Chủ tịch Ủy ban Olympic: Thể thao là ‘chất keo xã hội’ hậu COVID-19

Theo trang web của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), “Ngọn lửa Olympic có thể là ánh sáng ở cuối đường hầm tối tăm mà loài người tìm thấy”, Chủ tịch IOC, ông Thomas Bach mở đầu bức thư dài gửi đến tất cả những người yêu và quan tâm đến nhịp đập của thể thao, chia sẻ quan điểm của mình về tinh thần Olympic, những ảnh hưởng và cơ hội sau đại dịch COVID-19.

Đối mặt với COVID-19 bằng tinh thần thể thao

Chia sẻ về những khó khăn mà thể thao thế giới đang phải gánh chịu, ông Thomas Bach khẳng định, “Ngọn lửa Olympic có thể là ánh sáng ở cuối đường hầm tối tăm mà loài người tìm thấy”.

Chú thích ảnh
Ông Thomas Bach viết một bức thư dài gửi đến những người yêu thể thao và hướng đến tinh thần Olympic. Ảnh: IOC.

Ông chia sẻ: “Sự lây lan của vi rút trên toàn cầu đã khiến Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 phải hoãn lại đến năm 2021, một quyết định lịch sử được đưa ra để bảo vệ sức khỏe của các vận động viên và hàng trăm ngàn người tham gia Thế vận hội.

Việc hoãn tổ chức Thế vận hội Olympic là tình huống thể hiện sự đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm và linh hoạt. Tất cả chúng ta sẽ cần phải hy sinh và thỏa hiệp. Đối với IOC, tổ chức này sẽ tiếp tục chịu trách nhiệm về hoạt động và phần chi phí cho các sự kiện hoãn này, theo các điều khoản của thỏa thuận hiện có cho năm 2020 đối với Ban tổ chức Nhật Bản. Mặc dù còn quá sớm để đưa ra một con số chính xác, tuy nhiên IOC xác định phải gánh chịu hàng trăm triệu USD chi phí từ quyết định này”.

Liên quan đến việc hỗ trợ cộng đồng Olympic bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng này, ông Bach cho biết, IOC cũng đã có những cuộc thảo luận rất hiệu quả với các vận động viên, Ủy ban Olympic quốc gia và Liên đoàn quốc tế, cũng như các đối tác thương mại và nhà tài trợ của mình. Trước mắt, IOC đã mở rộng tất cả các khoản tài trợ Olympic cho các Ủy ban Olympic quốc gia để trang trải công tác chuẩn bị cho Thế vận hội. Điều này cũng áp dụng cho các khoản tài trợ cho 1.600 vận động viên giành học bổng Olympic trên toàn thế giới và đội tị nạn của IOC.

IOC mong muốn biến lễ kỷ niệm Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 bị hoãn lại thành một lễ hội đoàn kết cho loài người và là biểu tượng cho sự kiên cường của con người để vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19.

Ba kịch bản tác động của COVID-19

“Ngọn lửa Olympic có thể là ánh sáng ở cuối đường hầm tối tăm mà loài người tìm thấy”, ông Bach nhấn mạnh trước khi đi sâu vào dự báo những kịch bản có thể diễn ra sau khi thể thao thế giới gặp khó khăn nặng nề vì bệnh dịch.

“Tại thời điểm này, không ai biết thực tế của thế giới hậu COVID-19 sẽ như thế nào, nhưng nếu chúng ta muốn chuẩn bị, chúng ta cần cố gắng nhìn xa hơn. Có thể tưởng tượng 3 kịch bản rộng lớn nhưng sẽ khác nhau tùy theo quốc gia, nền văn hóa khu vực.

