Cảm giác của ông như thế nào khi Việt Nam giành tới 52 HCV và vượt trên cả những cường quốc thể thao châu lục như Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc, thưa ông?
Đúng là con số 52 HCV thì nhiều quá. So với chỉ tiêu 22 HCV trước đó mà chúng ta đặt ra thì con số này nhiều người không nghĩ đến.
Nguyên nhân nào làm nên thành tích này của thể thao Việt Nam ở ABG 5, thưa ông?
Khi đã tham gia một kỳ Đại hội với tâm thế của một nước chủ nhà thì nước đó phải có sự chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng về công tác tổ chức cũng như công tác chuyên môn.
Ông Hoàng Vĩnh Giang cho rằng các cường quốc thể thao châu Á không chú ý nhiều tới ABG. |
Ngay sau khi biết được Việt Nam được quyền đăng cai, các bộ môn đều đã có sự tính toán kỹ càng. Mỗi trưởng bộ môn đều phải làm việc cật lực và gặp không ít áp lực. Họ phải chọn những giải đấu và tính toán VĐV chủ lực cho môn mình trong một quá trình dài, để làm sao khi đi làm giải đấu, bộ môn đó có được thành tích tốt nhất. Việc một nước chủ nhà có thành tích tốt cũng là cách để khẳng định nền thể thao của đất nước họ.
Cũng ở kỳ Đại hội này, vì nhiều lý do khác nhau mà các môn dưới nước như đua thuyền buồm, lướt sóng, dù lượn… Việt Nam chưa thể đưa vào Đại hội nên các môn khác như đá cầu, vovinam, võ cổ truyền… đã giúp chúng ta có thêm một số huy chương.
Ở ABG 4 được tổ chức ở Phuket, đoàn chủ nhà Thái Lan giành tới 56 HCV trong khi Trung Quốc xếp thứ 2 với vỏn vẹn 16 HCV. |
Tuy nhiên, không thể nói các môn đó chúng ta tận dụng ưu thế hoàn toàn được. Chẳng hạn như vovinam hay võ cổ truyền, Việt Nam chỉ giành vài huy chương đó thôi. Thể thao Việt Nam cũng đang đi theo đồ thị đi lên. Qua mỗi kỳ ABG, thành tích của chúng ta cũng dần đi lên. Và ở các kỳ Olympic, thể thao Việt Nam cũng như vậy. Nói thế để thấy việc chúng ta thành công ở ABG5 này là điều có thể lý giải được.
Tất cả những gì mà đoàn Việt Nam có được là từ sự nỗ lực, cố gắng và sự chuẩn bị chu đáo của một đoàn chủ nhà. Không thể phủ nhận công sức của cả một quá trình phấn đấu, tập luyện lâu dài được.
Ông nghĩ sao khi có quan điểm cho rằng các đoàn đến với ABG 5 mang theo VĐV không đúng với thực lực của họ?
Tôi nghĩ đó chỉ là nhận định chủ quan. Cần phải xem xét một cách thấu đáo rằng những cường quốc thể thao ở châu lục như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản chú trọng nhiều hơn đến sân chơi Olympic hay Asian Games.
Đó là những giải đấu mà họ bung hết sức để đầu tư và phù hợp với năng lực của họ. Còn đối với thể thao bãi biển, những cường quốc đó chỉ đầu tư một số môn trọng điểm và chủ yếu tham gia để học hỏi.
Đối với các nước Tây Á và Nam Á, việc lệch múi giờ đến 4-5 tiếng khiến họ bị ảnh hưởng phần nào về nhịp sinh học. Hơn thế, thời gian thích nghi của họ với điều kiện thời tiết nước ta rất ngắn nên không có phong độ tốt nhất cũng là điều hiển nhiên.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!