Góc nhìn chuyên gia: U22 Việt Nam thắng chưa to nhưng lại nhiều nỗi lo

Chuyên gia Đoàn Minh Xương cho rằng vẫn biết sẽ có khó khăn nhưng không nghĩ đội tuyển U22 Việt Nam phải vất vả như thế ở trận ra quân tại SEA Games 32: "Những thách thức như dự báo trước đó đã ập đến ngay trong trận đấu gặp U22 Lào. Có được chiến thắng đầu tay nhưng đọng lại nhiều nỗi lo cho hành trình tiếp theo của chúng ta".

1. Với nhìn nhận của mình, chuyên gia Đoàn Minh Xương chia sẻ: "Đội tuyển U22 Việt Nam chỉ ăn ở tình huống với 2 bàn thắng đầu trận và cuối trận, còn lại thế trận của chúng ta không hơn đội tuyển U22 Lào. Một lối chơi không rõ ràng, ít điểm nhấn khi đơn điệu trong tấn công và có nhiều lỗ hổng ở hệ thống phòng ngự.

Chú thích ảnh
U22 Việt Nam thắng Lào nhưng để lại khá nhiều nỗi lo. Ảnh: TTXVN

Không khó nhận ra hệ thống chiến thuật của đội tuyển U22 Việt Nam ở trận đấu này. HLV Philippe Troussier xếp đội hình 3-4-3 với ý đồ rất rõ chú trọng kiểm soát bóng, chuyền bóng luân chuyển nhằm tìm cách tổ chức tấn công. Lối chơi này phụ thuộc nhiều vào sự sáng tạo của tiền vệ công, bộ ba tiền đạo phía trên cùng với 2 cầu thủ chạy cánh.

Trong suốt hiệp 1, bộ đôi tiền vệ trung tâm Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Đức Phú không để lại nhiều ấn tượng trong cách chơi này. Những thay đổi ở vị trí tổ chức tấn công trong hiệp 2 cũng chưa thể mang lại hiệu quả như mong đợi. Huỳnh Công Đến vào sân ngay đầu hiệp 2 để chơi trong vai trò tổ chức tấn công cũng chưa thật sự ấn tượng. Hay khi Đinh Xuân Tiến vào chơi ở vị trí của Nguyễn Văn Tùng khoảng chừng 15 phút cuối trận cũng không khá hơn là mấy".

2. Chuyên gia Đoàn Minh Xương đưa ra nhìn nhận: "Rất dễ nhận thấy đội tuyển U22 Việt Nam chỉ kiểm soát bóng chứ chưa thể chủ động áp đặt để dồn ép đổi thủ. Thậm chí, khi đối phương thoát được pressing hoặc họ tổ chức vây ráp ở phần sân của chúng ta đã khiến các cầu thủ U22 Việt Nam bị động.

Chính ở những tình huống như thế, các cầu thủ U22 Việt Nam lúng túng và chuyền sai rất nhiều. Chưa kể, trong hiệp 1 dù cầm bóng không có ai áp sát nhưng những đường chuyền phát động của Vũ Tiến Long cũng sai khá nhiều. Hiệp 2 đến lượt Phan Tuấn Tài lặp lại điều này.

Việc các cầu thủ U22 Lào chơi kỷ luật, lăn xả đã khiến khả năng phối hợp nhỏ của U22 Việt Nam bị hạn chế. Họ không ngại va chạm và cũng cầm bóng tự tin, tạo ra nhiều sức ép về phía khung thành của Quan Văn Chuẩn.

Thậm chí, những pha xuống bóng của đội tuyển U22 Lào có ý đồ rõ ràng và nguy hiểm hơn cả chúng ta. Đội tuyển U22 Lào đã có những pha xuống bóng ở "nách" hoặc "vai" hệ thống phòng ngự U22 Việt Nam để khai thác khoảng trống giữa 2 trung vệ lệch trái, phải và 2 cầu thủ chạy cánh rất hay.

Những tình huống xuống bóng như thế của U22 Lào đều có ý đồ và nguy hiểm. Ví như ở phút 73, cầu thủ số 2 Phoutthavong Sangvilay chuyền bóng xẻ nách rất hay để cầu thủ số 7 Anousone Xaypanya đá tung nách lưới.

Cũng chính Phoutthavong Sangvilay ở phút 75 đá phạt từ cánh phải cho Klein Theo đánh đầu dội xà ngang khung thành thủ môn Quan Văn Chuẩn. Thủ môn Quan Văn Chuẩn chơi hay ở những tình huống đó chứ không đã rất khó cho đội tuyển U22 Việt Nam.

Tựu trung lại, trận đấu này đã để lại nhiều nỗi lo cho người hâm mộ Việt Nam. Nỗi lo khi thấy đội tuyển U22 Việt Nam chưa thể có một lối chơi mạch lạc hay thế trận nhỉnh hơn U22 Lào. Lối chơi của U22 Việt Nam thiếu đi tính nhịp điệu khi cần nhanh lại chậm, khi cần giảm nhịp độ lại vội vàng, hấp tấp".

3. Chuyên gia Đoàn Minh Xương đã có những lo lắng: "Nhìn U22 Việt Nam đá trận này đã để lại những câu hỏi đầy băn khoăn. Thứ nhất, có phải chất lượng của lứa cầu thủ này không quá nổi trội hay không? Thứ hai, có thể lứa U22 này vẫn tốt nhưng lối chơi kiểm soát bóng mà HLV Troussier đang áp dụng không phù hợp với phẩm chất của họ?

Thứ ba, lứa cầu thủ trẻ này có thể đá được khi chơi với cách khác chứ không phải triết lý kiểm soát bóng như thế này? Tôi đang phân vân giữa những điều đó từ đội tuyển U22 Việt Nam. Vậy nên, cùng chờ xem ở các trận đấu tiếp theo thế nào?

Bởi nói gì thì nói, chọn lựa cách chơi thế nào, trước hết phải có con người và quan trọng hơn nữa là con người phù hợp với cách chơi đó. Hơn thế, bài vở chơi phòng ngự, phản công của HLV Park Hang Seo trong hơn 5 qua không chỉ gói gọn ở các cấp độ đội tuyển quốc gia, U23 mà còn ảnh hưởng đến tầm rộng hơn của bóng đá Việt Nam ở V-League, các CLB, thậm chí trong việc đào tạo trẻ hay các đội tuyển trẻ Việt Nam.

Để thay thế, để tiếp cận, để thấm nhuần, nhuần nhuyễn với cách chơi mới không những cần con người, còn cần cả thời gian.

Tóm lại, 3 điểm ở trận ra quân có thể sẽ giải tỏa được áp lực, tiếp thêm tinh thần cho cầu thủ chúng ta ở những trận đấu tiếp theo. Hy vọng, mọi thứ sẽ tốt dần lên ở những trận đấu sặp đến dành cho đội tuyển U22 Việt Nam".

Theo Thethaovanhoa.vn
SEA Games 32: HLV Troussier hài lòng với chiến thắng của U22 Việt Nam
SEA Games 32: HLV Troussier hài lòng với chiến thắng của U22 Việt Nam

U22 Việt Nam đã giành chiến thắng 2-0 trước U22 Lào trong trận đấu đầu tiên ở Bảng B môn bóng đá Nam SEA Games 32 nhờ các pha lập công của Văn Tùng và Quốc Việt ở các phút thứ 2 và bù giờ thứ 2 của trận đấu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN