Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cách đây 5 năm, chuyển đổi số rất mới mẻ, không chỉ với Việt Nam, mà còn với cả thế giới. "Với cái mới thì tinh thần dám khai phá là quan trọng nhất. Ai dám khai phá người đó sẽ dẫn đầu. Chính phủ đã ban hànhCchương trình chuyển đổi số quốc gia năm 2020, là một quyết sách mạnh mẽ và tiên phong", Bộ trưởng nhấn mạnh.
“Trong 5 năm qua là chặng đường vừa làm vừa khai phá. Chính tinh thần dám khai phá đó đã đưa Việt Nam vào nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng về kinh tế số, thương mại điện tử, dịch vụ công trực tuyến và chuyển đổi số, thuộc hàng nhanh nhất trong khu vực và thế giới”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Việt Nam đặt mục tiêu năm 2030 trở thành nước có thu nhập trung bình cao, khi đó xếp hạng thu nhập bình quân/người của Việt Nam xếp vào nhóm 100 toàn cầu. Hiện nay, Việt Nam đang xếp hạng 120 nhưng hạ tầng số, công nghệ số, công nghiệp số phải đi trước, nhanh hơn. Đây là mục tiêu mà Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã đặt cho ngành TTTT.
Về bưu chính, Việt Nam đang xếp hạng thứ 31, mục tiêu sẽ lọt vào top 20. Về viễn thông, năm 2018, Việt Nam xếp hạng 108 và nay tăng lên xếp hạng thứ 72. Với tốc độ tăng như hiện nay, đến năm 2030, viễn thông Việt Nam sẽ vào top 50 toàn cầu.
Về hạ tầng dữ liệu, mặc dù chưa có đầu tư nước ngoài về trung tâm dữ liệu, Việt Nam đang đứng top 60 toàn cầu. Nếu thu hút được các Bigtech, đến năm 2030, Việt Nam có thể vào top 30 toàn cầu về hạ tầng dữ liệu. Về an toàn thông tin mạng, mục tiêu Việt Nam sẽ lọt vào top 10 toàn cầu.
Về công nghiệp công nghệ số, Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại thông minh, đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính, đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính. Việt Nam đứng thứ 8 trên thế giới về thiết bị linh kiện điện tử, đứng thứ 7 thế giới về gia công phần mềm.
Ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam vào top 20 và phấn đấu vào top 15 toàn cầu, tăng tỷ trọng giá trị Việt Nam đang là 32% thành 50% vào năm 2030.
Về kinh tế số, Việt Nam xếp hạng 41 về tỷ trọng kinh tế số/GDP, tăng thứ hạng khá nhanh. Năm 2024 tỷ trọng kinh tế số của Việt Nam đạt gần 19%. Năm 2025, tỷ trọng này sẽ đạt vượt mục tiêu trên 20%. Mục tiêu kinh tế số chiếm 30 - 35% GDP vào năm 2030.
Về Chính phủ điện tử, Chính phủ số, năm 2024, Việt Nam xếp vị trí 71 tăng 15 hạng trong 2 năm. Nếu đặt mục tiêu 70% dịch vụ công của người dân và doanh nghiệp thực hiện trực tuyến toàn trình vào năm 2025, đến năm 2028, Việt Nam sẽ vào top 50 toàn cầu về Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
“Như vậy, vào năm 2030, hạ tầng số, công nghệ số, công nghiệp số, chuyển đổi số của Việt Nam đạt top 50 toàn cầu và một số lĩnh vực khác vào top 20 và 30 toàn cầu. Đây là sứ mệnh cao cả, sứ mệnh đi trước, đi nhanh lọt vào nhóm các nước đã phát triển, để tạo tiền đề nền cho phát triển đất nước trong chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.
Theo chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ, Bộ TTTT và Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) sẽ hợp nhất với nhau thành Bộ Khoa học, Công nghệ và Truyền thông. Bộ KHCN quản lý về phát triển công nghệ nói chung. Bộ TTTT quản lý Công nghệ thông tin, công nghệ số. Đây là công nghệ cốt lõi, nền tảng cho các ngành, các lĩnh vực khác.
“Công nghệ chính là điểm chung để cộng lực và cộng hưởng của 2 Bộ. Từ truyền thông trong tiếng Việt và tiếng Anh có 2 nghĩa: viễn thông và media… gồm các phương tiện báo chí, truyền thông, truyền hình, truyền thông xã hội. Tên mới là Bộ Khoa học, Công nghệ và Truyền thông bao quát lĩnh vực 2 bộ quản lý và cộng hưởng, cộng lực điểm chung của 2 bộ là công nghệ. Phát triển công nghệ chủ yếu tại doanh nghiệp. Việc quản lý hơn 50.000 doanh nghiệp công nghệ số từ Bộ Thông tin và Truyền thông nay sẽ tiếp cận nhanh hơn nghiên cứu của Bộ Khoa học và Công nghệ và tiếp cận gần hơn với cuộc sống”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá.
Hai bộ gộp với nhau sẽ thành bộ mới quan trọng của đất nước. Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 57. Đây là Nghị quyết chuyên đề đặc biệt quan trọng về đột phá phát triển về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số với nhiều quan điểm, giải pháp lớn có tính cách mạng.
Bộ Khoa học, Công nghệ và Truyền thông sẽ là lực lượng nòng cốt để hiện thực hóa Nghị quyết đặc biệt quan trọng này. Nghị quyết 57 xác định bộ ba: Khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là ba trụ cột chính để phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Trong đó khoa học công nghệ là nền tảng tạo ra tri thức và công cụ. Đổi mới sáng tạo là động lực chuyển hóa tri thức, công cụ mới thành ý tưởng,
giải pháp. Chuyển đổi số là hiện thực hóa tri thức, công cụ ý tưởng, giải pháp thành sản phẩm, dịch vụ và phổ cập vào cuộc sống để tạo ra các giá trị trong thực tế.
“Trong bộ ba này, đổi mới sáng tạo cũng là điểm chung của hai bộ, là cầu nối giữa khoa học, công nghệ và chuyển đổi số. Khoa học công nghệ cần đổi mới sáng tạo để thúc đẩy ứng dụng. Chuyển đổi số cũng cần đổi mới sáng tạo để thay đổi cách thức vận hành, quản trị và sáng tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của làm chủ khoa học công nghệ để làm chủ tiến trình chuyển đổi số Việt Nam, giao các doanh nghiệp nòng cốt là các dự án lớn về chuyển đổi số, giao các doanh nghiệp nòng cốt làm chủ các công việc chiếm được”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đây là một mũi tên trúng hai đích, vừa làm chủ tiến trình công nghệ chuyển đổi số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ lớn của đất nước. Tổng bí thư Tô Lâm sẽ là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Từ nay cho biết số đã thực sự trở thành sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân.
Năm 2025, chuyển đổi số Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn phát triển đột phá. Việt Nam kỳ vọng chuyển đổi số sẽ góp phần đặc biệt quan trọng để Việt Nam vươn mình đứng dậy mạnh mẽ, trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chuyển đổi số kinh tế số có thể có tới 3 % vào tăng trưởng GDP hàng năm của các nước đang phát triển.
Cũng trong chương trình hội nghị, Bộ TTTT chính thức ra mắt Mạng lưới truyền thông chính sách toàn quốc.