Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1/1/1914 - 1/1/2024), nhiều công trình nghiên cứu, nhiều ấn phẩm mới về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng đã được các tác giả, gia đình cùng nhiều nhà xuất bản lớn xây dựng và ấn hành chính thức, trong đó đáng chú ý có cuốn sách “Những câu chuyện về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh” (Chủ biên: cố Thượng tướng Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Vịnh - con trai Đại tướng Nguyễn Chí Thanh) do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phối hợp với gia đình Đại tướng biên soạn và phát hành.
Phần thứ bảy của cuốn sách có chủ đề "Ông tướng" văn nghệ" kể lại, ngày trẻ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là người rất say mê các làn điệu dân ca, hò vè truyền thống của quê hương. Khi trở thành người chỉ đạo công tác Đảng, công tác chính trị, tư tưởng trong Quân đội, Đại tướng hiểu rất rõ vai trò của văn hóa - văn nghệ - thể thao với bộ đội.
Sau đại thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneva được ký kết, hòa bình được lập lại, một thời kỳ mới của đất nước bắt đầu. Với tầm nhìn xa, thấy rộng của người lãnh đạo, Đại tướng lúc đó trên cương vị là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã ký Chỉ thị thành lập một Đội công tác Thể dục thể thao Quân đội. Ngày 23/9/1954, đội được thành lập, biên chế và trực thuộc Tổng cục Chính trị; được bộ đội quen gọi là Thể Công, tiền thân của Trung tâm Thể dục thể thao Quân đội và Trung tâm Thể thao Viettel hiện nay. Đội có nhiệm vụ làm đại diện cho Quân đội trên một số môn thể thao được nhiều người ưa thích, để thi đấu với các ngành, các địa phương; cùng các đội văn công tiếp quản Thủ đô Hà Nội và các đô thị lớn, tổ chức các hoạt động thể thao văn hóa, góp phần ổn định đời sống tinh thần lành mạnh ở các vùng giải phóng. Đội cũng là nòng cốt để xây dựng phong trào và đào tạo cán bộ thể dục thể thao cho Quân đội.
Theo Thượng tá Cao Tâm Tình, Phó giám đốc Trung tâm Thể dục thể thao Quân đội (Cục Quân huấn, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam), sinh thời, dù bận nhiều công việc lớn, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vẫn rất quan tâm, dành nhiều thời gian và tâm trí chỉ đạo đội từ tổ chức lực lượng đến phương hướng, phương châm hoạt động. Sau mỗi trận đấu thành công, Đại tướng biểu dương. Lúc có sai lầm, khuyết điểm, Đại tướng nhắc phải kiểm điểm, tìm cho ra nguyên nhân mà sửa.
Một yêu cầu trước sau không thay đổi của Đại tướng đối với Thể Công là phải luôn xứng đáng là “Người lính của Bác Hồ” trên lĩnh vực thể dục thể thao; chiến sỹ quân đội không chỉ biết chiến đấu còn phải biết công tác. Công tác là các hoạt động tuyên truyền văn hóa, thể thao, lấy sự nỗ lực của mình trong lĩnh vực ấy làm ngọn cờ đầu.
Trong cuốn sách "Những câu chuyện về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh" cũng có đoạn kể lại: "Các thành viên, cầu thủ đội bóng đá Thể Công thời kỳ đầu thành lập luôn nói: “Đội Thể Công là do Thủ trưởng Nguyễn Chí Thanh thành lập, phát triển vượt bậc trong một thời gian ngắn có công lao phần lớn của anh Thanh”.
Đội bóng đá Thể Công là lực lượng chính của Đoàn Công tác thể dục, thể thao Quân đội. Ban đầu, đội chỉ có 11 cầu thủ bóng đá, phần lớn là học viên có năng khiếu bóng đá của Trường Sĩ quan Lục quân và những cầu thủ cũ theo kháng chiến, đi cùng đoàn quân chiến thắng vào tiếp quản Thủ đô. Ngay từ những ngày đầu ở Hà Nội, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh ưu tiên dành cho đội đóng quân ở sân Cột Cờ, tổ chức luyện tập và tham gia các hoạt động thể dục thể thao. Sân Cột Cờ được lấy làm sân nhà của Đội Thể Công.
Thể Công không chỉ là nòng cốt của phong trào, là đội bóng chủ lực giữ vị trí hàng đầu mà còn là một biểu tượng của bóng đá Việt Nam từ năm 1954 đến những năm trước thời kỳ đổi mới. Trong bối cảnh còn khó khăn, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng cấp chế độ dinh dưỡng, điều kiện luyện tập cho đội bóng.
"Vốn là người yêu thích thể thao, nhất là bóng đá, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã dành những tình cảm đặc biệt cho Đội Thể Công. Dù bận nhiều việc nhưng cứ thu xếp được thời gian là ông đến thăm các cầu thủ luyện tập. Ông thường có mặt cổ vũ, Thể Công đá ở đâu là có ông đến xem ở đấy. Các sân Hàng Đẫy, Cột Cờ ở Hà Nội; rồi Hải Phòng, Thanh Hóa, Sơn Tây... ông đi hết, hò reo khản cổ. Khi về đến nhà vẫn còn khí thế bừng bừng, thắng thì khỏi nói, thua thì xuýt xoa... Một cổ động viên thực thụ!". (trích "Những câu chuyện về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh", Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, tr.212)
Tình cảm và sự quan tâm đó đã trở thành động lực để các cầu thủ Thể Công vượt lên chiếm giữ đỉnh cao của làng bóng đá Việt nhiều năm và là nhịp cầu hữu nghị trong các giải đấu trong và ngoài nước.
Đáp ứng lòng mong mỏi của Đại tướng, các thế hệ cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên của Thể công trước kia, Trung tâm Thể dục thể thao Quân đội và Trung tâm Thể thao Viettel sau này luôn nỗ lực, cố gắng, khắc phục mọi khó khăn gian khổ trong tập luyện và thi đấu. Không chỉ đạt nhiều thành tích thi đấu thể dục thể thao vẻ vang ở trong nước và quốc tế, thể thao còn trở thành một lĩnh vực công tác quan trọng của Quân đội nhân dân Việt Nam, góp phần lan tỏa tinh thần rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại trong toàn quân cũng như trong toàn dân ta. Thể thao Quân đội đã được nhiều người hâm mộ ghi nhận là một "binh chủng" đặc biệt của Quân đội nhân dân Việt Nam theo lời di huấn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.