Trong kịch bản đầu tiên, xã hội sẽ cố gắng tiếp tục giống như trước cuộc khủng hoảng. Với kịch bản này, cuộc khủng hoảng hiện nay rất có thể sẽ làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng xã hội và kinh tế hiện có. Thế giới sẽ không thể vượt qua những điều này bằng các thuật toán máy tính dựa trên dữ liệu xuất phát từ quá khứ, giống như từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Cuộc khủng hoảng này rất khác. Để vượt qua cuộc khủng hoảng này đòi hỏi sự xuất sắc, kinh nghiệm và sáng tạo của con người.

Kịch bản thứ hai là sự thúc đẩy nhiều hơn của chủ nghĩa vị kỷ và lợi ích cá nhân. Kịch bản này có thể dẫn đến các xã hội thậm chí chia rẽ nhiều hơn, bất bình đẳng hơn, với tất cả các rủi ro xã hội. Nó sẽ dẫn đến một sự xấu đi nghiêm trọng của quan hệ quốc tế, chủ nghĩa bảo hộ và đối đầu chính trị trong tất cả các khía cạnh của đời sống con người: kinh tế, thể thao, văn hóa, viện trợ nhân đạo, mọi thứ sẽ trở thành một công cụ chính trị trong cuộc đối đầu chính trị này.

Kịch bản thứ ba là đoàn kết và hợp tác quốc tế hơn. Kịch bản này có nghĩa là chúng ta đã hiểu rằng chúng ta không thể dự đoán hoặc định hình trạng thái tương lai của thế giới bằng cách chỉ dựa vào công nghệ, và không một cá nhân, không chính phủ, quốc gia nào có thể tự mình giải quyết các vấn đề lớn của nhân loại. Điều này sẽ dẫn đến những nỗ lực chia sẻ khó khăn của cuộc khủng hoảng một cách công bằng giữa người dân và các quốc gia, và để củng cố trật tự thế giới công bằng và hợp tác.

Bất kỳ yếu tố nào trong các kịch bản này chiếm ưu thế, đều sẽ có ảnh hưởng cơ bản đến thể thao và xã hội nói chung. Được đúc kết bởi các giá trị Olympic về hòa bình, đoàn kết, tôn trọng và thống nhất trong sự đa dạng, IOC có thể có đóng góp quan trọng cho thế giới hậu COVID-19. Nhờ có nhiều cải cách của Chương trình nghị sự Olympic 2020, chúng tôi đang tận hưởng sự ổn định lâu dài. Điều này cho phép chúng tôi gánh vác không chỉ phần chia sẻ của chúng tôi về chi phí hoãn Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 mà đồng thời tiếp tục hỗ trợ các vận động viên và các bên liên quan đến Olympic. Tuy nhiên, không có lý do để tự mãn. Thế giới hậu COVID-19 sẽ đối đầu với nhiều thách thức hơn, đặc biệt là những vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị. Do đó, chúng ta phải thúc đẩy Chương trình nghị sự Olympic 2020 và điều chỉnh nó”, ông Bach chia sẻ.

Thể thao quan trọng về mặt kinh tế, là ‘chất keo xã hội’ hậu COVID-19

Trong xã hội hậu COVID-19, thể thao đóng góp vao trò rất lớn cho sức khỏe. Nếu như các nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã minh minh cho điều này ở các bệnh không lây nhiễm trước đây thì cuộc khủng hoảng virus SARS-CoV-2 cho chúng ta biết thể thao tăng cường sức khỏe cũng giúp khắc phục các bệnh truyền nhiễm như thế nào.

Theo đó, lãnh đạo của thể thao Olympic thế giới khẳng định: “Thể thao và hoạt động thể chất là công cụ chi phí thấp nhất cho một xã hội lành mạnh. Chúng ta có thể làm nổi bật tầm quan trọng của thể thao đối với sự hòa nhập. Đôi khi, thể thao là hoạt động duy nhất đoàn kết mọi người bất kể nền tảng xã hội, chính trị, tôn giáo hay văn hóa của họ. Thể thao là chất keo gắn kết một xã hội với nhau”.

