COVID-19: Khi các sân bóng trở thành bệnh viện

Đối với người Brazil, sân Pacaembu ở Sao Paulo là một thánh địa bóng đá. Ở đấy, vào tháng 5/1958, Pele và Garrincha đã lần đầu tiên đá bên nhau trong màu áo vàng - xanh (thắng Bulgaria 3-1). Nhiều năm qua, nó đóng một vai trò khác đối với bóng đá Brazil khi trở thành bảo tàng lịch sử bóng đá, với rất nhiều hiện vật gợi lại một thời kì xa xưa của không chỉ bóng đá thế giới, mà còn bóng đá Brazil. Tôi đã từng đến đây vào năm 2014, lặng người trước những hiện vật ấy, thậm chí, trong một giây phút nào đó, đã hình dung ra cảnh Pele và Garrincha đi bóng trước mắt mình.

Chú thích ảnh
Sân Pacaembu huyền thoại nay đã trở thành một bệnh viện dã chiến chăm sóc bệnh nhân COVID-19. Ảnh: DM

Nhưng bây giờ, Pacaembu còn đóng một vai trò khác nữa trong cuộc chiến chống bệnh dịch. Từ nhiều ngày nay, nó trở thành một bệnh viện dã chiến. Trên mảnh sân mà nửa thế kỉ trước, những thần tượng lớn nhất của bóng đá Brazil đi bóng và ghi bàn, đã xuất hiện những lều bạt và giường bệnh để chăm sóc các bệnh nhân của COVID-19.

Maracana, sân bóng lớn nhất Brazil, một biểu tượng lớn của bóng đá nước này, cũng đã gạt sang bên vai trò chính của nó là sân vận động, mà bây giờ tập trung chăm sóc các bệnh nhân để giảm áp lực cho các bệnh viện.

Trên đất nước cuồng si vì bóng đá Brazil, khi trái bóng không còn lăn nữa vì dịch bệnh, các sân bóng như Pacaembu, Maracana, các trung tâm tập luyện của các CLB như Santos, Botafogo, Atletico Paranaense và thậm chí cả trụ sở của đội Corinthians huyền thoại, cũng đã được huy động để cùng chống dịch.

Cách Brazil hàng nghìn cây số, một biểu tượng khác của bóng đá cũng bắt đầu tiếp nhận các bệnh nhân. Đó là Coverciano, trung tâm tập luyện của đội tuyển Italy, ở miền Trung của đất nước hình chiếc ủng. Toàn bộ khu tập huấn với 54 giường, nơi mà các HLV và tuyển thủ Italy luôn tập trung trước các trận đấu của đội Thiên thanh, bây giờ được dành cho người bệnh.

Thế giới bóng đá trong mùa dịch bây giờ là như thế. Khi các giải VĐQG ngừng lại, các trận đấu không tiếp diễn, các sân bóng ở khắp nơi trên thế giới, từ Nicaragua đến Indonesia, từ Mỹ cho đến Italy đã trở thành các bệnh viện. Ngay cả sân bóng bầu dục ở Cardiff, xứ Wales, cũng đang chứa 2 nghìn giường bệnh.

Và không chỉ như thế, tại Nam Phi, sân Loftus ở thủ đô Pretoria, từng diễn ra một số trận đấu của World Cup 2010, giờ là nơi trú ngụ của người vô gia cư. Westfalen, sân của Dortmund, SVĐ lớn nhất nước Đức, đã biến thành nơi chăm sóc bệnh nhân COVID-19 lớn nhất nước này. Khu đỗ xe của SVĐ Tottenham, trở thành nơi chứa hàng cung cấp cho những người nghèo hoặc vô gia cư. Còn ở Pháp, sân Velodrome huyền thoại của đội Marseille giờ là nơi nghỉ ngơi cho các nhân viên y tế, đồng thời cung cấp các kho chứa thực phẩm và dụng cụ y tế. Trong khi đó, ở Tây Ban Nha, những người vô gia cư có thể đến sân Riazor của Deportivo La Coruna để được cung cấp chỗ ăn và ngủ những ngày này.

Có không ít câu chuyện xúc động về việc bóng đá đã làm những gì để cùng thế giới đẩy lùi bệnh dịch. Nó xua đi những câu hỏi ám ảnh về việc liệu bao giờ trái bóng có thể lăn trở lại trên sân cỏ và bóng đá thế giới có thể thiệt hại bao nhiêu tiền vì trái bóng không lăn. Nó làm cả những cuộc tranh cãi về việc cầu thủ có giảm lương hay không, và nếu giảm, sẽ là bao nhiêu để cùng các đội bóng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Họ, những triệu phú, chắc chắn không thể đứng ngoài mà không hành động trong giai đoạn này, và nhiều ngôi sao lớn của bóng đá đã có những việc làm cụ thể vì cộng đồng. Nhưng luôn cháy bỏng vẫn là nỗi khát khao thấy bóng đá và các môn thể thao trở lại. Đã một tháng trôi qua ngày các giải VĐQG ở châu Âu tạm ngừng. Ngày trái bóng bắt đầu lăn lại được, các khán đài lại đầy ắp khán giả và trên sân bóng, các bệnh viện dã chiến được dỡ đi, các cầu thủ lại chơi bóng trên các thảm cỏ, đấy là khi cuộc sống bình thường đã trở lại.

Thế giới đang sắp kỉ niệm 75 năm ngày kết thúc Thế chiến II. Đấy là cũng khoảng thời gian gần nhất bóng đá nói riêng và thể thao thế giới nói chung gián đoạn trong nhiều năm vì chiến tranh. COVID-19 không phải là súng đạn, nhưng nó có sức công phá không kém gì chiến tranh. Nó đang khiến một nửa dân số thế giới bị cầm tù trong chính nhà họ, làm các nền kinh tế đình đốn và làm toàn cầu hóa ngưng trệ. Nó khiến chúng ta cảm thấy nhớ bóng đá đến thế nào. Mong lắm, cho ngày trái bóng lăn trở lại…

Theo Thethaovanhoa.vn
Mục sở thị bệnh viện dã chiến chống COVID-19 lớn nhất Anh
Mục sở thị bệnh viện dã chiến chống COVID-19 lớn nhất Anh

Bệnh viện dã chiến Nightingale của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) điều trị dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do virus SARS-CoV-2 gây ra đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 3/4.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN