Hoãn Olympic 2020 là một quyết định vô cùng khó khăn sau nhiều đắn đo, lưỡng lự của nhiều cơ quan liên quan.

Sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh lần thứ 32 - Olympic Tokyo 2020 đã được Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) quyết định tạm hoãn trong bối cảnh dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Cả lễ thắp đuốc và trao đuốc Olympic đều diễn ra trong lặng lẽ. Ảnh: IOC.

Ngày 19/3, Ủy ban Olympic Hy Lạp trao ngọn đuốc cho các nhà tổ chức Olympic Tokyo 2020 tại Sân vận động Panathenaic ở Athens mà không có sự tham dự của đoàn quan chức cấp cao Nhật Bản hay các cựu vận động viên. Một cuộc trao đuốc lặng lẽ đến kỳ lạ trong buổi lễ được tối giản hết sức do lo ngại nguy cơ lây lan dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Một tuần trước đó, buổi lễ thắp đuốc cũng diễn ra trong bối cảnh tương tự. Ngọn đuốc Olympic thay vì được rước qua 31 thành phố, 15 di tích khảo cổ học tại Hy Lạp, với quãng đường di chuyển 3.500km và truyền qua tay của 600 người như kế hoạch ban đầu đã được mang đến đặt tại sân vận động nhiều ngày trước khi được làm lễ thắp đuốc.

Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 lên toàn bộ lịch thi đấu thể thao thế giói năm 2020. Ảnh: AP.

Khi ấy, từ Tokyo, Thị trưởng thành phố, bà Yuriko Koike khẳng định ưu tiên hàng đầu là đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 để đảm bảo an toàn cho Olympic Tokyo 2020. Dù bà Yuriko Koike cho biết khi ấy chính quyền thành phố không nghĩ tới khả năng hủy bỏ Thế vận hội hoặc tổ chức mà không có khán giả nhưng có thể cảm nhận rất rõ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trước lịch thi đấu thể thao của toàn thế giới nói chung và Olympic 2020 nói riêng.

Chủ tịch IOC Thomas Bach cũng khẳng định, kịch bản “ác mộng” về việc hủy bỏ hoặc hoãn Olympic Tokyo năm nay không được thảo luận tại một cuộc họp quan trọng những ngày đầu tháng 3.

Bốn năm trước, nhiều người đã kêu gọi hủy hoặc hoãn Olympic 2016 ở Rio de Janeiro, Brazil do sự bùng phát của virus Zika, nhưng cuối cùng, thế vận hội này vẫn được tổ chức theo đúng kế hoạch khi dịch bệnh này đã tạm lắng ngay trước lễ khai mạc. Cho đến gần đây, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe vẫn nuôi hy vọng một phép màu tương tự sẽ xảy ra. Tuy nhiên, hy vọng đó đã vụt tắt khi ngày 23/3, ông Tedros Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho biết hầu như tất cả nước trên thế giới đều có người mắc COVID-19, với tổng số ca nhiễm đã vượt ngưỡng 300.000.

Việc hoãn Olympic Tokyo 2020 làm đau đầu ban tổ chức nhưng không thể có cách lựa chọn nào khác. Ảnh: AFP.

Ngày 23/3, nghĩa là khi dịch COVID-19 đã lan rộng khắp thế giới, 2 quốc gia là Canada, Australia tuyên bố không cử vận động viên dự Olympic Tokyo 2020 tại Nhật Bản do lo ngại dịch bệnh. Động thái của Australia và Canada đã gây sức ép, buộc IOC phải cân nhắc lại quyết định tổ chức Olympic Tokyo 2020 khi các ca nhiễm bệnh COVID-19 được xác nhận tại hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Na Uy, Brazil và Slovenia tuyên bố tẩy chay Olympic 2020 nếu diễn ra theo đúng lịch cũ.

Liên đoàn Điền kinh thế giới, Ủy ban Paralympic quốc tế và Ủy ban Olympic nhiều quốc gia cũng lên tiếng đồng tình với khả năng hoãn Olympic Tokyo 2020 sang năm 2021.

