửi thông tin cảnh báo qua nhiều kênh như trên hệ thống, nhắn tin SMS, điện thoại từ Tổng đài 1022. Việc triển khai công cụ giám sát, cảnh báo sớm giúp giảm tỷ lệ hồ sơ trễ hạn hơn 12 lần so với trước khi triển khai (từ 3,1% hồ sơ trễ hạn của 9 tháng đầu năm 2023 xuống còn 0,25% hồ sơ trễ hạn trong 9 tháng đầu năm 2024).
Ngoài ra, Thanh tra thành phố chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai Hệ thống cơ sở dữ liệu đơn thư và thường xuyên kiểm tra việc cập nhật dữ liệu tại các đơn vị, địa phương, bảo đảm phục vụ việc quản lý đồng bộ về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trên toàn địa bàn thành phố.
Đến nay, đã có 306 cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố sử dụng phần mềm Hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại cơ quan, đơn vị mình; với số lượng 805 tài khoản đăng ký sử dụng phần mềm Hệ thống cơ sở dữ liệu…
Nhằm góp phần đẩy nhanh chuyển đổi số, thành phố cũng triển khai các giải pháp công nghệ số, dữ liệu số kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố Đà Nẵng với Nền tảng công dân số, kho kết quả thủ tục hành chính số và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để tái cấu trúc quy trình, sử dụng dữ liệu số, thay thế thành phần hồ sơ giấy phải nộp; sử dụng kho dữ liệu cá nhân, kho dữ liệu kết quả thủ tục hành chính số để giảm 180 thủ tục hành chính cấp lại, chiếm gần 10% tổng thủ tục hành chính của thành phố.
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng, để người dân nhanh chóng tiếp cận với việc sử dụng công nghệ số, các cơ quan, địa phương cũng triển khai nhiều giải pháp truyền thông, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến thông qua mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng; Tổng đài 1022; qua các cuộc thi, hội thi tìm hiểu trực tuyến về dịch vụ công trực tuyến, chuyển đổi số; tuyên truyền lưu động; đài truyền thanh cơ sở…; triển khai các chính sách khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp, người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến như chính sách giảm thời gian xử lý hồ sơ trực tuyến đến 50%, so với xử lý hồ sơ trực tiếp…