Chia sẻ về những tác động về kinh tế, xã hội do COVID-19, ông Bach cũng lo lắng những ảnh hưởng lâu dài và sâu sắc đến thể thao của các quốc gia. Ông đề xuất chính phủ các nước cần đánh giá cao và tôn vinh sự đóng góp to lớn của thể thao đối với sức khỏe cộng đồng, tầm quan trọng của nó đối với sự hòa nhập, đời sống xã hội và văn hóa và vai trò quan trọng của nó đối với nền kinh tế quốc gia của họ.

Ví dụ, ở châu Âu, một nghiên cứu gần đây cho thấy thể thao đóng góp hơn hai phần trăm vào tổng sản phẩm nội địa, một đóng góp khiến thể thao quan trọng hơn về mặt kinh tế so với một số ngành kinh tế truyền thống. Nghiên cứu tương tự cho thấy gần 3% của tất cả các công việc ở châu Âu có liên quan đến thể thao.

Trong một nghiên cứu khác, chứng minh rằng thể thao không chỉ đóng vai trò xã hội tích cực mà còn là một nền kinh tế trong việc giúp thế giới phục hồi sau khủng hoảng. Thể thao có thể là một phần của giải pháp. Để đạt được điều này, chính phủ phải đưa thể thao vào các chương trình hỗ trợ kinh tế của họ. Tuy nhiên, đối với hầu hết các sự kiện thể thao, mọi thứ sẽ không như trước đây.

Cuối lá thư, Chủ tịch IOC tiếp tục chia sẻ những mối quan ngại về môi trường và xã hội: “IOC cũng sẽ nghiên cứu xem và làm thế nào chúng ta có thể đẩy nhanh phản ứng của chúng ta đối với biến đổi khí hậu. Mục đích mới của chúng tôi có thể là làm cho chất lượng khí hậu trở nên tích cực trước cả năm 2030, đó là năm được cộng đồng quốc tế nhắm đến để đạt được mục tiêu khí hậu. Đối với toàn bộ phong trào Olympic, chúng ta cũng có thể phải xem xét kỹ hơn về sự phát triển của các sự kiện thể thao, như chúng ta đã thảo luận tại hội nghị Olympic trước đó.

Các giá trị Olympic của chúng ta về sự đoàn kết, hòa bình, tôn trọng lẫn nhau và cho các quy tắc thể thao toàn cầu cần phải được nhấn mạnh. Bằng cách sống và tăng cường đoàn kết, chúng ta có thể cho thấy hợp tác quốc tế tôn trọng tạo ra kết quả tốt hơn và công bằng hơn so với chủ nghĩa cô lập. Tất cả chúng ta phải nỗ lực để đảm bảo rằng Thế vận hội Olympic được toàn bộ cộng đồng quốc tế ủng hộ như là minh chứng cho sự thống nhất của loài người trong tất cả sự đa dạng của chúng ta. Thế vận hội Olympic đang xây dựng cầu nối cho mọi người mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào, do đó, Thế vận hội Olympic là sự kiện thể thao, văn hóa và xã hội độc đáo này nên vượt ra ngoài mọi cân nhắc chính trị hoặc gây chia rẽ khác.”

Với những chia sẻ của mình thông qua trang web của IOC, ông hy vọng đóng góp quan điểm và chương trình cho một cuộc thảo luận toàn diện trong các cuộc họp quan trọng sắp tới của IOC.

Minh Thy/Báo Tin tức
Olympic Tokyo có khả năng bị hủy nếu đại dịch COVID-19 kéo dài  
Olympic Tokyo có khả năng bị hủy nếu đại dịch COVID-19 kéo dài  

Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát trên thế giới đã khiến Thế vận hội (Olympic) Tokyo 2020 bị lùi tổ chức lại một năm, với thời điểm mới được ấn định cho lễ khai mạc là vào ngày 23/7/2021. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN