1. Cần phải nhắc lại rằng đây mới là lần đầu tiên Đại hội Thể thao Đông Nam Á bán bản quyền truyền hình. Trong suốt 31 kỳ SEA Games đã qua, các nước chủ nhà đều không bán bản quyền mà chỉ thu một khoản tượng trưng gọi là phí truyền dẫn. Con số này ở SEA Games 31 tại Việt Nam là 10.000 USD, còn trước đó ở SEA Games 30 tại Philippines là 5.000 USD.
Chính vì đã rất quen với thông lệ này, nên người Thái cảm thấy choáng váng trước cái giá 800 nghìn USD (xấp xỉ 28 triệu baht) mà nước chủ nhà Campuchia nêu ra. Con số này đắt gấp 80 lần số tiền Cơ quan thể thao Thái Lan (SAT) phải bỏ ra ở SEA Games 31.
"Mức giá này nằm ngoài tưởng tượng và chúng tôi không thể chấp nhận. Chúng tôi sẽ phải tham khảo các nước láng giềng nào đã mua bản quyền", thống đốc SAT Kongsak Yodmanee cho biết.
Dự kiến, SAT sẽ chốt vấn đề bản quyền trong tháng Ba này. Và không loại trừ khả năng người Thái sẽ không được xem SEA Games trên truyền hình, hoặc nếu có thì cũng chỉ một vài môn thể thao đáng quan tâm nhất như bóng đá.
Đây không phải lần đầu tiên, Thái Lan gặp những khó khăn về bản quyền. Cuối năm ngoái, đội tuyển Thái Lan dự AFF Cup mà người hâm mộ bóng đá nước này cũng không thể xem đội nhà thắng Brunei 5-0 qua truyền hình. Nhưng sau đó, công ty xổ số trực tuyến Lottery Plus đã chi 67 triệu bath (1,9 triệu USD) để mua bản quyền giải đấu này. Trước đó, người Thái tưởng như cũng không được xem World Cup 2022, nhưng đến phút chót, SAT và một số doanh nghiệp tư nhân đã huy động đủ 1,4 tỷ baht (33 triệu USD) để mua bản quyền giải đấu này.
2. Trở lại vấn đề bản quyền của SEA Games 32. Con số 800 nghìn USD liệu có phải quá đắt, nếu so với 1,9 triệu USD của AFF Cup 2022? Chia sẻ về vấn đề này, ông Wat Chamroen, Tổng thư ký Ủy ban tổ chức SEA Games 2023 (CAMSOC) khẳng định: "Thứ nhất, Campuchia không phải là bên để ấn định mức giá này. Nó phụ thuộc vào thương lượng và giá trị thị trường. Chúng tôi luôn tuân theo các tiêu chuẩn của SEA Games. Chúng tôi không thể đặt một mức giá cố định. Thứ hai, các phương tiện truyền thông và các quốc gia có giá trị thị trường lớn hơn sẽ trả giá cao hơn là điều bình thường. Do đó, Thái Lan đắt hơn tất cả các quốc gia ASEAN khác".
Thực ra, tại Nakhon Ratchasima 2007, chính Thái Lan là nước đã đề xuất vấn đề khai thác thương mại với bản quyền truyền hình. Nhưng tại hội nghị Liên đoàn thể thao Đông Nam Á, đề xuất này đã không được thông qua với lý do SEA Games là sự kiện chung của Đông Nam Á và cần phải được lan tỏa tối đa.
Mặc dù vậy, giống như nhiều sự kiện thể thao châu lục và thế giới, việc thu phí bản quyền là xu thế tất yếu. Theo lời ông Venu Ganesh Ramadas - đại diện Ban bản quyền và sản xuất thuộc ban tổ chức SEA Games - thì " việc thu phí bản quyền truyền hình giúp giảm gánh nặng chi phí tổ chức sự kiện cho các quốc gia đăng cai, đồng thời tăng doanh thu và phát triển về mặt thương mại".
Thể thao Đông Nam Á nằm trong dòng chảy của thể thao châu lục và thế giới, nên chuyện bán bản quyền là xu thế tất yếu. Điều quan trọng là các bên sẽ ngồi với nhau để đưa ra phương án hợp lý nhất.