Tối 24/3, sau phiên họp kéo dài nhiều giờ, IOC và nước chủ nhà Nhật Bản nhất trí lùi Olympic Tokyo 2020 lại 1 năm. Sau phiên họp, Thủ tướng Abe Shinzo tuyên bố Nhật Bản hoàn toàn đồng ý 100% với quyết định lùi Olympic Tokyo 2020 lại 1 năm của IOC. Đó là phương án khả thi nhất khi sự lựa chọn này tạo ra quỹ thời gian đủ để mọi thứ trở về trạng thái bình thường.

Trên trang chủ của IOC cũng đưa thông tin này và bày tỏ niềm tin rằng "Olympic Tokyo sẽ trở thành ngọn hải đăng hy vọng cho thể thao thế giới trong giai đoạn khó khăn này". IOC cũng nhấn mạnh việc sẽ giữ "ngọn lửa Olympic ở Nhật Bản 1 năm"; Thế vận hội giữ nguyên tên cũ là Olympic và Paralympic Games Tokyo 2020.

Olympic Tokyo 2020 trở thành sự kiện thể thao lớn nhất thế giới bị hoãn, do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Chiếc đồng hồ đếm ngược sự kiện Olympic dừng lại ở khoảng cách gần 122 ngày. Ảnh: AFP.

Chủ tịch IOC Thomas Bach, dù vậy, vẫn khẳng định việc không tổ chức được kỳ đại hội này sẽ tạo ra "những vấn đề nghiêm trọng" không chỉ gây tổn thất nặng nề cho quốc gia đăng cai mà còn ảnh hưởng đến phong trào Olympic.

Ước tính sẽ có khoảng 600.000 du khách nước ngoài đổ về Tokyo và những vùng lân cận trong bối cảnh sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh Olympic và Paralympic - cứ 4 năm được tổ chức 1 lần - được tổ chức ở “đất nước Mặt trời mọc”.

Ngay cả khi chưa có dịch bệnh, luôn có những bài kiểm tra gắt gao nhất cho khả năng tổ chức và hậu cần của các nước mỗi khi có cơ hội đăng cai sự kiện. Và Nhật Bản đã chuẩn bị mọi phương án kể cả động đất để dảm bảo kỳ Olympic diễn ra được thành công nhất.

Ngay sau khi được chọn là thành phố chủ nhà trong phiên họp thứ 125 tại Buenos Aires (Argentina) vào ngày 7/9/2013, Tokyo đã bắt tay vào chuẩn bị cho kỳ đại hội thể thao hoành tráng với cam kết hàng đầu là thân thiện môi trường. Chính phủ Nhật Bản đã đầu tư hơn 35 tỷ euro để xây dựng cơ sở hạ tầng và nhiều mảng công việc khác cho việc tổ chức kỳ Thế vận hội mùa hè 2020.

Cho đến 4 tháng trước giải đấu, rất nhiều hạng mục đã được hoàn thiện đáp ứng những yêu cầu khắt khe của sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh theo tiêu chí xanh.

Các kỹ thuật viên kiểm tra những yếu tố kỹ thuật cuối cùng cho các nhà thi đấu Olympic Tokyo 2020. Ảnh: AP.

Thế vận hội Olympic và Paralympic 2020 sẽ được tổ chức trên 9 quận của Tokyo, trong đó phần lớn các hoạt động sẽ diễn ra ở khu vực là: Khu Di sản - vốn là khu các nhà được sử dụng trong Thế vận hội Olympic 1964 được tân trang lại, và Khu Vịnh Tokyo - được thiết kế với công năng hoạt động như “một mô hình phát triển đô thị cải tiến”.

Nơi ở của các vận động viên tham dự Olympic và Paralympic 2020 sẽ là khu vực vịnh Tokyo với tầm nhìn bao quát địa danh Cầu Vồng nổi tiếng. Các vận động viên và ban huấn luyện từ 200 quốc gia trên toàn thế giới sẽ tập trung về làng vận động viên này. Các điểm nhấn như hồ nước, trung tâm truyền thông, quán cafe góp phần làm nên một làng vận động viên đầy đủ và hấp dẫn.

