1. Trong bối cảnh mặt bằng bóng đá châu Âu vẫn còn chịu nhiều tác động về mặt kinh tế bởi COVID-19, thì Premier League hoàn toàn không bị ảnh hưởng. Điều này thể hiện qua sắc thái mà các CLB Anh thể hiện trên thị trường chuyển nhượng. Có đến 9 bản hợp đồng có giá trị từ 60 triệu euro trở lên (quy đổi theo thị trường chung tại châu Âu), gấp 3 lần so với mùa trước.
Ở thời hậu đại dịch, chỉ có Man City, MU và Chelsea thực hiện 3 thương vụ lớn. Mùa giải 2022 - 2023, ngoài ba đội kể trên, còn có sự hiện diện của Liverpool và Newcastle. Những cuộc chạy đua vũ trang mang tính chất quyết định đến kết quả trên sân cỏ. Khi chuyển nhượng sai lầm, cái giá phải trả rất đắt. Chelsea là ví dụ, với cuộc khủng hoảng không hồi kết. Ngược lại, Man City và Newcastle cho thấy hiệu quả về việc tiêu tiền.
Những đồng tiền mà Man City bỏ ra giúp đội giành Premier League mùa thứ 3 liên tiếp. Không chỉ vậy, đội quân của Pep Guardiola còn đang hướng đến cú "ăn ba", với hai trận chung kết FA Cup (gặp MU) và Champions League (Inter). Trong kỷ nguyên Premier League, chỉ có MU từng làm được điều này, nên có thể thấy công trình mà Pep xây dựng tốt như thế nào. Newcastle thì thường xuyên hiện diện trong Top 4 và kết thúc mùa giải bằng chiếc vé trở lại Champions League sau 20 năm vắng mặt.
Premier League là giải đấu của thương mại và giải trí. Chính nhờ vậy mà sân chơi càng thêm hấp dẫn và thu hút ngôi sao. Nếu Man City vô địch Champions League, sẽ là chiến thắng chung của bóng đá Anh. Tất cả đều thoải mái mua sắm mà không gặp hạn chế như những giải hàng đầu châu Âu khác.
2. Man City là quyền lực tối thượng và Erling Haaland đóng vai trò bản hợp đồng lịch sử. Trong mùa đầu tiên đến với bóng đá Anh, cầu thủ người Na Uy không hề bỡ ngỡ mà không ngừng chinh phục các kỷ lục ghi bàn. Ngay thời điểm có 22 CLB tranh tài cũng không ai làm được như anh. Haaland chỉ cần chưa đầy 80 phút để có 1 bàn thắng ở Ngoại hạng Anh, và 63 phút lại một lần lập công trên sân chơi châu Âu.
Người hâm mộ Man City phấn khích với Haaland thì cổ động viên Brighton cuồng nhiệt cùng vũ điệu Roberto De Zerbi. Là giải pháp thay Graham Potter, De Zerbi biến Brighton thành đội bóng hoàn toàn khác, cầm bóng nhiều hơn, chủ động tấn công trước bất kỳ đối thủ nào để lần đầu tiên giành được chiếc vé châu Âu, với suất vào thẳng vòng bảng Europa League. Ngày đoạt vé này, họ sút 20 lần trước Man City, điều mà không có CLB nào làm được.
Brighton của De Zerbi xứng đáng điểm 10 cho hành trình vừa qua. Họ là CLB rất đáng xem với người hâm mộ trung lập, khi kiểm soát bóng tốt thứ 3 ở giải đấu (60,3%), chỉ kém Man City (64,7%) và chênh lệch rất thấp với Liverpool (60,6%). Ở khía cạnh khác, Fulham cũng đáng điểm 10 khi từ một tân binh bị đánh giá thấp chiếm giữ vị trí giữa bảng xếp hạng. Tương tự là Brentford, đội luôn rất tự tin và đá sòng phẳng với bất kỳ ai.
Tất nhiên, không thể bỏ qua Arsenal. Dù hụt hơi vào giai đoạn cuối và lỡ hẹn chức vô địch, nhưng "Pháo thủ" có mùa giải vượt chỉ tiêu. Hãy nhớ, họ chỉ khiêm tốn với mục tiêu vào Top 4 sau 6 mùa liên tiếp vắng mặt ở Champions League. Đội ngũ trẻ trung của Mikel Arteta học được rất nhiều điều bổ ích để bước vào mùa sau.
3. Ở chiều ngược lại, Chelsea có mùa giải thảm họa. "The Blues", sau khi đổi chủ, lần lượt sa thải Thomas Tuchel và Graham Potter để rồi sa lầy với Frank Lampard dù chi tiêu kỷ lục. Phần lớn hợp đồng có chi phí cao của Chelsea không hiệu quả, cùng với sai lầm trong điều hành của Chủ tịch Todd Boehly. Cuối cùng, vị trí của đội cách nhóm dự cúp châu Âu xa hơn khu vực xuống hạng.
Trước khi chìm nghỉm với Chelsea, Lampard là tội đồ trong mắt cổ động viên Everton khi phá nát một tập thể có lực khá tốt. Brendan Rodgers là HLV thất bại khác, nhưng vấn đề của ông đến từ việc Leicester không chi tiền mua cầu thủ đáng chú ý nào, sau khi mất Fofana và Kasper Schmeichel. Antonio Conte thì để cái tôi lấn át, khiến Tottenham khủng hoảng và ông bị sa thải.
Chelsea có mùa giải đáng quên, nhưng mùa sau hứa hẹn cải thiện rất nhiều, giống như Liverpool cần có sự chuyển tiếp trong đội hình. Trước khi chờ mùa giải mới, phiên chợ hè chắc chắn rất hấp dẫn, đặc biệt là MU với ngân sách khổng lồ nhờ việc trở lại Champions League.