Nhưng tâm điểm chú ý sẽ là công trình “Village Plaza” được làm từ 40.000 tấm gỗ do các thành phố trên khắp Nhật Bản quyên góp. Cấu trúc chính được làm chủ yếu từ gỗ, với sàn, tường và các bộ phận của mái nhà sử dụng gỗ thông, gỗ tuyết tùng Nhật Bản và cây bách Nhật Bản. Một tòa nhà độc nhất vô nhị và sẽ được dỡ xuống để tái sử dụng sau đại hội.

Mỗi vận động viên đến làng vận động viên sẽ được cấp một chiếc giường cá nhân được làm từ bìa carton có chiều dài 2,1m. Những chiếc giường thân thiện với môi trường này nhẹ hơn so với các vật liệu khác, đồng thời dễ gấp gọn để di chuyển, phù hợp cho việc sắp xếp phòng nghỉ của các vận động viên. Ngoài ra, miếng đệm trải giường cũng được làm từ vật liệu có thể tái chế được, nhằm hạn chế phát thải. Sau sự kiện, những chiếc giường này sẽ được đem đi tái chế. Ban tổ chức đã sắp xếp khoảng 18.000 giường làm từ bìa carton để phục vụ cho Thế vận hội Olympic 2020 và sau đó sẽ được sử dụng cho Đại hội thể thao dành cho người khuyết tật Paralympic 2020.

Công trình xây dựng bằng gỗ, giường làm bằng bìa cứng được trưng bày trong khuôn viên làng Olympic 2020. Ảnh: AFP.

Bên cạnh đó, ban tổ chức Đại hội thể thao thế giới (Olympic) và Đại hội thể thao thế giới dành cho người khuyết tật (Paralympic) Tokyo 2020 ngày 28/1 thông báo sẽ sử dụng hydrogen để cung cấp năng lượng cho cả vạc lửa và ngọn đuốc của Thế vận hội trong hành trình rước đuốc qua các tỉnh, thành của Nhật Bản.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Thế vận hội, hydrogen được sử dụng cho vạc lửa và quá trình rước đuốc, theo đó sẽ không thải khí CO2 ra môi trường.

Huy chương Olympic Tokyo 2020 được sản xuất bằng kim loại quý được chiết xuất từ điện thoại di động và các thiết bị điện tử nhỏ khác do công chúng quyên góp. Các bục trao huy chương của Tokyo 2020 cũng được làm từ rác thải sinh hoạt và đại dương.

Tháng 12/2019, công trình xây dựng tại Sân vận động Olympic cho Tokyo 2020 chính thức hoàn thành. Địa điểm thi đấu chính của Olympic và Paralympic Tokyo 2020 được xây dựng với tổng kinh phí là 1,4 tỷ USD.

Hơn 100 lính cứu hỏa, cảnh sát và lực lượng tự vệ Nhật Bản tham gia diễn tập ứng phó trước tình huống khẩn cấp. Ảnh: AP.

Tokyo chuẩn bị mọi phương án để làm nên một kỳ Olympics thành công, trong đó có cả sự chuẩn bị trước khả năng đón nhận một cơn động đất có cường độ 7,3.

Một cuộc tập dượt ứng phó trước động đất diễn ra vào tháng 1/2020. Các nhà thi đấu, các trung tâm thi đấu Olympic 2020 được đánh giá là an toàn trước rung chấn nhỏ và giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất nếu động đất trên cường độ 7.

Ngoài động đất, chủ nhà Nhật Bản cũng đã tập huấn các tình huống siêu bão, khủng bố xảy ra ở mức độ mang lại sự an toàn nhất, nhất là với người nước ngoài, VĐV nước ngoài cả đời chưa bao giờ đối mặt với thảm họa thiên nhiên.

Có phàn nàn về nguồn nước, Nhật Bản lên kế hoạch cải thiện chất lượng nước. Theo đó, lượng vi khuẩn coli, enterococci theo đúng tiêu chuẩn của các Liên đoàn quốc tế tại các khu vực bơi lội, không có mùi hôi. Nhiệt độ nước tối đa ở Công viên Hải Dương Odaiba cũng được đảm bảo không vượt quá 31 độ C ở bất kỳ khu vực nào.

Về sức nóng giữa mùa hè (tháng Bảy và tháng Tám) Tokyo, ban tổ chức thực hiện một loạt các biện pháp mạnh.

Theo đó, các giai đoạn làm mát bổ sung trong khi thi đấu sẽ được Ban tổ chức Tokyo 2020 thực hiện sau các cuộc thảo luận với Liên đoàn quốc tế về các biện pháp đối phó nhiệt cho Olympic Tokyo 2020. Để phục vụ khán giả, ban tổ chức cũng cam kết tăng số lượng lều che nắng và hệ thống phun sương làm mát. Cụ thể, hệ thống phun sương làm mát sẽ được bố trí tại các địa điểm gồm Công viên Shiokaze, dự kiến tổ chức bóng chuyền bãi biển tại Tokyo 2020. Khán giả cũng sẽ được phép mang đồ uống không cồn dưới 750 ml vào các địa điểm thi đấu, điều đã bị cấm tại các Thế vận hội trước đây do lo ngại về an ninh và liên quan tới tài trợ.

Lúc này, hầu hết các hạng mục công trình của Olympic 2020 đều đã được hoàn thiện. Ảnh: AP, AFP.

Tất cả đảm bảo cho các vận động viên, người hâm mộ thưởng thức một kỳ Olympic cùng linh vật Miraitowa và Someity của Tokyo 2020 một cách tuyệt vời nhất.

Đơn đăng ký tình nguyện tại Olympic và Paralympic 2020 đã được chấp nhận từ ngày 26/9/2018. Đến ngày 18/1/2019, Ban tổ chức Tokyo đã nhận được tổng số 204.680 đơn đăng ký. Các cuộc phỏng vấn để lựa chọn số lượng tình nguyện viên cần thiết đã bắt đầu vào tháng 2/2019, với khóa đào tạo diễn ra vào tháng 10/2019. Tất cả diễn ra trước khi COVID-19 làm gián đoạn khóa đào tạo tình nguyện viên cuối dự kiến diễn ra vào tháng 3/2020. COVID-19 giống như một kịch bản mà giới thể thao toàn cầu chưa từng dự tính trước.

Tokyo 2020 được nhìn nhận như một dấu mốc sức mạnh của châu Á. Sự kiện còn được gọi là "Hat Trick châu Á", sau Thế vận hội mùa đông tại PyeongChang, Hàn Quốc vào năm 2018 và hướng tới Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh năm 2022.

Châu Á tự hào trở thành một đối tác năng động trong phong trào Olympic và Hội đồng Olympic châu Á tin tưởng rằng Tokyo 2020 sẽ góp phần làm giàu thêm di sản phong phú của phong trào Olympic cũng như chứng minh sức mạnh và sự đoàn kết của châu Á.

IOC chính thức ấn định ngày thi đấu mới. Ảnh: IOC.

Vì thế, hoãn Tokyo 2020 là ảnh hưởng đến tinh thần của phong trào Olympic của châu Á và toàn thế giới. Nhưng sức khỏe của hơn 11.000 vận động viên, 90.000 tình nguyện viên và hàng trăm ngàn cổ động viên khắp thế giới cần được bảo vệ.

Việc hoãn 1 sự kiện lớn như Olympic là điều không ai muốn, nhưng giờ đây cũng là lúc đánh giá lại những thiệt hại. Thế vận hội liên quan tới rất nhiều bên như phát thanh - truyền hình, các nhà tài trợ, việc bán vé, các nhà thầu… Trước việc hoãn Olympic vì những lý do “bất khả kháng”, IOC đảm bảo sẽ phối hợp đầy đủ với Ban Tổ chức Olympic Tokyo 2020, chính quyền Nhật Bản và chính quyền thành phố Tokyo để khắc phục những thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Thể thao thế giới đã thay đổi rất nhiều từ sau COVID-19 xuất hiện. Các trụ rửa tay đặt ngoài sân vận động, cổ động viên đeo khẩu trang, găng tay, mũ chắn giọt bắn tới sân vận động. Ảnh: PA, AFP, DM

Bài toán kinh tế là điều được xét tới đầu tiên. Theo Ban Tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo 2020, ngân sách dành cho việc tổ chức là 1.350 tỷ yên (khoảng 12 tỷ USD). Tuy nhiên, theo ước tính của Kiểm toán Nhà nước Nhật Bản, số tiền chi tiêu thực tế cho công tác chuẩn bị có thể lên tới 3.000 tỷ yên (27 tỷ USD). Trong đó 60% được sử dụng để xây dựng cơ sở vật chất và chuẩn bị cho thế vận hội. Nếu Olympic không thể diễn ra, GDP Nhật Bản có thể bị suy giảm tới 1,5%, con số không hề nhỏ với một trong những nền kinh tế hàng đầu châu Á.

Không chỉ bị thiệt hại về kinh tế, Nhật Bản sắp phải đối mặt với “núi” các vấn đề phát sinh như xử lý các hợp đồng tài trợ và hợp đồng bản quyền truyền hình, hoàn tiền bán vé cho khán giả, hay thương lượng lại với khoảng 110.000 tình nguyện viên, trong đó có 80.000 tình nguyện viên hỗ trợ cho các hoạt động tại các địa điểm thi đấu và 30.000 tình nguyện viên cung cấp thông tin về du lịch và phương tiện giao thông công cộng…

Chuyến xe Olympic 2020 sẽ tiếp tục chạy năm 2020. Ảnh: PA.

Trong khi đó, các VĐV cũng bị ảnh hưởng không kém. Họ không chọn được điểm rơi phong độ như đã tính toán, cùng với đó là tâm lý mệt mỏi vì phải chờ đợi hay lo lắng trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Việc hoãn Olympic và dời sang một thời điểm khác có thể khiến không ít VĐV không thể sắp xếp thời gian để thi đấu, điển hình là các ngôi sao môn bóng đá nam - một trong những môn thể thao thu hút sự quan tâm của Olympic.

Một kỳ Olympic mới cũng đặt ra bài toán khó các cơ quan quản lý như IOC hoặc các liên đoàn của riêng từng môn thể thao. Họ sẽ phải sắp xếp, cân đối lịch thi đấu của các giải vô địch thế giới hay vòng loại Olympic trong thời gian tới. Những giải này trước đó đã được vận hành theo một hệ thống rất khoa học, vì vậy việc thay đổi là điều không hề dễ dàng.

Ở thời điểm hiện tại, COVID-19 làm trì hoãn toàn bộ các giải đấu loại chuẩn bị cho Olympic và Paralympic 2020 của tất cả các môn thể thao. Mới có 57% vận động viên đủ tư cách tham dự sự kiện lớn nhất của thể thao thế giới.

Nhật Bản dành 7 năm để chuẩn bị Thế vận hội mùa hè thứ 2 tổ chức trên đất nước mình. Thêm một năm chờ đợi, thêm thời gian để cả thế giới trong đó có những con người của thể thao “chiến đấu” và “chiến thắng” dịch bệnh.

Thêm một năm nữa, sẽ có đủ thời gian cho các cuộc đấu loại, thêm thời gian chuẩn bị tinh thần và sức lực cho các lứa vận động viên.

Hơn 4.000 phòng của làng vận động viên ở sẵn chờ đến ngày đón khách chính thức. Hàng ngàn phòng khách sạn sẽ được đặt lại ngày khách đến...

Khởi động lại từ những chuẩn bị đã quá kỹ càng, cộng thêm tinh thần “tự hồi phục” của người Nhật là điều không quá khó khăn. Chủ tịch Ủy ban Olympic Nhật Bản Yasuhiro Yamashita vẫn khẳng định sẽ làm nên một kỳ Thế vận hội thật thành công với thêm 1 năm chuẩn bị. Với những người lạc quan nhất, Olympic Tokyo 2020 sẽ thêm hoành tráng, thêm sôi động, thêm thành công ở năm 2021.

Ngọn đuốc Olympic, biểu tượng tinh thần của thể thao thế giới, đã được trao cho Nhật Bản vẫn sẽ cháy sáng từ năm 2020 đến 2021 để chờ ngày bừng lên.

Thực hiện: Lê Sơn/Báo Tin tức

31/03/2020 02:30